Tròn 200 ngày trước, trong buổi tuyên án - kết thúc phiên tòa sơ thẩm xét xử đại án Oceanbank (29/9/2017), Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND Hà Nội đã đưa ra phán quyết với 51 bị cáo trong vụ án Hà Văn Thắm.
Ba "thuyền trưởng" của Oceanbank bị tuyên các mức án cao. Trong đó, Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch Oceanbank) lĩnh án Chung thân về các tội Tham ô tài sản (điều 278, Bộ Luật hình sự 1999); Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ Luật hình sự 1999); Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (Điều 179 Bộ Luật hình sự 1999) và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ Luật hình sự 1999).
Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc) bị tuyên Tử hình theo Điều 278, 280, 165 Bộ Luật hình sự 1999; Nguyễn Minh Thu (cựu Chủ tịch) bị tuyên 22 năm tù theo điều 165 và 280; Cựu phó tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Văn Hoàn bị phạt 22 năm tù theo điều 280 và 179.
TAND Hà Nội xác định từ năm 2010-2014, thực hiện chủ trương của ông Hà Văn Thắm, Oceanbank đã chi hơn 1.500 tỷ đồng trả lãi suất ngoài hợp đồng cho hàng trăm cá nhân, tổ chức gửi tiền. Trong số này, Nguyễn Xuân Sơn bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 246 tỷ đồng, tham ô hơn 49 tỷ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 197 tỷ.
Cựu tổng giám đốc Oceanbank còn bị quy kết lạm dụng chức vụ chiếm đoạt 69 tỷ của BSC (công ty sân sau của Hà Văn Thắm).
BSC không có hoạt động kinh doanh mà mở ra nhằm lấy tư cách pháp nhân ký các hợp đồng dịch vụ với khách hàng của Oceanbank để thu phí trái luật. Mục đích chính nhằm thu thêm tiền để chi cho Nguyễn Xuân Sơn chăm sóc khách hàng.
Tháng 11/2012, ông Thắm chỉ đạo cấp phó Nguyễn Văn Hoàn cho ông Phạm Công Danh (chủ tịch tập đoàn Thiên Thanh) vay 500 tỷ đồng thông qua công ty Trung Dung trong khi không có tài sản đảm bảo, khách sử dụng vốn không đúng mục đích.
Hành vi này bị quy kết làm trái quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay, khiến Oceanbank thiệt hại hơn 500 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi.
Cùng nhóm tội theo điều 165, cựu phó tổng giám đốc Lê Thị Thu Thủy bị phạt 6 năm tù, Nguyễn Thị Nga (cựu kế toán trưởng) 3 năm 6 tháng tù, Nguyễn Hoài Nam (cựu giám đốc khối nguồn vốn) lĩnh 3 năm 6 tháng tù...
Ông Phạm Công Danh bị phạt 14 năm tù, bà Hứa Thị Phấn nhận 17 năm tù cùng về tội theo Điều 179. 42 bị cáo còn lại bị phạt từ 24 tháng cải tạo không giam giữ đến 4 năm tù giam...
Sau phán quyết sơ thẩm, 31/51 bị cáo đã chống án.
Theo đó, bị cáo Hà Văn Thắm có đơn kháng cáo đề nghị không kết án tội Tham ô tài sản và tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, cựu Chủ tịch Oceanbank lập luận rằng, trong trường hợp cấp tòa phúc thẩm thấy nếu có đủ căn cứ để xác định bị cáo phạm vào các tội danh trên thì bị cáo mong muốn được giảm nhẹ hình phạt, không bị xử mức án tù chung thân.
Về phần mình, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn kháng cáo kêu oan về tội Tham ô tài sản và tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Trong 51 bị cáo bị đưa ra xét xử phiên sơ thẩm, có 45 người phải hầu tòa về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là các cựu nhân viên Oceanbank đã đồng phạm với Hà Văn Thắm chi tiền lãi ngoài hợp đồng hơn 1.576 tỷ cho khách hàng ở giai đoạn 2010-2014.
Theo cơ quan điều tra và viện kiểm sát (VKS), hậu quả của việc chi trái pháp luật, không minh bạch đã khiến nhà băng mất khả năng thu hồi tiền.
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra 6 tháng trước, các bị cáo thừa nhận làm trái quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về trần lãi suất khi huy động vốn, nhưng là vi phạm mức hành chính theo thông tư 02 của Thống đốc NHNN.
Họ nói thời điểm đó hầu hết các ngân hàng đều chi lãi ngoài, nếu Oceanbank không làm sẽ mất thanh khoản do khách hàng không gửi tiền. Nó sẽ khiến Oceanbank không huy động được vốn và sụp đổ. Các bị cáo nhận thức việc chi lãi ngoài là "liều thuốc" cứu ngân hàng khỏi sự đổ bể.
Việc chi 1.576 tỷ, các bị cáo cho rằng không phải là thiệt hại mà giống như việc "mua đắt và bán đắt, lấy thu bù chi có lãi", nên không coi đó là thiệt hại của Oceanbank.
Trình bày tại tòa, bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang (cựu Giám đốc khối khách hàng cá nhân) nói "rất oan ức" khi phải chịu trách nhiệm liên đới về khoản 1.500 tỷ đồng Oceanbank đã chi lãi ngoài hợp đồng.
Lý giải cho hành vi của mình, cựu giám đốc Oceanbank Hải Dương Trần Thị Thu Hương, cho rằng làm theo phân công của cấp trên, VKS không thể quy kết bà đồng phạm giúp sức. Bị cáo kể sau thời điểm Hà Văn Thắm bị bắt, các chi nhánh của ngân hàng đều nguy kịch, 100 nhân viên ở Hải Dương như rắn mất đầu.
Khách hàng của Oceanbank Hải Dương chủ yếu là doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản - họ đến rút tiền và vây xung quanh chi nhánh ngày áp Tết, không cho bà ra khỏi ngân hàng.
Cựu giám đốc Oceanbank nhớ lại, một công ty nước ngoài có 8 tỷ đồng trong tài khoản đến nói nếu không cho họ rút 200 triệu sẽ nhảy lầu ngay trước mặt bà. "Bị cáo đành phải về nhà vay tiền đưa cho họ" - bà Hương kể.
Trái với phân tích của các bị cáo, trong bản luận tội của VKS ở giai đoạn tranh tụng, cơ quan này cho rằng số tiền chi lãi ngoài 1.576 tỷ là trái quy định của NHNN, trái pháp luật, khiến số tiền này không còn khả năng thu hồi.
"Hậu quả việc làm trái không chỉ làm thiệt hại về vật chất mà còn là tiền đề cho tội phạm tham nhũng phát triển, đánh mất niềm tin của nhân dân. Tiền huy động rơi vào tay một số người có chức vụ, quyền hạn, gây lỗ lớn cho Oceanbank, phát sinh nợ xấu lớn khiến NHNN phải mua bắt buộc với giá 0 đồng", đại diện VKS đánh giá.
HĐXX TAND Hà Nội khi tuyên án cũng nêu rõ, việc làm trái các quy định của Nhà nước nói trên của các bị cáo tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, làm rối loạn thị trường tài chính, là nguy cơ làm tăng lạm phát; gây tổn hại nghiêm trọng đến việc thực hiện các chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; sự an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Hành vi nêu trên của Hà Văn Thắm và đồng phạm đã đồng phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng như VKSND Tối cao đã viện dẫn để truy tố là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.
Sau khi nghe phần luận tội của VKS, chiều 19/9/2017, trong phần tự bào chữa của mình, bị cáo Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch Oceanbank), chia sẻ nhiều đêm khi từ phòng xử trở về buồng giam, bản thân tự truy vấn mình xem có tội đến đâu thì nhận đến đó.
Hôm đó, ông Thắm thừa nhận mình đã cố ý làm trái nhưng không phải gây hậu quả nghiêm trọng mà là đang mang lợi cho Ngân hàng Đại Dương do mình làm chủ. Nếu có, Hà Văn Thắm nói chỉ là gây thiệt hại phi vật chất cho chính sách vĩ mô và chính sách kìm chế lạm phát của NHNN.
Người đưa ra chủ trương chi lãi ngoài trên toàn hệ thống Oceanbank nói, nếu hành vi cố ý làm trái đó gây hậu quả, thì là gây hậu quả khiến cho những đồng nghiệp của bị cáo phải hầu tòa - những người mà ông Thắm bảo như ruột thịt.
"Thuyền trưởng" Oceanbank nói, nếu ông cố ý làm trái thì chỉ mình ông là người được hưởng lợi vì là chủ Oceanbank. "Các bị cáo khác đều không ai được hưởng lợi. Bị cáo xin HĐXX được nhận tội thay cho đồng nghiệp để họ không phải vướng lao lý" - cựu chủ tịch Oceanbank trình bày.
Tuy nhiên, trong bản án sơ thẩm, HĐXX cho rằng Hà Văn Thắm với tư cách là Chủ tịch HĐQT, người đại điện theo pháp luật của Oceanbank, đã ra chủ trương chi trả lãi ngoài huy động vốn trên toàn hệ thống ngân hàng này.
Thắm còn trực tiếp chỉ đạo Nguyễn Minh Thu, khi đó là Tổng giám đốc tự quyết định việc chăm sóc khách hàng, chi lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng trên toàn hệ thống.
Đồng thời, bị cáo Thắm còn chỉ đạo một số thuộc cấp khác, các chi nhánh, phòng giao dịch để chi trả lãi ngoài cho các khách hàng trái quy định của NHNN về trần lãi suất huy động vốn trong từng thời kỳ, gây thiệt hại hơn 1.329 tỷ đồng (trừ hơn 246 tỷ được Oceanbank chi cho Nguyễn Xuân Sơn và bị Sơn chiếm đoạt).
Căn cứ tài liệu điều tra, VKS đánh giá 1.576 tỷ thất thoát là một trong những thiệt hại góp phần đẩy nợ xấu của Oceanbank đầu năm 2014 lên hơn 14.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần…
Việc trên cũng dẫn đến quyết định NHNN mua lại Oceanbank với giá 0 đồng và gánh toàn bộ nghĩa vụ trả nợ cho nhà băng này.
Trong 1.576 tỷ chi lãi ngoài, kết quả điều tra xác định có hơn 246 tỷ được chi cho Nguyễn Xuân Sơn - (cựu Tổng giám đốc Oceanbank, cựu Phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam) do yêu cầu của Sơn. Do vậy, hành vi Cố ý làm trái của Hà Văn Thắm và các đồng phạm gây thiệt hại hơn 1.300 tỷ đồng.
HĐXX phiên sơ thẩm tuyên Hà Văn Thắm phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ số tiền thiệt hại hơn 1.300 tỷ. Đồng thời, cựu chủ tịch Oceanbank phải chịu trách nhiệm trực tiếp về số tiền hơn 108 tỷ đồng đồng sử dụng cá nhân.
Nguyễn Xuân Sơn phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền đã chi lãi ngoài vượt trần là 297 tỷ đồng; Nguyễn Minh Thu (Tổng giám đốc) phải chịu trách nhiệm liên đới về chi trái pháp luật hơn 784 tỷ đồng.
Ngoài ra, VKS cũng cáo buộc cựu Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính kế toán; trưởng Ban Kế toán và một số giám đốc khối hội sở Oceanbank phải liên đới chịu trách nhiệm cho Oceanbank vì chi lãi ngoài gây thất thoát…
Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, Hà Văn Thắm là chủ mưu trong vụ thâu tóm Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của Ngân hàng Xây Dựng), với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn cho Oceanbank.
Theo đó, đầu năm 2012, do muốn thâu tóm một số nhà băng về Oceanbank, Hà Văn Thắm thỏa thuận với bà Hứa Thị Phấn (cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông của Ngân hàng Đại Tín) về việc chuyển giao ngân hàng này.
Tuy nhiên, phát hiện Đại Tín có một số khoản vay lớn cùng nợ xấu, Thắm tìm cách bán lại cho ông Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh - bạn của Nguyễn Xuân Sơn).
Để phi vụ chuyển nhượng thành công, Thắm chuyển cho ông Danh vay 500 tỷ đồng để dùng trả cho nhóm bà Phấn, dưới danh nghĩa hợp đồng cho vay giữa Oceanbank và Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung (công ty của ông Danh).
Từ tài sản không đảm bảo cho khoản vay 500 tỷ của Công ty Trung Dung, cơ quan điều tra xác định Oceanbank bị thiệt hại hơn 343 tỷ đồng.
Tại tòa, bản luận tội của VKS cho rằng bà Hứa Thị Phấn, ông Phạm Công Danh và Trần Văn Bình (Tổng giám đốc Công ty Trung Dung) đã sử dụng các tài sản không có thật hoặc chưa đủ tính pháp lý để đảm bảo cho khoản vay, mục đích hợp thức hóa hồ sơ vay vốn số tiền 500 tỷ đồng của Oceanbank.
Số tiền này Phạm Công Danh sử dụng vào việc thanh toán các khoản nợ của Phấn theo thỏa thuận mua lại Ngân hàng Đại Tín.
Hành vi đó của các bị cáo đồng phạm với Hà Văn Thắm về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. VKS có quan điểm, bà Hứa Thị Phấn là người hưởng lợi toàn bộ số tiền vay, yêu cầu nữ đại gia phải hoàn trả.
Bào chữa cho bà Phấn, luật sư Trương Thị Anh Thơ hỏi tại sao thân chủ của mình phải chịu trách nhiệm trả nợ cho ông Danh? Lịch sử chưa bao giờ có chuyện người đi vay tiền không phải trả mà người cho mượn tài sản thế chấp lại phải trả nợ? Bà Phấn vừa mất tài sản thế chấp, vừa phải trả nợ, vừa phải ở tù - luật sư Thơ nói.
Trong bản án sơ thẩm, HĐXX đánh giá bà Hứa Thị Phấn là người được thụ hưởng cuối cùng đối với khoản vay này nên cần buộc nữ bị cáo phải bồi thường số tiền 500 tỷ đồng nói trên. Riêng số tiền lãi, vì Oceanbank cũng có lỗi nên HĐXX không buộc các bị cáo phải trả khoản này.
Trong phiên tòa sơ thẩm xét xử đại án Oceanbank, hàng chục bị cáo cả nam lẫn nữ đã bật khóc nức nở trước vành móng ngựa. Họ gồm các cựu sếp Oceanbank, giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch.
Họ khóc vì cho rằng đang đứng trước một mức án quá cao so với những gì mình làm, khóc vì có tội với gia đình.
Thuyền trưởng Hà Văn Thắm dưới góc nhìn của gia đình là người cứng rắn, bản lĩnh, song cũng 2 lần bật khóc khi nghe thuộc cấp nói về mình.
Ngày 20/9/2017, trong phần tự bào chữa ở phiên sơ thẩm, Lê Thị Thu Thủy (cựu Phó tổng giám đốc Oceanbank), nói trong nước mắt vì vướng vào án mà bản thân thất nghiệp gần ba năm nay, ly hôn và không đêm nào ngủ ngon giấc.
Quay quay xuống nhìn Hà Văn Thắm, nữ bị cáo vừa khóc vừa nói: Em cảm ơn anh, người anh tốt của chúng em. Không biết những lời anh nói cho chúng em tại tòa có được xem xét giúp chúng em miễn được hình phạt tù hay không, nhưng đã an ủi chúng em rất nhiều trong hoàn cảnh này. Cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với chúng ta, cầu mong đèn trời soi xét…
Nghe những lời này, ông Thắm nhiều lần uống nước để kìm nén, nhưng rồi vẫn rút khăn ra lau nước mắt.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Quốc Chiến, cựu Giám đốc Oceanbank Chi nhánh Sài Gòn quay xuống nhìn người lãnh đạo cũ. Ông Chiến vừa khóc vừa nói: Các bị cáo đứng đây không hề oán trách gì anh, thực sự nể phục trí tuệ của anh và mong anh nói trước HĐXX đôi lời về vấn đề chịu trách nhiệm của các bị cáo vì ngân hàng, vì anh.
Nghe cấp dưới khóc nói về mình, Hà Văn Thắm sau bao lần dồn nén cảm xúc cũng khóc nức.
Trong số 45 bị cáo làm việc ở Oceanbank, có một cặp vợ chồng cùng vướng lao lý. Họ là Nguyễn Thị Nga - cựu Kế toán trưởng Oceanbank (bị tuyên 3 năm 6 tháng tù) và Ngô Hải Nam - cựu Giám đốc Oceanbank Quảng Ninh (bị tuyên 22 tháng tù cho hướng án treo).
Trình bày lời sau cùng tại, ông Nam nói rất xấu hổ khi phải mang truyền thống gia đình và thành tích cá nhân để xin với HĐXX.
Bị cáo có hai con gái. Con bị cáo không được hưởng sự chăm sóc của cha suốt 8 năm vì bị cáo đi làm xa nhà. "Việc phải đứng trước vành móng ngựa, với gia đình bị cáo là bi kịch. Hai vợ chồng bị cáo gần như bị điên, không kiểm soát được hành động của mình" - ông Nam nói.
Từ đáy lòng của mình, bị cáo tha thiết mong HĐXX cho hưởng đặc ân. Nếu HĐXX xét thấy vợ chồng bị cáo có tội, mong cho bị cáo được cộng cả hình phạt của vợ, để vợ có điều kiện chăm sóc và nuôi dạy con. Việc này là tạo điều kiện cho bị cáo được thực hiện một phần trách nhiệm người cha, chồng trong gia đình. Đây cũng là nguyện vọng của hai con bị cáo. Cầu xin của hai con bị cáo gửi đến HĐXX. Mong HĐXX minh xét - ông Nam dứt lời và trực khóc.
Nghe lời trình bày của chồng, bị cáo Nga ngồi dưới khóc lớn gọi chồng khiến cả phòng xử hàng trăm người xúc động. Nhiều bị cáo nữ nghe lời cầu xin của nam đồng nghiệp cũng không kìm được nước mắt. Họ xúm vào an ủi Nga cũng như an ủi cho chính mình.