Aesop là một nhà văn Hy Lạp (620 – 564 TCN) nổi tiếng với các câu chuyện ngụ ngôn ngắn gọn nhưng sâu sắc và đầy triết lý, mặc dù cách chúng ta cả nghìn năm nhưng vẫn vô cùng phù hợp với thời hiện đại, cho ta những chỉ dẫn quan trọng về cách ứng xử trong cuộc sống.
Câu chuyện thứ nhất: Hai cha con đi chợ bán lừa
Hôm đó là một buổi sáng đẹp trời, với những tia nắng ấm áp nhảy nhót trên đường. Một ông bố cùng cậu con trai dắt theo một chú lừa đi ra chợ bán. Con lừa được nuôi cho béo tốt, sạch sẽ, chải lông cẩn thận, chắc hẳn sẽ bán được nhiều tiền. Chính vì thế, hai cha con lên đường với tâm trạng vô cùng vui vẻ.
Hai cha con đem lừa ra chợ bán, tưởng sẽ bán được nhiều tiền, nào ngờ... (Ảnh minh họa: Internet)
Thế nhưng, vừa mới đi được chưa bao xa, họ đã nghe được một lời nhận xét khó nghe từ người đi đường, "Nhìn kìa, có con lừa béo tốt thế kia mà không biết đường cưỡi, lại phải đi bộ, đúng là cha con ngốc".
Nghe thấy thế, ông bố và cậu con trai thấy rất có lý, bèn cùng nhau trèo lên lưng con lừa.
Xong mới đi được một quãng, lại có người khác hét lên khiến cha con họ giật mình: "Nhìn những kẻ lười biếng kia kìa, khổ thân con lừa quá". Ông bố thấy họ nói cũng đúng, và vì ông nặng cân hơn cậu con trai, nên quyết định xuống đi bộ, để mình cậu con trai cưỡi con lừa mà thôi.
Một lúc sau, họ lại nghe thấy có người phàn nàn: "Đúng là đồ con trai bất hiếu, một mình ngồi lên lưng lừa, để cha phải đi bộ".
Ông bố lại nghĩ, đúng là mình nhiều tuổi hơn, nên được ưu tiên, bèn bảo con trai xuống đi bộ, để mình ngồi trên lưng lừa.
Ông cho rằng chắc không ai có thể phàn nàn gì được nữa, nhưng không ngờ chẳng bao lâu, ông lại nghe thấy có kẻ gièm pha: "Đúng là một lão già xấu tính, ngồi trên lưng lừa thảnh thơi, để cậu con trai phải đi bộ một mình".
Đến lúc này, cả 2 bố con đều rất hoang mang, không biết phải làm sao, đành xuống đi bộ cùng con lừa. Thế nhưng, câu chuyện vẫn chưa kết thúc. Họ trở nên hoang mang hơn bao giờ hết khi có người bảo họ rằng, nếu đi một quãng đường dài như vậy, con lừa sẽ mệt rã rời và sẽ chẳng có ai muốn mua một con vật như vậy.
Cuối cùng, họ phải đi tìm một cái gậy chắc chắn, buộc con lừa lên đó. Con lừa khá nặng, nên cứ đi được một đoạn, 2 cha con lại phải ngồi phịch xuống đất để thở dốc. Đến buổi chiều muộn ngày hôm ấy, 2 cha con vẫn chưa đi tới được khu chợ.
(Ảnh minh họa: Internet)
Lời bàn: Ai cũng chỉ có năng lực hữu hạn, và không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Vì thế, hãy có chủ kiến của riêng mình, và không phí công làm những việc vừa phí công, vừa vô nghĩa như vậy.
Câu chuyện thứ 2: Sư tử và cừu
Trong một khu rừng, một con cừu nhỏ đang uống nước bên cạnh một dòng suối. Một con sư tử lớn lén quan sát nó từ lâu, tự nhủ sẽ phải cho cừu vào bẫy. Nó nói với con cừu: "Ngươi đang làm bẩn dòng nước của ta đấy. Ngươi có biết ta là vua của khu rừng này không?"
Sư tử tìm đủ mọi cách để có lý do ăn thịt cừu chính đáng. (Ảnh minh họa: Internet)
Con cừu đáng thương trả lời: "Thưa ngài, dòng suối này ở hạ nguồn, sao có thể chảy lên chỗ ngài mà làm bẩn được. Về logic, nếu ngài làm bẩn nó thì chính tôi mới là người phải chịu ảnh hưởng".
Con sư tử nghe thấy thế, rất tức giận và nói: "Ngươi quả thật không biết trên dưới là gì, dám đôi co với ta, đáng tội chết".
Con cừu lại bình tĩnh nói: "Tôi không đôi co, tôi chỉ nói sự thực. Ngài có thể nhìn nước chảy từ thượng nguồn tới đây mà".
Con sư tử không biết nói lý làm sao, bèn chống chế: "A, ta nhớ ra rồi. Hôm qua bố của ngươi đã sỉ nhục ta. Ngươi là con của một gia đình thiếu giáo dục như thế thì cũng có tội, phải để cho ta ăn thịt".
Con cừu nghe thấy thế lại giải thích: "Vậy chắc ngài nhầm với ai rồi, vì bố tôi đã chết được 3 tháng rồi, chính là do ngài ăn thịt. Làm sao ông ấy có thể bất kính với ngài được?"
Con sư tử cáu thật sự. Nó không nghĩ ra lý do gì được bữa, bèn gầm lên: "Đồ nhãi ranh thích lý sự, ta cho ngươi vào bụng mà lý sự".
Lời bàn: Lý do và cái cớ là 2 phạm trù rất dễ bị nhầm lẫn với nhau. Trong cuộc sống bạn cần phân biệt đâu là lý do thật sự, đâu là những cái cớ để người khác vin vào làm khó dễ bạn, để bản thân không bị thiệt thòi, tránh trường hợp bị lợi dụng hết lần này đến lần khác mà không biết.
Câu chuyện thứ 3: Cáo và sếu
Có một con cáo vì ăn quá tham lam nên bị mắc một cái xương ở cổ họng. Nó đã dùng đủ cách nhưng cái xương vẫn không nhúc nhích, không móc ra ngoài được, cũng không trôi vào trong, khiến nó không thể ăn uống gì được.
(Ảnh minh họa: Internet)
Vừa hay, nó nhìn thấy một con sếu đứng gần đó nên chạy tới để cầu cứu. Nó tin rằng với cái cổ dài của mình, thể nào con sếu cũng sẽ dễ dàng gắp được cái xương ra cho nó.
"Anh sếu ơi, nếu anh lôi được cái xương ở cổ họng ra cho tôi thì tôi sẽ trọng thưởng anh rất hậu hĩnh", cáo ngọt ngào mở lời.
Sếu cảm thấy việc cho đầu vào họng của cáo thật nguy hiểm, nhưng lại bị lời hứa của cáo làm lung lay nên cuối cùng quyết định giúp đỡ cáo.
Thế nhưng, ngay khi cảm thấy cái xương đã được lấy ra, cáo ho 1 cái rồi quay đầu, rảo bước đi rất nhanh, bỏ lại sếu đằng sau. Thấy vậy, sếu gọi với theo: "Còn phần thưởng của tôi thì sao?"
"Sao? Anh vẫn chưa hiểu à? Chẳng phải việc tôi tha không ăn thịt anh đã là một phần thưởng lớn nhất rồi hay sao?", cáo trả lời một cách xảo quyệt rồi lỉnh đi mất.
Lời bàn: Lời của cáo nói không sai, nó tha không giết sếu đã là món quà lớn nhất và cũng là bài học giá trị nhất cho sếu. Trong cuộc sống của chúng ta cũng như vậy, phải tỉnh táo trong việc kết giao và nhìn người. Nếu giao du với những kẻ ích kỷ và nham hiểm thì đừng mong có kết cục tốt, bản thân không bị thiệt hại đã là may lắm rồi.
Theo Oshonews