Hai bức tranh tương phản của COVID-19

BÌNH GIANG |

Ý và Tây Ban Nha lạc quan khi nhiều dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 đã qua đỉnh. Nhưng Mỹ đang chuẩn bị tâm lý cho giai đoạn đen tối nhất.

Hôm qua, Ý ghi nhận số ca mắc COVID-19 thấp nhất theo ngày trong hơn 2 tuần. Giới chức nước này bắt đầu soạn ra các bước để tiến vào giai đoạn hai của cuộc chiến với việc nới lỏng các biện pháp phong toả được áp dụng gần 1 tháng trước.

Ý đã có 15.887 người chết, chiếm 1/4 tổng số người thiệt mạng trên toàn cầu vì đại dịch. Nhưng mức tăng 525 ca tử vong trong ngày 5/4 là thấp nhất kể từ ngày 19/3, còn số bệnh nhân phải hồi sức cấp cứu cũng giảm ngày thứ hai liên tiếp.

“Đường cong đã lên đến đỉnh và bắt đầu đi xuống. Đây là kết quả mà chúng tôi cố gắng đạt được từng ngày một”, ông Silvio Brusaferro, viện trưởng viện y tế Istituto Superiore di Sanità nói.

Số ca nhiễm của Ý trong ngày 5/4 tăng thêm 4.316, nâng tổng số bệnh nhân lên 128.948. Đây là mức tăng thấp nhất trong 5 ngày qua, một trong những dấu hiệu cho thấy dịch bệnh đã đạt đỉnh sau 6 tuần bùng nổ ở miền bắc.

Những con số công bố hôm qua cho thấy các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tâp đông người mà Ý áp dụng từ ngày 9/3 đã có tác dụng khống chế dịch bệnh, nhưng giới chức Ý cảnh báo người dân tiếp tục đề phòng.

Tây Ban Nha tiếp tục ghi nhận mức tăng số ca tử vong chậm lại. Hôm qua, nước này có thêm 637 người chết trong 24 giờ trước đó, nâng tổng số tử vong lên 13.055.

Tây Ban Nha có số người tử vong cao thứ hai thế giới sau Ý, nhưng số người chết theo ngày đã giảm dần kể từ khi đạt đỉnh với 950 người vào thứ 5 tuần trước. Số ca mắc COVID-19 của nước này hôm qua tăng lên 135.032, nhiều hơn 4,273 ca so với ngày trước đó.

Mỹchuẩn bị cho giai đoạn bùng nổ

Giới chức Mỹ cảnh báo nước này đang bước vào một tuần “thực sự tồi tệ” khi dịch COVID-19 đang lên đỉnh, nhưng cũng đã có một số dấu hiệu của hy vọng khi số ca tử vong ở tâm dịch New York tăng chậm lại.

New York ghi nhận số ca tử vong trong ngày 5/4 giảm nhẹ lần đầu tiên trong tuần, nhưng bang này vẫn có gần 600 người chết và hơn 7.300 ca mắc mới.

Louisiana trở thành điểm nóng mới khi số người chết tăng vọt lên gần 500 và hơn 13.000 người nhiễm. Thống đốc bang này dự báo Louisiana sẽ hết máy thở từ thứ 5 tuần này.

Nhưng nơi khác như Pennsylvania, Colorado và Washington, D.C. cũng bắt đầu thấy số người chết tăng.

“Tôi nghĩ đây sẽ là tuần khó khăn nhất và buồn nhất với hầu hết người Mỹ, nói thẳng là như vậy. Đây sẽ là thời khắc Trân Châu Cảng, thời khắc 9/11, chỉ là không phải ở quy mô địa phương”, Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams cảnh báo trong cuộc trả lời Fox News hôm 5/4. “Nó sẽ diễn ra trên cả nước. Và tôi muốn người Mỹ hiểu điều đó”, ông nói.

Tại New York, Thống đốc Andrew Cuomo hôm 5/4 cho biết số người mới nhập viện giảm 50% trong 24 giờ qua. Ông cảnh báo rằng vẫn chưa phải lúc khẳng định dịch COVID-19 ở bang này đã lên đỉnh, khi số người chết đã lên 4.149 và hơn 122.000 người mắc, nhiều hơn bất kỳ bang nào của Mỹ.

Ông Cuomo nói rằng khi đỉnh dịch đã qua, xét nghiệm hàng loạt sẽ là nhiệm vụ quan trọng để giúp đất nước trở lại bình thường.

Tổng thống Donald Trump bày tỏ hy vọng tình hình New York khá lên. “Chúng ta thấy ánh sáng cuối đường hầm. Mọi thứ đang diễn ra như vậy”, ông nói với báo giới.

Nhưng TS Anthony Fauci, giám đốc Viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng, nói rằng phải mất vài tuần để các biện pháp giãn cách xã hội và người dân ở nhà phát huy tác dụng. “Chúng ta đang nghe về ánh sáng xuất hiện cuối đường hầm, nhưng tình hình của ngày mai, ngày kia sẽ thực sự tồi tệ”, ông Fauci nói với báo giới.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson phải nhập viện từ hôm 5/4 sau khi mắc COVID-19 từ 10 ngày trước. Đang có một mối bận tâm rằng Hiến pháp Anh không quy định ai là người thay thế ông Johnson nếu ông không thể tiếp tục lãnh đạo trên cương vị thủ tướng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại