Chỉ ít giờ nữa thôi là Lễ hạ thủy tàu hộ vệ tên lửa săn ngầm lớp Gepard thứ 3 (số hiệu Nhà máy 956) sẽ được tiến hành trong thể.
Nhiều khả năng Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng BQP nước ta đang có mặt ở Liên bang Nga trong chuyến thăm chính thức theo lời mời của ngài Bộ trưởng nước bạn Sergei Shoigu cũng sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tới tham dự sự kiện quan trọng này.
Hung hóa cát
Việc đóng cặp tàu hộ vệ tên lửa săn ngầm thứ 2 thuộc lớp Gepard cho Việt Nam đã được Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk (Nga) triển khai tương đối nhanh ngay sau khi ký hợp đồng.
Những tưởng mọi việc sẽ suôn sẻ, bởi với nỗ lực cao nhất của cả hai phía, trong đó phía Việt Nam thu xếp tài chính, nghiệm thu theo từng giai đoạn; phía Nga triển khai thiết kế cuối cùng và thực hiện đặt ky, đóng và hoàn thiện 2 tàu, tiến độ là điều không phải bàn.
Nhưng ác nghiệt thay, không chiều lòng người, cuộc xung đột quân sự giữa phe ly khai ở miền Đông với Chính phủ của Tổng thống Ukraine Petro Porosenko đẩy quan hệ Nga - Ukraine trở nên xấu hơn bao giờ hết, nếu không nói là 2 nước anh em bỗng trở thành thù địch.
Chính vì thế, Ukraine đã đóng băng toàn bộ quan hệ kinh tế - chính trị - quốc phòng với Nga dẫn tới việc Việt Nam bị vạ lây.
Ukraine kiên quyết không chịu bàn giao các động cơ Gas Turbin (máy đẩy chính) cho phía Nga để lắp lên các tàu Gepard đang đóng cho Việt Nam, bất chấp hợp đồng đã ký trước đó khá lâu.
Mọi nỗ lực của Nga đều bất thành khi cố gắng thuyết phục Ukraine rằng họ hoàn toàn không có nhu cầu dùng các động cơ này mà khách hàng đích là Việt Nam - vốn cũng là đối tác truyền thống, tin cậy của Ukraine trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự.
Sự việc rơi vào bế tắc, trong khi nhu cầu hiện đại hóa của Hải quân Việt Nam đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động, tiềm ẩn không ít nguy cơ xung đột quân sự trên biển.
Để gỡ rối, Việt Nam đã phải đứng ra dàn xếp thương vụ này. Bằng sự khéo léo cùng sự thật tâm của Việt Nam, cộng với thiện chí của phía Ukraine, cuối cùng các bên đã tìm được lối thoát.
Việt Nam trực tiếp đứng ra mua lại các động cơ mà phía Nga đã đặt hàng Ukraine trước đó rồi chuyển lại cho Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk để lắp lên các tàu hộ vệ tên lửa săn ngầm Gepard đang mòn mỏi chờ đợi.
Vậy là đã có cái kết đẹp cho cả 3 bên Nga - Việt Nam - Ukraine mà Việt Nam vừa là khách hàng, vừa là "cầu nối", khiến mỗi quan hệ căng thẳng Nga - Ukraine trong trường hợp cụ thể này trở nên vô hiệu.
Mặc dù vậy, so với biểu tiến độ mà hai bên đã thống nhất thì thời gian thi công các tàu đã bị kéo dài hơn dự tính, trong đó tàu số hiệu 956 bị chậm 15,5 tháng; tàu số hiệu 957 bị chậm 10,5 tháng.
Cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9 đầu tiên của Việt Nam.
Niềm vui vỡ òa
Chỉ một thời gian ngắn sau khi nhận được các động cơ của hệ thống đẩy chính, các kỹ sư giỏi và công nhân lành nghề của Nhà máy đóng tàu Zeledolsk - đơn vị tổng thầu thi công tàu Gepard cho Việt Nam, đã lắp đặt, hoàn thiện cơ bản con tàu.
Ngày mai, 27/04/2016, chiếc tàu hộ vệ tên lửa săn ngầm Gepard-3.9 mang số hiệu nhà máy 956 sẽ được hạ thủy.
Chắc chắn buổi lễ quan trọng này sẽ đón chào sự tham dự của lãnh đạo cấp cao của BQP Việt Nam, Hải quân Việt Nam và nhiều quan chức thuộc Tập đoàn Xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboroexport, cùng lãnh đạo Nhà máy Đóng tàu Zelenodolsk.
Ở cách địa điểm hạ thủy con tàu hộ vệ tên lửa Gepard (số hiệu nhà máy 956) hàng nghìn km, đông đảo người dân Việt Nam, nhất là những người yêu quân sự đã bày tỏ niềm vui, niềm phấn khích tột độ.
Bởi chẳng bao lâu nữa con tàu hiện đại này sẽ được hoàn thiện những khâu cuối cùng để tiến hành nghiệm thu và bàn giao kỹ thuật cho phía Việt Nam (dự kiến tháng 8 năm nay).
Tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9 số hiệu 012 - Lý Thái Tổ.
Tất nhiên, kíp thủy thủ Việt Nam sẽ được huấn luyện trên chính con tàu này ở tại nước bạn trong nhiều tháng sau đó. Họ sẽ tiếp cận một số vũ khí trang bị mới trên tàu, hiện đại hơn so với 2 con tàu Gepard đầu tiên vốn đang là "soái hạm" của Hải quân Việt Nam.
Hy vọng rằng, kíp thủy thủ Hải quân Việt Nam sẽ tận dụng tối đa thời gian ở nước bạn để nhanh chóng học hỏi, làm chủ hoàn toàn con tàu, sớm hoàn thành khóa học chuyển loại để đưa tàu về nước tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hiện chưa có thông tin chính thức về 2 tàu hộ vệ tên lửa săn ngầm Gepard sẽ được đánh số hiệu và đặt tên là gì, nhưng chắc chắn sẽ như các tàu 011 - Đinh Tiên Hoàng, 012 - Lý Thái Tổ, chúng sẽ mang tên các vị vua hoặc danh tướng có công lớn trong việc dựng và giữ nước.