TikToker Lý A Huân (Huân Huân, SN 2001) và Hoàng Thị Thu Điểm (Đậu Đậu, SN 2004) "gây sốt" cộng cộng đồng mạng thông qua việc chia sẻ những tình huống chân thực, hài hước về đời sống sinh hoạt của người dân tộc Dao tại Sapa (Lào Cai).
Trong nhiều video, từ chăn trâu, cuốc đất, cho đến khi chăm nuôi, thu hoạch cá hồi, cá tầm (được coi là những báu vật vùng cao Sapa vì mang lại giá trị kinh tế cao) hay hình ảnh tắm suối, bắt cá đến những phiên livestream bán ruốc cá hồi... thể hiện sự mộc mạc, chân phương của hai anh em người Dao, điều này có thể đã khiến nhiều người xem thích thú và để lại nhiều bình luận khen ngợi dưới mỗi video đăng tải.
Những video ngắn này thu hút được lượt "view khủng", từ vài trăm nghìn tới hàng triệu lượt xem, đặc biệt có video đạt tới 7,1 triệu lượt xem.
Hai anh em Huân Huân và Đậu Đậu khoe thành tích từ việc sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok và YouTube. Ảnh: NVCC
Khi có chút kinh nghiệm và thu được thành quả trên mạng xã hội, hai anh em Huân Huân và Đậu liều lĩnh 'gạ' bố mẹ bán đất để khởi nghiệp. Ở độ tuổi ngoài 20, không bằng cấp và kinh nghiệm, quyết định này vấp phải sự phản đối gay gắt từ phụ huynh.
Vậy nhưng bằng quyết tâm thoát nghèo, thoát khỏi cảnh quanh năm ngày tháng dắt trâu, cuốc đất, hai anh em Huân Huân và Đậu Đậu bền bỉ thuyết phục cho đến khi nhận được sự đồng thuận từ gia đình.
Nhận về số tiền 500 triệu đồng làm vốn, cả hai anh em suy nghĩ rất cẩn trọng, vì chỉ cần đi sai hướng sẽ mất trắng cơ nghiệp mà bố mẹ tích góp cả đời.
Sau một thời gian phân tích về những thế mạnh của bản thân, cả hai quyết định đầu tư sản xuất ruốc cá hồi và kinh doanh homestay. Chia sẻ về quyết định táo bạo này, Huân Huân bản lĩnh khẳng định rằng: "Một cái đầu sợ hãi thì không có chỗ cho ước mơ" nên không ngại đương đầu với khó khăn, thử thách.
Khởi nghiệp không chỉ dựa trên "sự nổi tiếng"
Lý A Huân cho biết đã tham khảo lời khuyên từ những đàn anh đàn chị đã có kinh nghiệm, sau đó một tháng mới dám dùng tới số tiền đã vay mượn bố mẹ. Cả hai anh em đầu tư 100 triệu vào sản xuất mặt hàng ruốc cá hồi và 400 triệu vào kinh doanh homestay.
Bắt tay vào sản xuất và kinh doanh ruốc cá hồi, sự nổi tiếng cũng đem tới cho hai bạn trẻ A Huân và Thu Điểm nhiều thuận lợi. Không chỉ được nhiều người dùng mạng xã hội đón nhận và ủng hộ, anh em TikToker còn được nhiều anh chị có kinh nghiệm dẫn dắt và cho lời khuyên như Huyền Hugo, Phạm Thoại,...
Một video của hai anh em Tiktoker Huân Huân - Đậu Đậu
Đặc biệt, khi kinh doanh ruốc cá hồi, bản thân hai anh em cũng có nhiều lợi thế vì gia đình đã có sẵn trang trại nuôi cá hồi, đảm bảo được nguồn cung và chất lượng đồng đều. Cá hồi được chọn lọc kỹ lưỡng, chế biến từ lúc tươi sống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, việc chế biến và sản xuất ruốc cá hồi cũng giúp giải quyết đầu ra cho nguồn thủy sản địa phương. Mô hình này dễ dàng nhân rộng vì quy trình không quá phức tạp.
Bước ngoặt kinh doanh đến khi Lý A Huân và Hoàng Thị Thu Điểm cùng tham gia một phiên livestream lớn. Trong một thời gian ngắn thông qua nền tảng bán hàng online, doanh số bùng nổ lên tới 540 triệu đồng, nhận được rất nhiều phản hồi từ khách hàng.
Ngoài nguồn thu từ TikTok, các đơn hàng khác còn tới từ nền tảng Facebook. Trung bình mỗi video ngắn khi đăng tải, cả hai thu về từ 20-30 đơn hàng, nếu có video lên xu hướng thì có thể đạt tới doanh số 100 triệu đồng nhanh chóng.
Hai anh em chủ kênh Huân Đậu Đậu khoe 'chiến tích' đơn hàng ruốc cá hồi. Ảnh: NVCC
Tuy vậy, Lý A Huân cũng chia sẻ về những khó khăn và sự hạn chế trong kinh doanh online: "Trong phiên livestream, doanh số đạt tới 540 triệu đồng, tuy nhiên thực tế sau khi tính toán các đơn bị hoàn hủy, doanh số thực chỉ còn 340 triệu đồng".
Ngoài ra, do kinh doanh mặt hàng thực phẩm nên những đánh giá của khách hàng về chất lượng sản phẩm cũng đa dạng, có người khen, người chê, có người góp ý về độ mặn, nhạt,..
Bên cạnh đó, việc bùng nổ doanh số quá nhanh cũng phát sinh những tình huống không lường trước. Cụ thể, 2 anh em buộc phải đóng kho vì không đủ hàng.
Thu Điểm cho biết mặt hàng ruốc cá hồi được sản xuất thủ công, đơn hàng về đến đâu sẽ được làm bán đến đó, chứ ít khi có hàng lưu kho nên nhiều khi không đủ hàng bá. Các quy trình từ sản xuất, bảo quản, kho vận,... vẫn luôn được hai anh em tối ưu nhất có thể để tiết kiệm thời gian và công sức.
Hai anh em đóng gói sản phẩm vào hũ thủy tinh để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Ảnh: NVCC
Lần đầu thử sức trong vai trò kinh doanh, Huân và Điểm rất cầu toàn. Sản phẩm ruốc cá hồi được bảo quản trong lọ thủy tinh, thay lọ nhựa hay bao bì nhựa. Sự kỹ lưỡng này không chỉ gia tăng tính thẩm mỹ, mà còn thân thiện với môi trường vì tính tái sử dụng, tái chế dễ dàng.
"Không cổ xúy bỏ công việc tốt, bỏ học thành TikToker"
Không phủ nhận sự nổi tiếng mang đến nhiều may mắn và những cơ hội tốt hỗ trợ cho việc kinh doanh, tuy vậy Huân Huân cho biết không cổ xúy mọi người bỏ học, bỏ làm để trở thành TikToker.
Lý A Huân nói: "Trong quá trình mở lớp chia sẻ về những kinh nghiệm mình đã trải qua, mình luôn nói về cả những trường hợp không thành công, đổ nhiều công sức nhưng không đạt được kết quả như mong muốn. Mình không cổ xúy cho mọi người có công việc tốt, bỏ công việc, bỏ học tập trở thành TikToker".
Huân Huân chia sẻ kinh nghiệm với những học viên muốn xây kênh bán hàng. Ảnh: NVCC
Thực tế, công việc sáng tạo nội dung không hẳn luôn thành công một cách dễ dàng, đằng sau những video "triệu view" lên xu hướng là những nỗ lực không ngừng nghỉ. Đặc biệt là với hai anh em A Huân và Thu Điểm - những bạn trẻ Gen Z này bắt tay vào lĩnh vực sáng tạo khi cả hai đều là con số 0 tròn trĩnh.
"Đợt đầu bọn em làm cũng gặp rất nhiều khó khăn, không biết quay như thế nào, không biết lên ý tưởng, dựng video như thế nào. Một phân đoạn phải quay đi quay lại tận mấy chục lần, đứng trước điện thoại rất ngại, không thể nói lên được", Hoàng Thị Thu Điểm nhớ lại.
Ảnh: NVCC
Thu Điểm cũng cho biết ban đầu khi mới đăng tải video lên TikTok hai anh em bị gia đình ngăn cấm, coi đây như trò lố bịch. Khoảng 2-3 tháng đầu là mốc thời gian khó khăn nhất, rồi sau đó các video dần lên xu hướng, cán mốc 50 nghìn người theo dõi thì cả hai lại rơi vào tình trạng bế tắc như đứng giữa "ngã ba đường".
Mãi khi bắt đầu nhận quảng cáo của các nhãn hàng, rồi tự đăng bán một số sản phẩm, cả hai mới mon men nghĩ xa xôi về việc kinh doanh riêng.
Xây dựng quỹ 3 nghìn đồng giúp trẻ em suy dinh dưỡng
Cô gái Hoàng Thị Thu Điểm thừa nhận bản thân là con nhà nông chính hiệu, hay nhút nhát tự ti, từng bỏ thi đại học đi làm thuê ở siêu thị để có lương phụ giúp ba mẹ, nhưng khi trở thành TikToker giúp Điểm tự tin hơn rất nhiều.
Công việc này đem tới nhiều cơ hội để rèn luyện, học hỏi, trau dồi kiến thức, hơn hết là giúp Điểm được đón nhận nhiều điều tốt đẹp, tích cực.
Thu Điểm xúc động nói: "Nhà mình nghèo nên lúc nào cũng sợ mình sai, không dám bắt chuyện với người lạ. Khi làm TikTok, mình được mọi người đón nhận, được gặp gỡ những anh chị trong cùng lĩnh vực, may mắn được học hỏi được các anh chị".
Ảnh: NVCC
Ảnh: NVCC
Có lẽ, chính may mắn khi dấn thân vào con đường sáng tạo nội dung online đã khiến những TikToker như Lý A Huân và Hoàng Thị Thu Điểm muốn trao đi những điều tốt đẹp cho những người khác nữa.
Ngay khi công việc kinh doanh ruốc cá hồi được đông đảo khách hàng biết tới và ủng hộ, hai bạn trẻ xây dựng quỹ "Quỹ trẻ em suy dinh dưỡng SNV", trích ra 3 nghìn đồng lợi nhuận từ một sản phẩm được bán đi, để ủng hộ cho những trẻ em suy dinh dưỡng và những người có hoàn cảnh khó khăn.
Giãi bày về việc làm ý nghĩa này, Lý A Huân cho biết công việc này không huy động đại trà mà chỉ hai anh em âm thầm thực hiện. Hiện tại, "Quỹ trẻ em suy dinh dưỡng SNV" của hai anh em đã dành dụm được một số tiền nhỏ, hai bạn cho biết trong tháng 7 này sẽ triển khai ở một số địa điểm.
Cả hai anh em sẽ trực tiếp tìm kiếm những hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn, đến tận nơi trao quần áo, giúp đỡ khẩu phần ăn, hỗ trợ tiền đi học,...
Thân gửi cộng đồng những người luôn yêu thương và ủng hộ hành trình chúng mình.
Như biết bao em nhỏ lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó trên vùng núi Tây Bắc, hai anh em Huân Huân và Đậu Đậu luôn phải chứng kiến cảnh ba mẹ làm lụng vất vả để nuôi chúng mình khôn lớn. Chúng mình luôn khao khát có thể thoát nghèo và kiếm tiền một cách chính đáng, báo đáp công ơn cha mẹ và lan tỏa những điều tích đến cộng đồng.
Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, chúng mình đã có một khát khao nếu thành công thì sẽ chia sẻ phần nào đó với những hoàn cảnh khó khăn. Do vậy, chúng mình đã thành lập "Quỹ trẻ em suy dinh dưỡng SNV" để đồng hành cùng các em nhỏ suy dinh dưỡng và có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em cải thiện được phần nào đời sống vật chất còn nhiều thiếu thốn. Lợi nhuận này được trích ra 3000đ trên 1 lọ ruốc cá hồi bán ra.
Thành quả mà chúng mình đem tới các em có thể không lớn, không cao sang, chỉ là những bữa ăn đủ chất, những hộp sữa tươi mà đôi khi các em chưa bao giờ được uống, chút tiền nhỏ giúp các em mua dụng cụ học tập hay một vài miếng ngon trong khẩu phần ăn hàng ngày của các em.
Nhưng đó là hành động thiết thực nhất có thể, và xuất phát từ tận đáy lòng của chúng mình. Hai anh em thực sự cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc khi nhìn thấy những nụ cười của các em bé.
Bên cạnh đó, chúng mình thực sự rất hạnh phúc vì giờ đây kênh "Huân Đậu Đậu SNV" còn là cầu nối đưa nông sản địa phương tới người tiêu dùng trên khắp cả nước. Ngoài ruốc cá hồi, còn có thuốc lá cây trà mát gan, cây bổ máu, nấm hương,...
Gần đây, chúng mình cũng đã tham gia chương trình "Cafe sáng" của VTV để truyền tải thông điệp về chăm sóc và bảo vệ động vật quý hiếm ở khu bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên Sơn.
Trên hành trình chinh phục ước mơ, chúng mình không ngại đương đầu với khó khăn thử thách. Chúng mình không chắc sẽ mang "nhiều tiền về cho mẹ" như anh Đen Vâu nhưng hứa sẽ mang sự tử tế và trái tim ấm áp đi muôn nơi.
Hãy đồng hành và dõi theo chúng mình nhé!
A Huân - Đậu Đậu