Võ Minh Tân (Hý Du Ký) và Đặng Đức Tuấn (Han Vietnam) là đồng sáng lập dự án A little Vietnam. Năm 2022, hai chàng trai trẻ có tính cách đối lập nhưng đã cùng nhau tự bỏ tiền túi, đi hết 63 tỉnh thành ở Việt Nam để trồng cây. Han và Hý đã trồng thành công hơn 500 cây xanh dọc hành trình 8.000km mà họ đã đi qua.
A little Vietnam không nhằm trồng thật nhiều cây xanh, mà mục tiêu chính là truyền tải thông điệp "Nếu yêu Việt Nam, hãy yêu môi trường", đồng thời cải thiện ý thức của mọi người khi đi du lịch - đó là "du lịch trách nhiệm". Hiện, A little Vietnam đã tổ chức các tour du lịch trồng cây tại Măng Đen (Kon Tum) và có những kế hoạch dài hơi hơn cho tương lai…
Dưới đây là những chia sẻ của một trong hai thành viên sáng lập A little Vietnam - anh Võ Minh Tân (Hý Du Ký).
Tại sao các anh đặt tên cho dự án của mình là A little Vietnam?
Cái tên này mang ý nghĩa là “một chút”: nếu cộng đồng mỗi người góp một chút, thì chúng ta sẽ có nhiều chút. Chúng tôi tâm niệm mỗi người chỉ cần có một chút ý thức, nhiều người thay đổi thì sẽ tạo nên sức ảnh hưởng lớn.
Nhiều người thường nghĩ yêu môi trường thì phải làm những điều nghiêm túc như không dùng ống hút nhựa, không dùng túi nilon… nhưng chúng tôi không chọn làm những hành động quá cứng nhắc như vậy. Có nghĩa là, tôi vẫn sẽ dùng túi nilon, ống hút nhựa trong trường hợp cần thiết và sẽ cố gắng tái sử dụng càng nhiều càng tốt. Ví dụ, Han thường hay xếp lại các núi nilon để sử dụng cho lần sau. Hoặc tôi sẽ cân nhắc mua túi vải, xem liệu mình có dùng được đủ số lần vòng đời của những món đồ này hay không
Thỉnh thoảng, mọi người có thể bắt gặp tôi đang ngồi trong quán cafe, sử dụng ly nhựa và ống hút. Nhưng đó là trường hợp không có lựa chọn nào khác. Cuộc sống hiện đại sẽ kéo theo một số điều không thể tránh khỏi. Quan trọng là chúng ta có ý thức về việc bảo vệ môi trường. Nếu mình quá cứng nhắc, điều đó không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới bản thân mà còn tạo ra cái nhìn không mấy thiện cảm về cộng đồng yêu môi trường.
Cái tên A little Vietnam xuất phát từ đó: Chúng ta chỉ cần thay đổi một chút, điều đó đã có ý nghĩa, hơn nữa, cuộc sống cũng sẽ nhẹ nhàng hơn.
Điều chúng tôi hướng đến đó là thể hiện một chút tinh thần Việt Nam, nhưng điều đó có thể khiến khách phương Tây và cộng đồng hiểu hơn về đất nước mình.
Khi tìm kiếm “A little Vietnam” trên Google, thông tin đầu tiên mọi người thấy sẽ là câu chuyện đi xuyên Việt trồng cây xanh, hai người mỗi người một chiếc xẻng. Anh có thể chia sẻ lý do tại sao hai anh nghỉ việc và chọn cách du lịch kiểu “hành xác” này không?
Thực ra, quyết định du lịch mang theo 2 chiếc xẻng được chúng tôi chốt rất nhanh, vì nó đã nằm trong dự tính. Từ đầu, tôi và Han có ý tưởng lập nhóm review du lịch. Sau mỗi chuyến đi, chúng tôi làm một video. Mỗi video đó truyền tải một thông điệp tích cực về bảo vệ môi trường và thiên nhiên đến với mọi người. Vô tình, những video đó được mọi người ủng hộ.
Tuy nhiên, sau đó tôi suy nghĩ, để làm review tốt, thì bản thân phải hiểu về địa phương và đất nước mình. Để hiểu được, chỉ còn một cách đó là đi. Đi nhiều hơn người khác, đi nhiều hơn người xem thì mới có cái (chất lượng) để kể cho họ.
Thời điểm đó, chúng tôi vẫn là nhân viên văn phòng, thời gian làm việc rất bận rộn, một năm chỉ ra được 1 video thôi. Nếu cứ duy trì như vậy thì rất nản. Do đó, tôi và Han ngồi lại và quyết định sẽ đi một chuyến dọc 63 tỉnh thành của Việt Nam. Mục đích của chuyến đi là để hiểu hơn về đất nước cũng như... ra được nhiều video hơn.
Lúc bàn bạc, chúng tôi vẫn có những công việc riêng của mình. Phải tới vài năm sau, tôi mới xin nghỉ việc ở nước ngoài, về nước để thực hiện chuyến đi. Han cũng nghỉ việc để đi cùng tôi. Có thể nói, tôi và Han đã lên kế hoạch trong một thời gian rất dài, còn quyết định thì rất nhanh.
Vậy từ kế hoạch cho đến thực tế, anh mất bao nhiêu thời gian?
Khi xem video chúng tôi chia sẻ, mọi người sẽ thấy chuyến đi được chuẩn bị rất kỹ. Thậm chí, chính tôi và Han còn phải bất ngờ vì mình đã chuẩn bị kỹ hơn mức cần thiết. Tôi là người lo xa, trước khi đi một chuyến dài như vậy sợ lắm. Chúng tôi không phải dân phượt chuyên nghiệp, chưa từng đi du lịch dài ngày, lại đi bằng xe máy, nên có nhiều trở ngại.
Thời điểm tôi về nước, dịch Covid vừa bùng phát nên không thể đi ngay được, phải ở trong nhà 7 tháng. 7 tháng ở nhà đó cũng giúp chúng tôi có thời gian để tính kỹ với nhau hơn. Điểm khó là chúng tôi không ở cùng một nơi, phải họp online liên tục. Tôi và Han thống nhất: cứ cách một ngày sẽ họp một lần, rất nghiêm túc! Chỉ có làm như vậy thì chuyến đi mới có thể thực hiện.
Có nhiều cách để truyền tải thông điệp tích cực về du lịch. Cách hay nhất mà chúng tôi lựa chọn để quảng bá du lịch Việt Nam là thay đổi ý thức của mọi người. Để làm được điều đó, chúng tôi phải có hành động thực tế. Sau khi cân nhắc và tính toán giữa nhiều hình thức, tôi và Han chọn trồng cây. Bởi vì hoạt động đó đơn giản nhưng mang lại nhiều ý nghĩa. Thêm vào đó, trồng cây không mang lại "tác dụng phụ" hay những hệ quả không tốt về sau.
Một nhà thơ làm giám khảo trong chương trình Miss Grand International Việt Nam có nói với chúng tôi rằng: "Không có gì trên đời đáng quý hơn trồng một cái cây".
Sau khi trở về từ chuyến đi, chúng tôi mới được nghe những câu như vậy. Nghĩ lại, tôi thấy khi đó mình đã làm đúng và chọn được ý tưởng hay.
Tôi nghĩ chiếc xẻng có lẽ là “linh vật” trong chuyến đi xuyên Việt kéo dài 4 tháng của hai anh. Anh có kỷ niệm đáng nhớ nào với chúng không?
Han là người có tính hay quên. Những món đồ cậu ấy làm mất đa dạng lắm. Có khi là một chiếc áo khoác, kính mắt, có khi là cả máy ảnh… Nhưng đặc biệt, chiếc xẻng là Han không bao giờ quên.
Ngược lại, tôi là người không bao giờ quên đồ. Nhưng tôi lại là người đánh rớt xẻng trên đường! Buộc xẻng trên xe máy rất khó. Thường thì dây quấn xẻng sẽ bị cuốn vào bánh xe và bị đứt.
Tôi vẫn nhớ hai chiếc xẻng đầu tiên được mua ở Hà Nội. Tôi và Han mua, xong đẽo cán ngay tại chỗ.
Địa điểm đầu tiên của chuyến đi là Ninh Bình. Chúng tôi chọn cắm trại, qua đêm ngoài trời giữa đầm Vân Long. Sáng vừa mở mắt ra, tôi thấy có người mở lều ngó vào trong nên sợ “hết hồn”. Các cô chú ở đó hỏi han chúng tôi ở đây làm gì? Tại sao lại ngủ ngoài trời?… Đúng lúc đó, cô chú đang vác xi măng lên thuyền để chuyển vào xây chùa. Cô chú bảo: “Các con thanh niên trai tráng dậy sớm đi vác xi măng phụ cô chú”. Lúc đó tôi và Han thậm chí còn chưa ăn sáng, tức tốc dậy đi vác xi măng.
Xong việc, cô chú dẫn chúng tôi vào chỗ đang xây chùa để trồng cây. Đó là những cái cây trong hành trình của A little Vietnam. Trồng cây xong xuôi, cô chú mượn chiếc xẻng của chúng tôi để… trộn xi măng. Chuẩn bị ra về, cô chú khen “xẻng tốt quá, cho cô chú xin, các con ra chợ mua cái khác” (cười).
Chiếc xẻng của A little Vietnam
Khi mới xuất phát, chúng tôi còn nghĩ chiếc xẻng này sẽ đồng hành cùng mình suốt 63 tỉnh thành, không ngờ phải chia tay sớm như vậy. Tôi và Han phải năn nỉ để xin lại 1 chiếc xẻng. Sau đó tôi ra chợ mua thêm một chiếc mới, vậy là có hai chiếc xẻng không giống nhau.
Về sau, trên đường đi, xẻng rơi mất một vài lần. Tôi thậm chí không nhớ mình đã thay bao nhiêu chiếc xẻng. Bù lại, chiếc xẻng đầu tiên đã hỏng nhưng chúng tôi vẫn giữ lại được. Hiện nó được “trưng bày” tại nhà của Han ở Đồng Nai. Chúng tôi gọi vui đó là “di tích lịch sử”.
Trước khi chọn cây để trồng xuống đất, các anh có tiêu chí gì không?
Các loại cây chúng tôi chọn khá đa dạng, không cố định. Phần lớn cây có nguồn gốc từ vườn quốc gia. Tuy nhiên, phần lớn cây chúng tôi chọn là cây giổi xanh, chò giống từ cây chò ngàn năm, chay… Đặc điểm chung của những loại cây này là có thể lấy gỗ, cho bóng mát.
Trước khi chọn, tôi và Han đã tìm hiểu rất kỹ và ngạc nhiên với công dụng của cây chay. Bởi vì mọi bộ phận của cây chay đều có thể sử dụng, từ hoa, lá, hạt cho đến gỗ… Khi tôi mang cây từ vườn quốc gia Cúc Phương đến trồng, mọi người rất thích.
Nếu trồng trên đất của các cơ quan, đơn vị nhà nước thì chúng tôi sẽ tự chọn cây. Nếu trồng đất của người dân, chúng tôi sẽ hỏi họ thích cây gì để mua tặng. Mục đích cuối cùng của chúng tôi là trồng cây chứ không phải trồng rừng. Vì đây là dự án trồng cây, điều chúng tôi muốn hướng đến là truyền tải thông điệp.
Làm thế nào mà các anh mang cây từ vườn quốc gia Cúc Phương đi đến các tỉnh thành?
Để có cây, chúng tôi phải đảo qua vườn quốc gia Cúc Phương đến 3 lần. Chúng tôi quay lại quá nhiều đến nỗi Giám đốc của vườn quốc gia cũng quen mặt. Hai đứa mua có mấy chục cây mà chọn cả buổi trời. Mỗi lần lấy chúng tôi chỉ mang đi theo được khoảng 50 cây. Ở mỗi tỉnh, chúng tôi sẽ để lại 5-10 cây mà thôi.
Vì không mang được nhiều, nên tôi và Han đều cố gắng mang những cây thật lớn. Có khi buộc cây vào xe, cây còn cao hơn người. Lý do là vì những cây đó sẽ khỏe hơn cây non, đi đường dài không sao. Hơn nữa, khi trồng xuống cây sẽ dễ ổn định và nâng cao tỷ lệ sống sót.
Trước khi chọn phương án trồng cây to, tôi và Han đã nghiên cứu bom hạt. Thế nhưng tôi cho rằng việc rải hạt nhưng không có người chăm sóc sẽ không thể đảm bảo việc cây sinh trưởng tốt. Vì cuối cùng thì sau khi trồng cây, phải có người trông coi, chăm sóc. Vì số lượng không nhiều nên tôi muốn cây phải sống được.
Lúc ở nhà do Covid, tôi xem phim tài liệu về cây và môi trường, còn Han thì đọc sách để nghiên cứu. Thậm chí khi đi, Han còn mang theo cuốn sách yêu quý, đó là tác phẩm của một nhà khoa học nước ngoài, ông đã có kinh nghiệm trồng cây hàng chục năm. Đó cũng là lần đầu tiên tôi đọc sách về cây. Cũng nhờ đó, tôi phát hiện ra một sự thật: cây có thể kết nối và giao tiếp với nhau như con người, thông qua bộ rễ dưới đất, có tác động qua lại với nhau. Có những nơi chúng ta nghĩ cây này đang chiếm đất của cây kia nhưng không phải. Thực ra chúng đang kết nối với nhau và sống như một cộng đồng.
Ở một số nơi, chúng tôi còn trồng cây ăn quả hoặc mua cây trồng tại địa phương. Ví dụ như khu vui chơi trẻ em, chúng tôi sẽ trồng cây ăn quả, vì nếu trồng cây bóng mát thì sẽ không thể thấy hiệu quả được ngay. Hơn nữa, trồng cây ăn quả, trẻ em có thể lấy trái. Hoặc ở một số tỉnh miền Tây, cây rừng khó phát triển. Do đó chúng tôi tặng mọi người cây ăn quả lạ họ thích, có thể mang lại hiệu quả kinh tế như cây bơ 034…
Từ đầu đến giờ, anh chia sẻ đều là chuyện vui. Vậy trong chuyến đi xuyên Việt đó, hai người có gặp phải trở ngại gì không?
Khi lên kế hoạch đi 63 tỉnh thành với Han, tôi đã nói trước “chuyến đi sẽ mất hoàn toàn ý nghĩa nếu một trong hai không an toàn”. Thực tế là, Han đã từng ngã xe một lần. Lúc đó, Han phanh gấp, suýt đâm vào một chiếc xe đi ngược chiều và ngã ra đường. Rất may mắn là cậu ấy bị xây xát một chút ở tay, có lẽ tinh thần bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Han là người cẩn thận, chạy rất chậm. Ngược lại, tôi là người cái gì cũng phải làm nhanh, chạy xe cũng vậy. Không ngờ người đi chậm hơn lại bị ngã xe. Tôi còn nhớ đang chạy xe thì Han nói trong bộ đàm “Hý ơi dừng lại đi, tao đang ở phía sau”. Lúc này tôi biết có chuyện không hay xảy ra. Cũng may mắn là được một số người đi đường giúp đỡ.
Chúng tôi đều là những người đi làm nhiều năm, đã “cứng rắn” hơn rất nhiều. Nhưng đặt vào một chuyến đi dài ngày như vậy, không tránh khỏi việc cảm thấy lạc lõng. Việc đi liền 4 tháng sẽ khác với những chuyến du lịch vài ngày. Cũng là rong ruổi khắp Việt Nam, nhưng khi đến những tỉnh bạn chưa từng đặt chân tới, thì tâm lý sẽ khác. Trong tuần bị ngã, có lẽ tâm lý của Han bị ảnh hưởng ít nhiều.
Mãi về sau, Han mới kể có một lần khác suýt bị ngã khi đang đi trên đèo. Lúc đó Han không dám kể vì sợ bị la. Tôi là người hay lo xa nên thường cằn nhằn với Han. Đôi khi, tôi lo cho Han như cha với con.
Ngoài ra, thời gian đi xuyên Việt, chúng tôi đánh đổi bằng một khoảng “gap” trong sự nghiệp. Khi quay trở lại, tôi phải chọn công việc phù hợp. Nghĩ lại đó là một quyết định khá mạo hiểm vì tôi phải đánh đổi. Nhìn từ ngoài vào, có lẽ nhiều người sẽ nói chúng tôi ngông. Ở thời điểm đó, tôi và Han đều có công việc ổn định, đạt đến vị trí mà phải mất nhiều năm mới chạm tới. Việc bỏ ngang để đi như vậy tôi thừa nhận là hơi ngông, nhưng bù lại, chúng tôi có được những trải nghiệm xứng đáng.
Nếu có cơ hội đi một lần nữa, anh có đi tiếp không? Có khi nào, anh cảm thấy hối hận vì giả sử không có chuyến đi đó thì anh sẽ đạt được nhiều thứ khác, chẳng hạn, kiếm được nhiều tiền hơn?
Nếu nói là có đi tiếp hay không thì câu trả lời là “không”. Thực sự, đi xe máy xuyên Việt, lại còn mang theo cây là điều không hề dễ dàng, nhất là đối với những người “tay ngang” như tôi và Han.
Ở một số điểm, chúng tôi thậm chí chỉ chụp được một cái cây. Trước khi đi, cả hai dự định ở mỗi tỉnh sẽ chụp người và một cây, như vậy là sẽ có 63 tấm hình selfile đăng Instagram. Nhưng trên thực tế, có những thời điểm chúng tôi quá mệt, không còn sức chụp nữa. Các bạn sẽ thấy có những tấm chúng tôi setup máy cẩn thận và có sự xuất hiện của hai đứa. Nhưng sẽ có những nơi, Han đưa máy cho tôi và nói: “Hý ơi mày lấy máy chụp mấy cây đi”, là xong! Do đó, sẽ có những tỉnh các bạn chỉ thấy chụp cây mà không có mặt Hý và Han.
Đã có lần Han hỏi tôi “nếu không có mặt mình thì mọi người không tin thì sao?” - Tôi trả lời: “Mình cần gì phải chứng minh khi mà số cây chẳng đáng bao nhiêu. Quan trọng là mọi người có quan tâm đến việc làm của chúng mình hay không? Đây không phải dự án trồng cây”.
Còn nói về “hối hận”, thì chưa bao giờ.
Nếu có thì cũng chỉ có những điều tiếc nuối nhỏ trên hành trình, ví dụ như ở lại một tỉnh lâu hơn dự kiến. Lịch trình rất quan trọng. Chúng tôi phải đi theo đúng kế hoạch, không thể kéo dài. Trước đó, tôi và Han dự kiến đi đúng 4 tháng, do đó, chuyến đi không thể kéo dài sang tháng thứ 5 vì còn liên quan đến kinh phí…
Sau khi khép lại cuộc hành trình đi 63 tỉnh thành, việc tiếp theo A little Vietnam làm là gì?
Ngay sau khi trở về, tôi và Han tổ chức chuyến du lịch trồng cây cho đoàn 15 người về Măng Đen (Kon Tum). Nó không được chỉn chu như mọi người làm tour nhưng hoàn toàn đáp ứng được về mặt du lịch trải nghiệm.
Những người tham gia sẽ vừa được đi du lịch với số tiền ít hơn so với thực tế. Chúng tôi sẽ bỏ tiền quỹ để mua cây, vật dụng. Người tham gia chỉ cần bỏ tiền ăn uống và ở.
Chuyến đi không dừng lại ở du lịch trải nghiệm, mà mọi người còn được hòa mình trong cộng đồng toàn những người yêu thiên nhiên và môi trường. Mọi người đến từ nhiều ngành nghề, độ tuổi khác nhau nhưng có điểm chung là thích sống xanh.
Trong chuyến đi đầu tiên, tôi vẫn còn nhớ một bà mẹ trẻ. Bạn có con nhỏ mới 5 tuổi tên là Thép. Lúc đó, bạn thậm chí nài nỉ để cho bé đi theo. Chúng tôi phải “bấm bụng” cho đi. Đây là trường hợp duy nhất được đặc cách. Trong chuyến đi, bạn nhỏ 5 tuổi mang cây cho mẹ trồng. Chính tay Thép trồng được 1 cây, còn lại là phụ giúp mọi người. Khi được hỏi trồng được bao nhiêu cây rồi, bé đếm và trả lời 41. Trên thực tế, đó là cây của mọi người trong đoàn trồng…
Thậm chí bé còn cùng đoàn tham gia leo núi, nhưng đến nửa chừng phải đi về. Lúc đó, bé còn muốn đi tiếp nhưng Han bị ong chích nên phải về. Để đảm bảo an toàn, mọi người khuyên bé theo về. Nhưng lúc đó, bé còn nhất định đòi đi theo đến cuối cùng. Tuy nhiên sau cùng, bé vẫn phải quay về.
Để tổ chức được thì cần phải có kinh phí. Hai anh lấy tiền từ đâu?
Đầu tiên, tôi và Han có một quỹ riêng để trồng cây. Sau đó, chúng tôi được góp mặt trong chương trình Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Nhờ đó, quỹ có thêm một khoản nữa.
Phần lớn tiền quỹ dùng để mua cây cho những chuyến đi Măng Đen. Nhưng cô chú ở vườn ươm đã quen chúng tôi, nhiều khi không lấy tiền. Lý do là vì cây giống tự ươm, giá chỉ vài ngàn đồng. Nếu nhân lên chỉ đáng 1-2 triệu đồng. Nhưng chúng tôi vẫn gửi lại tiền cho cô chú, vì không đáng bao nhiêu cả.
Bên cạnh đó, khi chúng tôi tổ chức tour, trước đó sẽ thu của mỗi người một số tiền nhất định. Sau khi đi về sẽ tính toán lại, nếu thiếu thì mọi người đóng thêm, nếu dư thì trả lại. Tuy nhiên, nếu dư thì mọi người ít khi nhận lại. Hầu như sẽ góp vào quỹ. Số tiền đó không đáng bao nhiêu, chỉ 100 - 200 nghìn đồng. Nhờ đó, không có chuyến đi nào bị âm tiền. Phần mọi người đóng lại gần như đã đủ bù vào tiền quỹ. Số tiền trong quỹ nhờ vậy cứ còn hoài… Quỹ của A little Vietnam từ nhờ vậy không bao giờ bị vơi cạn.
Đó là lý do chúng tôi không nhận tiền từ các bạn sinh viên. Trước khi thi các bạn cũng hỏi nếu thắng giải các anh muốn dùng tiền vài chục triệu để làm gì. Tôi trả lời luôn là “không”. Thay vì đưa vào quỹ, các bạn có thể tự tổ chức tour tương tự.
Như vậy có thể nói, quỹ của A little Việt Nam giống chiếc niêu cơm của Thạch Sanh. Vậy, tại sao anh không nhân rộng các tour du lịch mà lại muốn giao cho người khác làm?
Hiện tại ngoài tôi và Han, chúng tôi còn có một bạn admin của page A little Vietnam. Sau những chuyến đi trồng cây, chúng tôi cũng có thêm một vài bạn tình nguyện viên tổ chức sự kiện để hỗ trợ.
Thực ra việc mở rộng không khó với chúng tôi. Sau khi góp mặt trong Gala Việc tử tế, nhiều người liên lạc với chúng tôi. Thậm chí có người sẵn sàng hỏi địa chỉ và tìm đến để tham gia vào dự án. Nhưng vấn đề là cần đầu tư về thời gian. Trong khi đó, chúng tôi đang thực hiện một giai đoạn mới nên chưa có ý định nhân rộng.
Tôi là dân marketing. Những người làm marketing sẽ có khái niệm sản phẩm và khách hàng. Thông thường, khách hàng tới mua hàng một lần là bình thường. Ví dụ bạn mở một quán cafe. Việc có khách hàng trung thành, tới quán nhiều lần và giới thiệu cho bạn bè là điều quan trọng nhất.
Chúng tôi cũng như vậy: Cần chất lượng hơn số lượng. Mỗi chuyến đi, chúng tôi cần rất nhiều năng lượng để truyền tải được tâm huyết đến với tình nguyện viên.
Tôi không muốn hết năm 2024, truyền thông lại nhắc đến A little Vietnam tổ chức được bao nhiêu chuyến đi, truyền tải được cho bao nhiêu tình nguyện viên hay trồng hàng nghìn cây… Thử nghĩ, nếu nhắc đến một năm trồng được 24.000 cây/năm, con số đó ấn tượng không? Có! Nhưng đó không phải là điều chúng tôi ưu tiên. Tôi cũng không mong các bạn tình nguyện viên tham gia hời hợt, quay về không đọng lại được điều gì hoặc vẫn giữ thói quen cũ. Do đó, chúng tôi tập trung vào những chuyến đi nhỏ, với những người thực sự tâm huyết.
Dẫn tình nguyện viên đi du lịch trồng cây quá dễ với chúng tôi. Sắp tới, tôi muốn nâng độ khó để thử thách bản thân mình nhiều hơn. Trong tương lai, chúng tôi còn ấp ủ nhiều dự án lớn, nhưng cần thời gian vài năm.
Anh có thể tiết lộ một chút về dự án sắp tới của A little Vietnam?
Thời gian tới tới, chúng tôi muốn hướng đến dự án trồng cây đi kèm với nâng cao nhận thức của người dân tộc vùng cao. Nhiều người vẫn đang nghĩ rằng đất nước mình có “rừng vàng biển bạc”. Nhưng chúng tôi muốn số đông, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số có quan niệm khác. Đó là một kế hoạch dài hơn và tốn nhiều thời gian.
Mong muốn của chúng tôi là mỗi người tự trồng một cây ở nhà đã là rất đáng quý. Cây có thể mất. Chúng tôi cũng không đủ sức để phủ xanh một cánh rừng bị cháy. Đó là điều phi lý. Đó là câu chuyện vĩ mô, và cần sự giúp sức của cộng đồng. Đó là lý do chúng tôi làm dự án về du lịch trải nghiệm.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ!