Bắt đầu từ câu chuyện nhỏ mang ý nghĩa to đang được cộng đồng mạng chú ý gần đây, xuất phát từ tài khoản facebook có tên là R.P, kể về sự việc có thật chính cô chứng kiến khi đi mua sắm tại một trung tâm thương mại lớn.
Lại thêm một ông bố thể hiện tình yêu thương con trai khiến dân tình ngưỡng mộ, xúc động.
“Hôm nay em gặp hai bố con chú này. Em đoán chú là lao động trên Hà Nội, còn cậu con trai mới lên học đại học, nên bố dẫn đi vào đây mua quần áo với đi chơi.
Bố: Cái quần này đẹp này.
Con: Bố lấy cái này này. Mặc cho lâu cũ.
Họ khắc khổ và không được sành điệu, chân chất vất vả, nhưng tình cảm bố con lại thật giản dị và cảm động. Đó là thứ tình cảm không thể mua được bằng tiền.
Đành rằng ai cũng cố gắng cho con mình đầy đủ nhất, nhưng đôi khi, trong một khoảnh khắc, ta lại ao ước được thứ tình cảm đơn sơ không hào nhoáng kia.
Các ông bố mặc vest, đi 4 bánh giày da bóng lộn, liệu có thể đưa con đi và chọn đồ cho con như chú ấy không nhỉ?
Tình cha con luôn khiến ng ta cảm động, dù bạn là ai, ở địa vị nào. Mình không so sánh hay phân biệt. Chỉ là ngay khoảnh khắc này, mình thấy thật sự trân trọng họ!
Công cha như núi Thái Sơn…”.
Hai cha con trong hình ăn mặc không đến nỗi nghèo khổ, nhưng nhìn qua ai cũng đoán họ là dân lao động bình thường. Sẽ không có gì đáng chú ý nếu như hai cha con không bộc lộ tình cảm dành cho nhau tại quầy bán đồ nam.
Cùng một chiếc quần, ông bố khen đẹp, ngỏ ý muốn mua cho con, còn cậu con trai thì lại mong bố mặc nó “cho lâu cũ”. Nếu có điều kiện vật chất, hẳn 2 người sẽ không đùn đẩy nhường nhau mua để mặc như thế.
Khoảnh khắc giản dị đời thường nhưng khiến nhiều người cúi mặt thầm nhớ đến cha mẹ mình.
Cô gái đã lắng nghe câu chuyện bằng cả tấm lòng, và cảm thấy ngưỡng mộ hai cha con vô cùng.
Cử chỉ quan tâm dành cho nhau chỉ giản dị thế thôi, nhưng đủ khiến nhiều người ấm lòng, rưng rưng nghĩ đến cha mẹ, gia đình ruột thịt của mình. Không gì bằng tình thân dành cho nhau giữa những con người cùng chung dòng máu.
Bạn An Khánh bình luận: “Nhìn lại nhớ bố mẹ, một đời khắc khổ vì con”.
Nhiều cư dân mạng cũng chung ý kiến: “Bố mẹ mình cũng thế, lúc nào cũng nghĩ đến con, hi sinh mọi thứ vì con”.
Câu chuyện rất hay, ý nghĩa và đáng quý ở chỗ 2 người đàn ông dám thể hiện sự yêu thương ra bằng hành động. Có nhiều người trong chúng ta không thiếu tình cảm dành cho gia đình nhưng lại thiếu đi cách thể hiện để chính người thân cảm nhận được.
Chứng kiến cảnh tượng này, cư dân mạng nhiều người phải lặng im suy ngẫm. Nhất là khi rằm Tháng Tám đến rất gần rồi, ai cũng chờ mong ngày đoàn tụ với cha mẹ, anh chị em. Bày tỏ tình cảm với người mình yêu thương không bao giờ là quá muộn.
Hình ảnh hai cha con nhường nhau mua quần khiến dân tình cảm động, bảy tỏ suy nghĩ riêng của mình khi nghĩ đến gia đình.
Tuy nhiên, không ít người ném đá cô gái đăng câu chuyện vì sự so sánh khập khiễng giữa ông bố trong hình với các ông bố nhà giàu. Có lẽ, xúc cảm sẽ trọn vẹn hơn nếu như không có lời băn khoăn phía sau.
Bố nào thì cũng là bố, lòng yêu thương dành cho con cái là phi biên giới, không bao giờ có sự ngăn cách do vật chất, hay bất kỳ cái gì khác.
Dù giàu hay nghèo, tật nguyền hay lành lặn, dù cách xa hay ở ngay cạnh bên, cha mẹ nào cũng luôn coi những đứa con là điều quý giá nhất, dành mọi điều tốt đẹp nhất cho chúng, chỉ khác là mỗi người có cách thể hiện tình cảm khác nhau, không ai giống ai, và không thể so sánh với nhau được.
“Bố mình không vest, không 4 bánh giày da bóng lộn, bố cũng không đưa mình đi mua quần áo bao giờ, như thế là bố không yêu mình, tình cảm bố con không được tốt ạ?
Xin lỗi, mỗi người có một cách yêu thương khác nhau bạn ạ, bạn nói tình cảm bố con này đáng quý thì đúng rồi, còn cái đoạn so sánh phiá sau hơi gãy”. Thành viên Nguyễn Hiền nhận xét.
Tài khoản Minh Anh cũng không hài lòng: “Đang đi mua ít quần áo rồi bị người khác chụp ảnh lên mạng viết thành 1 câu chuyện về sự hy sinh cao cả của người cha người mẹ rồi làm như họ nghèo khổ lắm. Chắc người ta cũng không thích đâu nhỉ".
Tạm kết, xin trích ý kiến ngắn gọn nhưng rất hay của một cư dân mạng: “Mình thích bài viết của bạn. Nhưng đừng lấy cái này làm chuẩn mực để so sánh tình cảm cha con giữa những ông bố nghèo với ông bố mặc vest đi 4 bánh, nghe hơi nham nhở, phiến diện”.