Hai con khiêng mẹ 87 tuổi vượt gần 500 bậc đá lên đỉnh núi dâng hương Vua Hùng

Quý Đoàn |

Cụ Kiểm (87 tuổi, ở Hà Nội) được hai con trai khiêng lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh của Khu di tích lịch sử Đền Hùng để thoả ước nguyện được dâng hương vua Hùng.

Sáng 27/4 (8/3 âm lịch), hình ảnh hai người con trai trung tuổi khiêng cụ bà 87 tuổi lên núi Nghĩa Lĩnh khiến nhiều du khách đang hành lễ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (TP Việt Trì, Phú Thọ) xúc động và nhiệt tình tiếp sức.

Cụ bà là Nguyễn Thị Kiểm, ở xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Sáng nay, hai người con trai của cụ là ông Ngô Văn Thưởng và ông Ngô Văn Tuấn đưa mẹ từ quê nhà hành hương về đất cội nguồn để thoả ước nguyện được tận tay dâng hương lên Vua Hùng.

Hai con khiêng mẹ 87 tuổi vượt gần 500 bậc đá lên đỉnh núi dâng hương Vua Hùng - Ảnh 1.

Ông Thưởng và ông Tuấn khiêng mẹ cùng xe lăn vượt 495 bậc đá lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh.

Chặng đường cuối cùng của cuộc hành hương về đất Tổ của cụ Kiểm và hai người con là đi lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng. Đây cũng chặng vất vả nhất. Cụ Kiểm ngồi xe lăn, ông Thưởng và ông Tuấn kiên trì đẩy xe ngược dốc lên đỉnh núi, đặc biệt phải khiêng mẹ ngồi xe lăn vượt khoảng 495 bậc đá để qua lần lượt Đền Hạ, Đền Trung tới Đền Thượng.

Chứng kiến hai người con trai kiên trì khiêng mẹ già ngồi xe lăn lên đỉnh núi, nhiều du khách bày tỏ ngưỡng mộ, thán phục. Du khách liên tục nhường đường cho 3 mẹ con cụ Kiểm, thậm chí sẵn sàng hỗ trợ, giúp sức hai người con. Mọi người chúc cụ Kiểm mạnh khoẻ, trường thọ và hai người con trai cụ gặp nhiều phước lành, hạnh phúc.

Hai con khiêng mẹ 87 tuổi vượt gần 500 bậc đá lên đỉnh núi dâng hương Vua Hùng - Ảnh 2.

Cụ Kiểm rất vui khi được thoả ước nguyện về vùng đất Tổ, dâng hương lên Vua Hùng.

Sau khi tự tay thắp hương Giỗ Tổ trên Đền Thượng, cụ Kiểm cho biết: "Tôi đã được thoả ước nguyện tìm về nguồn cội. Đây là lần thứ 2 trong đời tôi được về Đền Hùng. Lần thứ nhất là khi tôi còn rất trẻ. Lần này là khi tôi đã tuổi cao, sức yếu".

Ông Ngô Văn Tuấn, con trai cụ Kiểm cho hay: "Mẹ tôi tuổi đã cao, chân rất yếu nên phải ngồi xe lăn. Khi mẹ nói năm nay muốn được về Giỗ Tổ Hùng Vương, anh em chúng tôi đã bàn bạc và quyết định sẽ giúp mẹ thoả ước nguyện. Hai anh em tôi đưa mẹ đi từ sớm, đến đây cũng cố gắng để khiêng mẹ cùng xe lăn lên núi. Dù có mệt chút nhưng khi thấy mẹ vui, chúng tôi cũng rất vui". Ông Tuấn cho biết, hai anh em ông coi đây là việc rất bình thường, nhưng không ngờ lại được những du khách cùng hành hương chú ý và động viên đến vậy.

"Mọi người nhường đường, liên tục ngỏ ý giúp đỡ và dành nhiều lời chúc tụng khiến chúng tôi rất cảm kích", ông Ngô Văn Thưởng nói thêm.

Lễ hội Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 diễn ra từ 20-29/4 (1-10/3 năm Quý Mão). Sự kiện được tỉnh Phú Thọ chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo phần lễ trang nghiêm, trọng thể, thành kính mang tính cộng đồng sâu sắc.

Nhiều nghi lễ truyền thống sẽ được tổ chức trong suốt những ngày diễn ra lễ hội như Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân; Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh; Lễ dâng hương của các huyện, thành, thị tại Đền Hùng; Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức.

Các hoạt động phần hội được tổ chức vui tươi, lành mạnh, gắn kết chặt chẽ với du lịch, nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị của di sản văn hóa độc đáo vùng đất Tổ, gồm: Hội chợ Du lịch Tây Bắc năm 2023 và Liên hoan Văn hóa Ẩm thực Đất Tổ tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; Hội chợ Triển lãm thương mại công thương vùng Đông Bắc và các Hội thi gói nấu bánh chưng, giã bánh giầy; trình diễn đâm đuống, đánh trống đồng; triển lãm “Di sản Văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam; biểu diễn Múa rối nước; trình diễn trang phục áo dài và xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam; thi đấu các môn thể thao truyền thống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại