Sau khi chứng kiến một đội bóng đăng quang, bên cạnh sự ngưỡng mộ, phần lớn sẽ tìm hiểu con đường dẫn đến thành công của họ và rút ra những bài học. Ví dụ như Qatar năm 2019. Tất cả nói về những bước tiến vượt bậc của quốc gia nhỏ bé nằm bên Vịnh Ba Tư, bắt nguồn từ công tác đào tạo trẻ.
Những cậu bé trưởng thành từ Học viện Aspire khiến cả châu Á kinh ngạc khi biến đội bóng chưa bao giờ lọt vào tứ kết Asian Cup trước đây vụt trở thành nhà vô địch. Để nhấn mạnh sự thuyết phục, Qatar còn quật ngã gã khổng lồ Nhật Bản, hình mẫu thành công của châu lục, trong trận chung kết.
Vậy lần này thì sao? Qatar một lần nữa đăng quang với đội ngũ có độ tuổi bình quân 28,3, hơn 4 tuổi so với kỳ trước cách đây 4 năm (24,87). Những người bảo vệ thành công ngôi vương phần lớn là thế hệ 2019, chỉ khác là đã già thêm 4 tuổi. Họ chính là lứa 95/96 đầu tiên tốt nghiệp ở Học viện Aspire. Và sau nhiều năm, có vẻ như không có lứa tài năng mới được giới thiệu.
Không khó để tìm thêm bằng chứng. Tại giải U20 châu Á 2023 mới đây, U20 Qatar 2003 đã thua U20 Australia với tỷ số kinh hoàng 1-9. Ở giải U17 châu Á 2023, Qatar bị Hàn Quốc nghiền nát 1-6, đồng thời thua cả Afghanistan.
U23 Qatar cũng không khá hơn, xếp chót bảng tại U23 châu Á 2022 và gây thất vọng với thất bại 0-6 trước Uzbekistan. Họ vào vòng 1/8 Asiad 19 nhờ rơi vào bảng 3 đội (chỉ kiếm được 1 điểm) và dừng bước sau trận thua Trung Quốc.
Thêm một chi tiết nữa, toàn bộ 26 cầu thủ Qatar đang chơi ở trong nước, và Qatar Stars League không phải giải đấu mạnh. Họ xếp thứ 101 thế giới theo BXH của TeamForm, cách rất xa K League (42), A-League (56), J League (59), China Super League (61), Arabian Gulf League của UAE (64), Saudi Pro League (66) National Premier Leagues, tức hạng 2 Australia (73). Tại AFC Champions League 2023/24, không đại diện Qatar nào lọt vào vòng knock-out.
Còn Jordan thì sao? Giải hàng đầu của họ đứng thứ 154, khu vực gần với giải hạng 2 Đảo Síp hay giải hạng nhất Kosovo. Một tháng trước khi Asian Cup 2023 khởi tranh, nhiều trận đấu không thể tiến hành vì cầu thủ đình công.
Họ không được trả lương trong nhiều tháng, dù mức lương chỉ khoảng 200 dinar Jordan (hơn 6 triệu đồng). Theo tiết lộ của Sports Weekly, tuy mang danh chuyên nghiệp nhưng nhiều cầu thủ ở giải hàng đầu Jordan phải làm công việc bán thời gian để có thêm thu nhập.
Hiệp hội bóng đá Jordan cũng không có nguồn thu nào khác ngoài số tiền nhận được từ Bộ Thanh niên. Tổ chức này hiện gánh khoản nợ lên đến 2 triệu dinar Jordan (67,7 tỷ đồng). Đó là lý do khi đội quân của HLV Hussein Ammouta tới Asian Cup 2023, không có khoản thưởng nào được đề cập.
Tuy nhiên ĐT Jordan đã chơi bằng cả trái tim, tạo hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ngay trước trận chung kết với Qatar, HLV Hussein Ammouta “hy vọng các chiến tích ở Asian Cup 2023 sẽ trở thành chất xúc tác, thu hút thêm nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng bóng đá, cung cấp cho các cầu thủ Jordan cơ sở đào tạo tốt hơn, qua đó đạt đến trình độ cao hơn”.
Từ câu chuyện của Jordan và Qatar, có thể thấy thành công ở một giải đấu đôi khi không phải thước đo của một nền bóng đá. Một quốc gia thiếu căn bản vẫn có thể tạo nên một đội tuyển giàu sức cạnh tranh, và thành công ở giải đấu cụ thể dựa trên lứa cầu thủ tốt, chiến thuật hợp lý cùng tinh thần chiến đấu mạnh mẽ. Dĩ nhiên đó không phải con đường phát triển dài hạn.
Việc Jordan hạ Hàn Quốc hay Qatar lên ngôi không cung cấp mô hình làm bóng đá kiểu mẫu. Thậm chí nó cũng không nói lên rằng Tây Á đang trỗi dậy còn Đông Á đi xuống. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này ở chiến dịch dài ngày như vòng loại World Cup, khi mọi thứ trở về đúng với trật tự. Và sau đó, những đại gia truyền thống của châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia sẽ tới ngày hội bóng đá thế giới để nhấn mạnh, chỉ có con đường của họ mới tạo ra thành công bền vững.