Hai cách giúp trẻ tăng sức đề kháng trong ngày Tết

Phạm Hiền |

Sức đề kháng đóng vai trò quan trọng tới sự phát triển của trẻ và chính là rào chắn bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ bệnh tật từ môi trường bên ngoài.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc - Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, thường ngày chế độ dinh dưỡng của trẻ được nhiều cha mẹ kiểm soát nghiêm ngặt bởi chỉ cần ăn uống thiếu khoa học trong thời gian ngắn có thể gây ra tình trạng thừa cân, béo phì hay suy dinh dưỡng…

Tuy nhiên, Tết là thời điểm cha mẹ bận bịu với trăm công nghìn việc cùng tâm lý “nới lỏng” cho con đón Tết nên chế độ dinh dưỡng của trẻ trong thời gian này có phần thoải mái hơn.

Đặc biệt, thực phẩm ngày Tết phong phú, ngon miệng và nhiều sắc màu luôn hấp dẫn trẻ nhỏ, điển hình là đồ ngọt như bánh, mứt, kẹo hay thực phẩm chiên rán như nem rán, khoai tây chiên, bánh chưng rán…

Hai cách giúp trẻ tăng sức đề kháng trong ngày Tết - Ảnh 1.

Nem rán là món ăn khoái khẩu của nhiều bạn nhỏ ngày Tết.

Việc ăn uống không khoa học sẽ khiến nhiều trẻ giảm sút sức đề kháng, dễ ốm. Theo nhiều chuyên gia y tế, sức đề kháng đóng vai trò quan trọng tới sự phát triển của trẻ và chính là rào chắn bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ bệnh tật từ môi trường bên ngoài. Đối với trẻ em, cơ thể chưa được phát triển toàn diện nên có sức đề kháng yếu hơn so với người lớn.

Từ thực tế chế độ dinh dưỡng của trẻ bị đảo lộn trong dịp Tết dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe đáng lo ngại, bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc đưa ra một số lời khuyên sau để con giữ tròn sức đề kháng, cả nhà cùng đón Tết trọn vẹn. Cụ thể như sau:

Duy trì thói quen ăn uống khoa học

Ngày Tết, nhiều cha mẹ bận rộn mà xuề xòa trong chuyện ăn uống cho cả gia đình. Tuy nhiên, ăn uống đúng giờ, 03 bữa/ngày với khẩu phần ăn vừa đủ vẫn là thói quen khoa học cần được duy trì đều đặn dù trong bất cứ dịp lễ nào.

Đặc biệt, bữa ăn nên cân đối 04 nhóm dưỡng chất cần thiết, bao gồm:

Bột đường (cơm, cháo, khoai lang, các loại đậu…).

Đạm (thịt, cá, trứng, hải sản, đậu nành…).

Chất béo (mỡ, dầu thực vật, bơ…).

Vitamin, khoáng chất (các loại rau xanh, trái cây…).

Tăng cường rau xanh, chất xơ trong khẩu phần ăn của bé dịp Tết.

Đối với hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ, rau xanh bổ sung chất xơ giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, khiến dạ dày hoạt động hiệu quả và vô cùng cần thiết để đường ruột của trẻ luôn khỏe mạnh.

Vì vậy, cha mẹ nên chú ý tăng rau xanh trong khẩu phần ăn của con, đặc biệt trong bữa cơm ngày Tết có nhiều món ngon lạ miệng khiến các bé thường quên mất việc ăn rau.

Hai cách giúp trẻ tăng sức đề kháng trong ngày Tết - Ảnh 3.

Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý tăng rau xanh trong khẩu phần ăn của bé dịp Tết.

Hạn chế tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt và đồ ăn sẵn

Bánh kẹo, mứt tết, ô mai, thịt nguội, lạp xưởng, snack… chứa nhiều đường và chất béo. Ngoài nguy cơ gây nên các bệnh lý về răng miệng như sâu răng do đồ ngọt hay tình trạng thừa cân, béo phì nếu dung nạp quá nhiều trong thời gian ngắn, đây là những thực phẩm cung cấp nguồn năng lượng rỗng, làm trẻ mất cảm giác ngon miệng nếu ăn gần bữa chính, dẫn đến bỏ bữa và mất cân bằng dinh dưỡng.

Theo bác sĩ Ngọc, cần tìm hiểu kỹ càng nguồn thực phẩm cho trẻ ăn. Tết là dịp các gia đình đi du xuân, thăm họ hàng và thường ăn uống bên ngoài rất nhiều.

Vì vậy, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ càng nguồn thực phẩm an toàn, vệ sinh cho con khi dùng bữa bên ngoài bởi hệ tiêu hóa của trẻ chưa đủ hoàn thiện để thích nghi nhanh với thức ăn lạ.

Bên cạnh những lời khuyên trên của bác sĩ Kim Ngọc, dù trong những ngày nghỉ Tết, nếu thấy con có bất kỳ triệu chứng nào bất thường như buồn nôn, tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu… cha mẹ đừng chần chừ đưa con đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra kịp thời, tránh chủ quan để lại những hậu quả nghiêm trọng sau này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại