Sản lượng toàn cầu tiếp tục suy giảm mỗi ngày, kể từ khi đại dịch bùng phát. Sự trì trệ hiện đang diễn ra là chưa từng có, nghiêm trọng hơn bất kỳ cuộc suy thoái nào trong 150 năm qua, Project Syndicate nhận định.
Ngay cả khi các ngân hàng trung ương và cơ quan tài khóa đã nỗ lực hết sức để giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế, thì thị trường tài sản ở các nền kinh tế tiên tiến đều đã sụp đổ. Vốn cũng đã bị rút khỏi các thị trường mới nổi với tốc độ chóng mặt. Một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng đi kèm khủng hoảng tài chính là không thể tránh khỏi. Câu hỏi chính bây giờ là suy thoái kinh tế sẽ nghiêm trọng đến mức nào và kéo dài trong bao lâu.
Nếu không có những phương án tiềm năng để giải quyết "cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng" mang tên Covid-19, nếu như không có dự báo chính xác về thời điểm chấm dứt đại dịch, thì các nhà kinh tế khó có thể phác họa được diễn biến của cuộc suy thoái đang diễn ra.
Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều lý do để chắc chắn rằng: cuộc suy thoái này sẽ nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn so với năm 2008.
Ảnh: SCMP
Thế giới đang trải qua đại dịch nghiêm trọng nhất kể từ dịch cúm Tây Ban Nha 1918-1920. Nếu 2% dân số toàn cầu thiệt mạng như thời điểm đó, số ca tử vong sẽ lên tới khoảng 150 triệu người.
Tất nhiên, người ta có thể tưởng tượng ra các kịch bản lạc quan hơn. Chẳng hạn như: với việc thử nghiệm rộng rãi, chúng ta có thể xác định ai bị bệnh, ai khỏe mạnh và ai đã miễn dịch, sau đó chúng ta có thể trở lại làm việc.
Nhưng, một lần nữa, do một số sai lầm trong khâu quản lý và các chính sách ưu tiên không đúng chỗ kéo dài trong nhiều năm, nhiều quốc gia đang đang thiếu hụt năng lực để có thể xét nghiệm toàn dân.
Trong lịch sử, chúng ta đều thấy rằng, sự quyết tâm và tinh thần sáng tạo của con người sẽ chiến thắng mọi thứ: bệnh dịch, chiến tranh, thảm họa môi trường... Nhưng cái giá con người phải trả là bao nhiêu? Các thị trường đều đang thận trọng, mặc dù họ cũng hy vọng rằng sẽ có sự phục hồi nhanh chóng, khoảng vào quý IV năm nay. Nhiều nhà bình luận cho rằng kinh nghiệm chống dịch của Trung Quốc sẽ là một tấm gương đáng khích lệ cho phần còn lại của thế giới.
Nhưng quan điểm đó có thực sự hợp lý? Ngành sản xuất ở Trung Quốc đã hồi phục phần nào, nhưng không rõ ràng khi nào họ mới có thể trở lại mức "tiền Covid-19".
Chúng ta phải trả lời hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất: Ngay cả khi sản xuất của Trung Quốc hồi phục hoàn toàn, ai sẽ mua những hàng hóa đó?
Phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu đang chật vật đối phó với dịch bệnh. Đối với Hoa Kỳ, kéo nền kinh tế trở lại 70% hoặc 80% trạng thái bình thường đã là một giấc mơ xa vời với các nhà làm chính sách. Và ngay cả sau khi khởi động lại kinh tế, thiệt hại cho các doanh nghiệp và thị trường nợ vẫn sẽ có tác động kéo dài, đặc biệt là trong bối cảnh nợ toàn cầu đã ở mức kỷ lục trước khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.
Ở chiều ngược lại: Ai sẽ sản xuất khi phần còn lại của thế giới vẫn cách ly?
Các chính phủ đang quan tâm rất nhiều đến việc kích cầu. Nhưng vấn đề là, những gì chúng ta đang trải qua không chỉ là cú sốc cầu mà còn là cú sốc cung lớn. Việc kích cầu sẽ là vô nghĩa nếu phần lớn lực lượng lao động vẫn phải cách ly xã hội.
Mỹ đang chật vật xử lý đại dịch, mặc dù họ có hệ thống y tế tiên tiến nhất thế giới. Người Mỹ sẽ gặp phải cực kỳ nhiều khó khăn trong việc trở lại cuộc sống bình thường, chừng nào vaccine còn chưa phổ biến. Dự báo vaccine có thể được tìm thấy sớm nhất là trong vòng 1 năm, hoặc hơn. Thậm chí, còn chưa biết chắc chắn Mỹ sẽ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2020 theo phương thức nào.
May mắn thay, kết quả có lẽ sẽ không tồi tệ đến vậy, với các biện pháp cách ly triệt để đang được áp dụng trên toàn thế giới, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể vượt qua được đại dịch. Nhưng chừng nào cuộc khủng hoảng sức khỏe còn chưa được giải quyết, bức tranh kinh tế trông vẫn sẽ cực kỳ nghiệt ngã.