Hẳn nếu đã từng nhiều lần hỏi những cầu thủ của HAGL rằng, liệu tâm lý vì dư luận, truyền thông chú ý quá nhiều có phải là nguyên nhân khiến họ thi đấu sa sút hay không, câu trả lời luôn sẽ là: "Tôi thấy không có vấn đề gì. Hoàn toàn thuộc về chuyên môn thôi".
Như với Công Phượng trước trận HAGL 1-2 SHB.Đà Nẵng ở vòng 2 V-League 2017, hỏi cả 4 lần với 4 người hỏi khác nhau, câu trả lời vẫn như trên.
Đây chính là điểm mấu chốt cho "sự sa sút" đến "thất vọng cùng cực" của HAGL - hai cụm từ được dùng nhiều nhất khi nhắc đến đội bóng phố Núi lúc này.
Vấn đề của HAGL lúc này không đến từ chính những con người cấu thành nên đội bóng. Tất cả mọi thứ đều là do dư luận và truyền thông tạo ra rồi chính truyền thông lại đem những câu hỏi ấy đặt lên cầu thủ phố Núi. Nhưng các cầu thủ nào có thể vin vào đó để đổ lỗi cho thất bại?
Nhớ lại, cũng chính truyền thông đã nâng cao quan điểm lên đến mức thần thánh hóa, khiến "Công Phượng và các đồng đội" trở thành một tập thể tuyệt đối mà các đội khác ở V-League tuyệt đối không được phép thua, từ năm 2015.
Công Phượng và đồng đội như bị tách ra khỏi phần còn lại của V-League.
HAGL toàn thua 3 vòng đầu V-League 2017, nhưng chẳng ai chịu xét đến cho, 3 đối thủ của họ lần lượt xếp ba, nhì, nhất trên BXH mùa trước. Cộng thêm lịch thi đấu dày đặc mà đội nào cũng than thở - ban đầu dự kiến 3 vòng trước Tết Nguyên đán, sau đôn thành 4 vòng.
Ngay đầu mùa đã phải gặp những đối thủ cứng cựa như thế với lịch dày đặc thì chắc chắn bất cứ đội bóng nào cũng khốn đốn.
Đến cả HLV lão làng từng vô địch Champions League như Louis Van Gaal còn lắm lần than phiền lịch thi đấu dày đặc của Premier League, đến mức thẳng toẹt luôn rằng: "Bóng đá Anh chết chìm ở châu Âu vì Premier League".
Nhưng thôi, gác lại chuyện lịch thi đấu. Nhắc tới Van Gaal ở hiện tại, thì những lời sau đây sẽ là một bài học đáng giá dành cho HAGL.
Mới đây "Tulip thép" mang trong mình sự ấm ức mà nói rằng: "Giành Cup FA với Man Utd là thành tích lớn nhất của tôi. Tôi như ở trên đoạn đầu đài trong khoảng sáu tháng cuối làm việc ở Old Trafford, khi đầu của tôi như bị đút trong một cái thòng lọng vì sức ép từ truyền thông Anh.
Áp lực mà truyền thông Anh tạo ra đôi khi thật vô nhân đạo. Khoảng thời gian đó tôi đã phải cùng lúc kiên định với triết lý bóng đá của riêng mình, đồng thời giữ động lực cho các cầu thủ. Một khi bạn vẫn giành được Cup FA dưới sức ép tàn bạo như vậy, bạn đáng tự hào về thành tích đó".
HAGL đang phải chịu quá nhiều áp lực.
Cần nhớ, nhiệm vụ của Van Gaal ở Man Utd là đưa đội bóng dự Champions League, hoặc chí ít có một cái cúp nào đó to hơn cả nghĩa đen lẫn bóng so với cúp FA. Vì thế trong mắt những phe đã đối xử "vô nhân đạo", "tàn bạo" với Van Gaal, thì vị HLV này đã thất bại.
Nhưng có thật rằng cái sự thất bại đó có khiến Van Gaal chịu khuất phục không? Rõ ràng đã là không với những lời phát biểu trên.
Chủ trương của HAGL là ưu tiên sử dụng cầu thủ "cây nhà lá vườn" của chính đội bóng để thi đấu đúng với lối chơi ban bật ngắn, nhỏ, đặc biệt là hạn chế tối đa việc mua tiền đạo ngoại. "Đội có xuống hạng vẫn theo chủ trương này", HLV trưởng Nguyễn Quốc Tuấn đã khẳng định.
Nhiều người đã chê cười về chủ trương cứng nhắc này của đội bóng phố Núi. Nhưng ít ai nhớ chỉ cách đây vài năm thôi, chính HAGL là cơn mưa cho những cây nấm "lò đào tạo trẻ" khắp đất nước.
Cũng ít ai để ý rằng, bóng đá Việt Nam vẫn mãi tìm đường thoát cảnh phất bóng dài cho Tây chạy. Và khi Lê Công Vinh giải nghệ, vị trí tiền đạo ở đội tuyển Việt Nam hiện vẫn chưa có ai đủ tin tưởng để cán đáng.
Nhưng thôi, làm sao dễ hài lòng miệng thế gian. HAGL hãy nhìn vào Van Gaal, hài lòng với những gì mình đã cố gắng làm, dù cho là nhỏ nhất nhưng cũng đã nỗ lực hết sức, trong bủa vây những thứ "tàn bạo".