Hai cơ quan của Trung Quốc được Thủ tướng Lý Cường tin tưởng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực trọng điểm

Minh Hằng |

Hai cơ quan này sẽ giúp kết nối cũng như tham gia vào việc phát triển các tuyến đường trong lĩnh vực ưu tiên giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, sáng 13/10. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, sáng 13/10. Ảnh: VGP

Đó là lĩnh vực giao thông vận tải, cụ thể là đường sắt.

Theo đó, trưa 13/10, tại trụ sở Chính phủ, sau khi tiến hành hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác giữa hai nước. Sự kiện này diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trên cương vị mới.

Trong đó, có hai văn kiện hợp tác đáng chú ý giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt. 

Hai cơ quan của Trung Quốc được Thủ tướng Lý Cường tin tưởng hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực trọng điểm - Ảnh 1.

Hai Thủ tướng chứng kiến trao Bản ghi nhớ về phương án kỹ thuật kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc). Ảnh: VGP

Thứ nhất, đó là Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc về phương án kỹ thuật kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc.

Thứ hai là Biên bản làm việc giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về việc khảo sát hiện trường nghiên cứu tính khả thi dự án viện trợ lập Quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng.

Hai cơ quan của Trung Quốc được Thủ tướng Lý Cường tin tưởng hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực trọng điểm - Ảnh 2.

Hai Thủ tướng chứng kiến trao Biên bản làm việc giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về việc khảo sát hiện trường nghiên cứu tính khả thi dự án viện trợ lập Quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hài Phòng. Ảnh: VGP

Trước đó, vào sáng cùng ngày, tại buổi hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị hai bên phối hợp triển khai hiệu quả các văn kiện về hợp tác đường sắt đã ký kết, hợp tác phát triển ngành công nghiệp đường sắt hiện đại, cung cấp vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ, đồng thời hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực để triển khai 03 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối các địa phương phía bắc Việt Nam với Trung Quốc, bao gồm: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

Ngoài ra, về hợp tác đầu tư, Thủ tướng đề nghị hai bên hợp tác triển khai các dự án mang tính biểu tượng cho quan hệ song phương, quy mô lớn, công nghệ cao trong các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu như năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ, ô tô điện, trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do, đô thị thông minh, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Hai cơ quan của Trung Quốc được Thủ tướng Lý Cường tin tưởng hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực trọng điểm - Ảnh 3.

Toàn cảnh cuộc hội đàm của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, sáng 13/10. Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng đề nghị hai bên đẩy mạnh hợp tác về tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, du lịch, môi trường, tăng cường chia sẻ dữ liệu khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước trên các sông xuyên biên giới; hợp tác quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả nguồn nước sông Mekong - Lan Thương.

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị triển khai hiệu quả các suất học bổng dành cho du học sinh Việt Nam; tạo điều kiện để Việt Nam sớm thành lập Trung tâm Văn hóa tại Bắc Kinh; cùng xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai Năm Giao lưu nhân văn Việt - Trung 2025...

Tán thành và đánh giá cao đề xuất hợp tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đề nghị hai bên tăng cường kết nối chiến lược, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông; thúc đẩy hợp tác về kinh tế - thương mại, đầu tư, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, nông nghiệp, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất; đào tạo dạy nghề; mở rộng hợp tác tài chính - tiền tệ.

Ý nghĩa quan trọng của 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam – Trung Quốc

Hai cơ quan của Trung Quốc được Thủ tướng Lý Cường tin tưởng hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực trọng điểm - Ảnh 4.

Tàu liên vận vận chuyển hàng hóa xuất khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: ĐSVN

Trước đó, ngày 27/6, trong chuyến tham dự WEF Đại Liên, làm việc tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh tại Thủ đô Bắc Kinh. Thủ tướng đề nghị, trước mắt, hai bên tập trung thúc đẩy hợp tác triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam – Trung Quốc (bao gồm Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; Lạng Sơn – Hà Nội; Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng).

Về ý nghĩa quan trong của 3 tuyến đường sắt này, hai nhà lãnh đạo đã cho rằng, các dự án này sẽ giúp Việt Nam kết nối với Trung Á, châu Âu qua Trung Quốc; đồng thời giúp Trung Quốc kết nối với ASEAN qua Việt Nam, trong đó tỉnh Vân Nam của Trung Quốc sẽ có đường ra biển gần hơn khi đi qua Việt Nam.

Khi đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, 3 tuyến đường sắt trên sẽ góp phần giúp hai nước Việt Nam – Trung Quốc "núi liền núi, sông liền sông" giảm được chi phí logistics, giảm giá thành, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, đồng thời thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cũng như sinh kế cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội.

Hai cơ quan của Trung Quốc được Thủ tướng Lý Cường tin tưởng hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực trọng điểm - Ảnh 5.

Trung Quốc hiện có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới. Ảnh: CNN

Đường sắt là lĩnh vực được chú trọng trong nhiều năm qua tại Trung Quốc. Trung Quốc có mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất thế giới. Cụ thể, quãng đường hoạt động của đường sắt cao tốc tại Trung Quốc hiện đã vượt qua 46.000 km, chiếm hơn 70% tổng chiều dài đường sắt cao tốc của thế giới. 

Đáng chú ý, số km khai thác đường sắt cao tốc với tốc độ lên tới 300 – 350 km/h là 20.000 km, tức là chiếm 43%; còn số km khai thác của đường sắt cao tốc với tốc độ dao động từ 200 – 250 km/h là 26.000 km, chiếm 57%.

Trung Quốc hiện cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được tốc độ vận hành thương mại của đường sắt cao tốc là 350 km/h.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại