Vó ngựa Mông Cổ và âm mưu xâm chiếm Đại Việt
Ở phía Bắc Trung Quốc thế kỷ XIII có một dân tộc thiểu số gọi là Mông Cổ (cư trú ở thượng lưu của sông Hắc Long). Người Mông Cổ có đặc tính hung tợn, mang dòng máu hiếu chiến, người nào cưỡi ngựa cũng giỏi, và bắn tên không ai sánh bằng.
Thành Cát Tư Hãn-thủ lĩnh thiên tài của đế chế Mông Cổ. Nguồn: Internet
Binh lính chủ yếu là kỵ binh,
sắp xếp thành từng cơ, từng đội, rất quy củ, chặt chẽ, người nào cũng thạo giao
chiến trên lưng ngựa. Trong quá trình bình định Trung Quốc rộng lớn, đạo quân này đã ôm tham
vọng tiến hành xâm lược Đại Việt, âm mưu tạo đà đánh chiếm vùng phía Nam của
Trung Quốc và các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.
Vua Trần (vua Trần Thái Tông lãnh đạo cuộc kháng chiến lần 1 năm 1258 và
vua Trần Nhân Tông lãnh đạo cuộc kháng chiến lần 2) trước sự uy hiếp bằng chính
trị, quân sự của quân Mông Nguyên đã không hề nao núng, sai bắt giam sứ giả vào
ngục, động viên tướng sĩ chuẩn bị mọi điều kiện kháng chiến chống lại đạo quân
thiện chiến bậc nhất thế giới.
Thế giặc điên cuồng và 2 câu nói lịch sử
Trong cả 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của Đại Việt, trước sức tiến công ồ ạt, như vũ bão của kỵ binh Mông Cổ, quân ta dưới sự lãnh đạo của các vua Trần, tướng sĩ, đã tiến hành rút lui chiến lược bảo toàn lực lượng.
Hoàn cảnh lịch sử cấp bách, kinh thành Thăng Long cũng buộc phải bỏ lại sau lưng. Quân dân Đại Việt thực hiện phương châm tác chiến "vườn không nhà trống", "tránh sức mạnh tiến công của giặc", tiến hành lối đánh du kích phát huy sở trường truyền thống của cha ông.
Năm 1258, tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Kinh thành đã mất, lòng người âu lo.
Ở vào thời khắc lịch sử này, lão tướng Trần Thủ Độ khẳng khái tâu với vua Trần Thái Tông, giữa ba quân tướng sĩ "đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo", lời lẽ ngắn gọn, đanh thép, hùng hồn khẳng tinh thần bất tử trước họa ngoại xâm, tâm thế lạc quan vào tiềm lực của quốc gia và chiến tranh chính nghĩa.
Thái sư Trần Thủ Độ
Đây là nguồn động lực to lớn, xốc lại tinh thần quyết tử vì tấc đất ngọn cỏ của Đại Việt, mở ra một giai đoạn phản công giành toàn thắng, quét sạch quân Mông Cổ khỏi bờ cõi.
Quân Nguyên Mông chiếm được Thăng Long nhưng không tìm đâu ra bóng người hay lương thực. Sau 09 ngày điên cuồng đốt phá, lại nhiều lần bị tập kích bất ngờ vào ban đêm, chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" của chúng đã bước đầu thất bại.
Đất lạ, người thưa, tứ bề đều bất ổn, lại thiếu lương thực, nhuệ khí quân Mông Cổ giảm sút trông thấy. Thời cơ cho Đại Việt đã đến.
Ngày 29/1/1258, vua Trần Thái Tông cùng nhiều tướng lĩnh đem toàn bộ binh thuyền từ sông Thiên Mạc, ngược theo dòng sông Hồng mở cuộc tiến công quyết định vào Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng khoảng từ dốc Hàng Than đến dốc Hòe Nhai, Ba Đình, Hà Nội ngày nay).
Quân Mông Cổ nhanh chóng bị đánh bật ra khỏi kinh thành, và sau đó vội vã rút lui theo đường hữu ngạn sông Hồng về Vân Nam (Trung Quốc). Trên đường rút chạy về nước, đạo quân thất trận này liên tiếp bị tập kích, tiêu diệt. Khi vượt qua biên giới, trở về Vân Nam, tàn quân Mông Cổ còn không quá 5000 người so với 40.000 quân lúc đầu.
Đến cuộc kháng chiến lần 2, 50 vạn quân
Nguyên chia thành ba đạo tiến đánh Đại Việt. Ngoài hai mũi tiến công bằng bộ
binh do Trấn Nam Vương dẫn đầu từ Quảng Tây và Vân Nam sang, còn có một mũi
thủy binh từ biển theo đường sông Bạch Đằng tiến vào.
Thoát Hoan dẫn đại binh tiến đánh Chi Lăng, Hưng Đạo Vương không cự lại được với sức mạnh ồ ạt, đã rút lui chiến lược cùng với gia tướng Yết Kiêu, Dã Tượng và các tướng lĩnh về trấn thủ vùng Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương ngày nay).
Vua Trần Nhân Tông, nghe được hung tin thất thủ, liền ngự thuyền nhỏ xuống Hải Đông (Hải Dương), cho vời Hưng Đạo Vương đến bàn đại sự. Vua thấy quân Đại Việt tổn thất, phải rút lui, bỏ cả kinh thành, trong bụng lo sợ, mới nửa đùa, nửa thật nói rằng: "Thế giặc to như vậy, mà chống mới nó thì dân sự tàn hại, hay là trẫm hãy chịu hàng đi để cứu lấy muôn dân".
Hưng Đạo Vương tâu rằng: "Bệ hạ nói câu ấy thì thật là lời nhân đức, nhưng mà tông miếu, xã tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng".
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
Câu nói khéo léo, dứt khoát và hùng hồn của Trần Quốc Tuấn vào đúng thời khắc lịch sử quan trọng, đã giúp vua Trần được củng cố niềm tin, ba quân tướng sĩ quyết tâm và tin tưởng vào cuộc chiến tranh bảo vệ dân tộc nhất định thắng lợi.
Tiếp tục lối đánh du kích truyền thống của cha ông, tránh sở trường, tập trung vào điểm yếu của địch, đồng thời phát huy sức mạnh của dân tộc được thực hiện triệt để.
Sau một thời gian truy sát không bắt được vua Trần, quân Mông Nguyên điên cuồng đốt phá kinh thành Thăng Long, binh sĩ dần mỏi mệt, chán nản, lại không quen thủy thổ. Để tránh nguy cơ diệt vong hoàn toàn, Thoát Hoan đã quyết định rút quân khỏi Thăng Long và căn cứ Vạn Kiếp theo hai đường thủy bộ về nước.
Thời cơ phản công, tiêu diệt giặc đã đến. Dưới sự chỉ huy của vua Trần và Hưng Đạo Đại Vương, quân và dân Đại Việt đã bố trí "thiên la địa võng" tiêu diệt đám quân thiện chiến này.
Sông Bạch Đằng đã đánh tan thủy quân do Phàm Tiếp và Ô Mã Nhi chỉ huy. Đạo quân bộ do Thoát Hoan chỉ huy trên đường rút lui cũng liên tiếp bị tập kích, xác quân Mông Nguyên nằm rải ra trên đoạn đường dài gần trăm dặm. Thoát Hoan buộc phải mở đường máu, chui vào ống đồng mới thoát chạy về nước an toàn.
Tài liệu tham khảo
-Lê Thành Khôi (2016), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Tr 210-213.
-Ngô Sỹ Liên và các sử thần nhà Lê (1998), Đại Việt sử ký Toàn thư, Bản Kỷ toàn thư, Quyển V, Kỷ nhà Trần, Nxb Khoa học Xã hội, HN, Tr. 27-30.
-Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng (2005), Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh niên, HN, Tr 113-116.
-Trần Trọng Kim (2015), Việt Nam sử lược, Nxb Văn học, HN, Tr 119.
-Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh (2007), Đại cương lịch sử Việt Nam tập I, Nxb Giáo dục, Tr 218-221.
-Ủy Ban Khoa học Xã hội Việt Nam (1985), Lịch sử Việt Nam tập I, Nxb Khoa học Xã hội, HN, Tr 194-197.