Hai cái lắc đầu kỳ lạ của Ấn Độ trước khi Trung Quốc kêu gọi quân đội sẵn sàng chiến tranh

QS |

Bất chấp mối quan hệ nồng ấm, thái độ kỳ lạ của New Delhi trước những đề nghị của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc làm dấy lên nhiều câu hỏi.

Hãng thông tấn CNN (Mỹ) dẫn thông tin từ hãng thông tấn Xinhua (Trung Quốc) cho hay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã kêu gọi quân đội nước này "hãy dồn hết tâm trí và sức lực vào việc chuẩn bị chiến tranh".

Theo CNN, lời hô hào được đưa ra khi ông Tập đi thị sát Thủy quân lục chiến Trung Quốc tại thành phố Triều Châu. Ông Tập đã ra lệnh cho quân đội "duy trì trạng thái cảnh giác cao độ" và kêu gọi họ "tuyệt đối trung thành, liêm khiết và đáng tin cậy".

Mặc dù Ấn Độ và Mỹ là đồng minh lâu năm nhưng việc Trung Quốc đối đầu với một số quốc gia khác như Nhật Bản, Mỹ và Australia đã làm dấy lên hồi chuông báo động chống lại chiến lược bành trướng của Bắc Kinh.

Trong cuộc họp gần đây của nhóm QUAD (Bộ tứ kim cương), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi Trung Quốc là "kẻ gây hấn" ở Biển Đông, Hoa Đông, Mê-Kông, Himalaya và Đài Loan.

Tại một cuộc phỏng vấn khác, ông Pompeo cho biết các nước QUAD đang phát triển một số chính sách thể hiện cho khả năng chống lại các mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra cho mỗi thành viên trong nhóm, đồng thời cho biết "Trung Quốc đã bắt đầu tập hợp lực lượng khổng lồ chống lại Ấn Độ ở phía bắc".

Ông Pompeo nhấn mạnh, Ấn Độ chắc chắn sẽ cần tới Mỹ với tư cách là đồng minh và đối tác trong cuộc chiến này.

Thế nhưng, New Delhi lại tỏ ra do dự trong việc chấp nhận sự giúp đỡ của Mỹ để chống lại Trung Quốc. Thái độ kỳ lạ này khiến nhiều người không khỏi băn khoăn.

Hai cái lắc đầu kỳ lạ của Ấn Độ trước khi Trung Quốc kêu gọi quân đội sẵn sàng chiến tranh - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: flickr

Lý giải về vấn đề trên khi trao đổi với hãng tin BBC, Phó Giáo sư Chính trị và Quan hệ quốc tế Nitasha Kaul tại Đại học Westminster ở London cho hay, trong khi các quan chức Mỹ có xu hướng ủng hộ hết mình cho Ấn Độ thì người dân Mỹ lại e ngại về việc Washington can thiệp vào xung đột Trung-Ấn.

Hơn nữa, chính sách đối ngoại của Mỹ đang đi theo hướng trái ngược và Tổng thống Trump đang giảm đi các cam kết của Mỹ trên toàn cầu. "Do đó, các tuyên bố miệng của chính quyền Tổng thống Trump không có mấy sức nặng", bà Kaul nói, đồng thời nói thêm rằng nước Mỹ dưới thời ông Trump - đã không chứng tỏ được mình là một đối tác chiến lược đáng tin cậy tại nhiều nơi trên thế giới.

Ấn Độ và Trung Quốc đã thể hiện ý định duy trì hòa bình ở biên giới nhưng không thể loại trừ hoàn toàn khả năng xảy ra đối đầu bạo lực. Bắc Kinh và New Delhi đã nhiều lần từ chối mọi sự can thiệp của nước ngoài và khước từ lời đề nghị làm trung gian hòa giải của Tổng thống Trump.

Trước đó, ông Trump đã 2 lần đề nghị làm trung gian hòa giải căng thẳng Trung-Ấn. Lần đầu tiên là sau khi cuộc đụng độ đẫm máu xảy ra tại Đường kiềm soát thực tế (LAC) giữa binh lính Trung-Ấn ở Ladakh hồi tháng Sáu khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Nhận định rằng tình hình đang rất khó khăn, ông Trump cho biết: "Chúng tôi đang nói chuyện với Ấn Độ và trao đổi với Trung Quốc. Họ có một vấn đề rất lớn tại đó".

Lời đề nghị thứ hai được đưa ra sau khi căng thẳng leo thang vào tháng Tám. Quân đội Ấn Độ cáo buộc quân đội Trung Quốc thực hiện các hành động "khiêu khích" tại khu vực tranh chấp ở hồ Pangong.

Ashok Swain, giáo sư nghiên cứu hòa bình và xung đột tại Đại học Uppsala (Thụy Điển) cho rằng Ấn Độ "không nên tin tưởng" Mỹ.

"Ấn Độ chắc chắn cần có mối quan hệ tốt với Mỹ nhưng không nên dùng nó chống lại Trung Quốc. Không cần đi đâu xa, New Delhi nên rút ra bài học từ ngay kinh nghiệm trong quá khứ của Pakistan. Mỹ không phải là một đồng minh đáng tin cậy đối với bất cứ ai và điều này càng trở nên rõ ràng dưới sự cầm quyền của ông Trump" – Giáo sư Swain nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại