Thời gian vừa qua, Pakistan lại rộ lên trào lưu rùng rợn mang tên "cái chết danh dự". Những kẻ gây án thường giết người với lý do rửa sạch nỗi ô nhục cho gia đình và dòng họ. Điều này đã gây ra bao nỗi bất hạnh cho người dân, đặc biệt là phụ nữ.
Vào ngày 14/5, ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh Bắc Waziristan đã chứng kiến cái chết thương tâm của hai cô gái ở độ tuổi 22 và 24 trong cùng một gia tộc. Giới cảnh sát cho biết, nạn nhân đã bị bắn chết và chôn bởi chính cha và anh trai mình.
Khu vực Bắc và Nam Waziristan, Pakistan (giáp biên giới Afghanistan) nổi tiếng với sự bảo thủ và nghiêm ngặt về "mã danh dự". Tại đây, phẩm giá của các thành viên sẽ quyết định vị thế xã hội của gia đình họ và phụ nữ thường không được phép ra khỏi nhà mà không có người đi cùng.
Động cơ gây án trong vụ việc này được ghi nhận do sự rò rỉ của một video trên mạng xã hội. Cụ thể, đoạn clip ngắn ghi lại cảnh một người đàn ông trẻ hôn vào môi hai cô thiếu nữ. Thước phim còn có sự góp mặt của nhân vật thứ tư (người con gái được cho là đã chứng kiến sự việc với một nụ cười).
Trong khi hai nữ chính đã phải nhận lấy hậu quả đáng tiếc cho hành động của mình, cô gái thứ ba may mắn an toàn, cảnh sát Muhammad Nawaz Khan nhận định. Không lâu sau cái chết của các nạn nhân, cảnh sát đã bắt giữ người đàn ông 28 tuổi trong đoạn video bởi hành vi thô tục với phụ nữ.
Khu vực Bắc Waziristan - nơi xảy ra vụ án. Ảnh: CNN
Mới đây, trong một tuyên bố, Ủy ban Nhân quyền Pakistan (HRCP) đã nhấn mạnh sự phẫn nộ của người dân đối với vụ giết người tại Waziristan trên các phương tiện truyền thông. Họ lên án gay gắt và quyết tâm đòi lại công bằng cho những nạn nhân xấu số: "Chúng tôi không thể chịu đựng thêm những hành động ghê tởm như thế này nữa."
Hơn thế, họ còn yêu cầu: "Chính quyền địa phương phải nỗ lực hết sức trong việc đảm bảo an ninh cho cô gái và người đàn ông còn lại trong video, đồng thời đưa hung thủ ra trước pháp luật".
Hủ tục man rợ, giết người vì danh dự ở Pakistan
Theo báo cáo năm 2019 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ước tính có khoảng 1.000 "cái chết danh dự" diễn ra hằng năm ở Pakistan. Song, đó chưa phải số liệu thống kê chính thức vì hồ sơ vụ án thường bị che giấu hoặc làm giả bởi các thành viên trong gia đình. Nguyên nhân cái chết của các cô gái xấu số phần lớn được người thân báo do tự tử, bệnh tật, hoặc tai nạn.
Hồi tháng 10/2016, ba tháng sau khi ngôi sao truyền thông xã hội và nữ quyền Qandeel Baloch bị sát hại bởi chính anh trai, Pakistan đã thông qua dự luật sửa đổi để hạn chế việc lợi dụng kẽ hở pháp luật.
Theo đó, luật pháp cũ quy định người gây án có thể thoát khỏi trách nhiệm hình sự nếu được gia đình nạn nhân ân xá. Điều này đã giúp không ít kẻ xấu thoát tội nhờ vào vòng tròn quan hệ. Người cùng gia tộc sẽ giết các cô gái để bảo toàn danh dự cho dòng họ và đó là lý do khiến gia đình nạn nhân ân xá cho kẻ thủ ác.
Chế độ phụ hệ và khái niệm "danh dự" lỗi thời cùng những hủ tục lạc lậu kể cả việc giết người đã và đang gây ra những ám ảnh với phụ nữ đất nước này. Theo báo cáo khoảng cách giới tính năm 2020 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Pakistan (quốc gia đông dân thứ 6 toàn cầu) là một trong những đất nước có nhận thức kém nhất về bình đẳng giới.
Hiện nay, bản án chung thân đã được áp dụng cho các vụ "giết người vì danh dự", song chúng vẫn còn phổ biến tại Pakistan, đặc biệt ở những khu vực nông thôn và phụ nữ vẫn là đối tượng gặp nguy hiểm nhiều nhất. Pakistan sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ, để những kẻ phạm tội vì "danh dự" không thể tiếp tục hành động và tồn tại một cách nhởn nhơ.