Trong bài viết "Сержант ССО США Марк Джакония: Русские десантники рыдали, когда снайпер убил их товарища - Hạ sĩ Đặc nhiệm Mỹ: Khi lính bắn tỉa giết một đồng đội, lính Nga đã nấc lên từng tiếng" tác giả người Nga Alexander Sitnikov đã bình luận về sự kiện Nga can dự quân sự vào Nam Tư năm 1999.
Từ bộ phim hư cấu....
Trên màn ảnh nhỏ của Nga vừa ra mắt bộ phim "Bờ cõi Balcan" hư cấu về đề tài "sự can dự đầy anh hùng của Nga trong cuộc chiến tranh Nam Tư".
Bộ phim được trình làng vào đúng dịp kỷ niệm 20 năm chiến dịch "Sức mạnh liên quân" của NATO diễn ra với các cuộc ném bom tàn phá thủ đô Belgrad và những thành phố hoà bình khác của đất nước Nam Tư.
Khi đó, để đáp trả những tội ác quân sự của các tướng lĩnh Mỹ và 6 quốc gia châu Âu, chỉ có một mình Thủ tướng Nga Evgeny Primakov phản đối bằng việc cho quay đầu chuyên cơ đang trên bầu trời Đại Tây Dương và thay đổi chuyến thăm Mỹ. Cùng lúc đó, lính gìn giữ hoà bình Nga đã nhanh chóng hành quân tới Prishtina.
Lúc bấy giờ nếu nước Nga của chính quyền Tổng thống Nga Yeltsin hùng mạnh như hiện nay dưới sự lãnh đạo của TT Putin thì rất có thể tình hình tại Nam Tư đã diễn biến theo một chiều hướng khác.
Đông thời cũng sẽ không có việc Mỹ "một mình một chợ" xâm lược Iraq, tiêu diệt Libya, gây thảm kịch tại Syria, để cho chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy và tạo ra những làn sóng người nhập cư tại châu Âu,… Nhưng lịch sử không thể có những điều giá như.
Lính gìn giữ hoà bình của Nga trước khi lên tàu để tới Kosovo, 1999. Ảnh: Klyushkin Victor/TASS
... tới sự thật
Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh Nam Tư, một câu chuyện thật xảy ra, khi các lính dù Nga đã "trừng trị" đích đáng phiến quân Albania, với sự chứng kiến và thậm chí còn tham gia tích cực vào trận đánh này của một người Mỹ, Mark Jakonia, hạ sĩ Lực lượng các chiến dịch đặc biệt Mỹ (đội 8B).
Trong cuốn sách "One Green Beret" (Một chiếc mũ nồi xanh) được xuất bản vào năm 2018, tác giả này đã chia sẻ về tình anh em của lính đặc nhiệm Nga trong các trận chiến mà ông được chứng kiến tận mắt và đánh giá đẳng cấp ngang hàng với Lực lượng đặc nhiệm "Hải cẩu" của Mỹ.
Trong cuốn sách của Jakonia, câu chuyện "xảy ra vào mùa xuân năm 2001, vài tháng trước vụ khủng bố 11/9, khi trong đội 8B xuất hiện một người lính Nga và yêu cầu hỗ trợ sơ tán một lính dù Nga thiệt mạng do trúng đạn của xạ thủ Albania".
Ông Mark Jakonia nhớ lại rằng, vào lúc đó mọi thử rất yên ắng và không có tiếng súng, tuy nhiên xạ thủ đã mò tới trại đóng quân của các lính gìn giữ hoà bình Nga và thực hiện một cú bắn định mệnh.
"Anh lính người Nga bị bắn vào đúng phần trên của khuôn mặt, và tạo một lỗ thủng lớn phía đằng sau đầu,… tôi nhìn thấy các mảnh sọ phủ tóc dính vào da lủng lẳng.
Những binh lính Nga đã sốc vì sự ra đi của người đồng đội, một vài người trong số họ đã không ngại ngùng nấc lên khi người đồng đội xấu số của mình được chiếc trực thăng mang đi", ông Jakonia viết.
Quân đội Nga tuần tra chung với binh sĩ NATO tại Nam Tư.
Không ai nghi ngờ rằng xạ thủ đó tham gia vào lực lượng vũ trang phi pháp "Quân đội giải phóng Preshev, Medvedji và Buyanovatz ("Ushtria Çlirimtare e Preshevës, Medvegjës dhe Bujanocit", hay UÇPMB).
Các phiến quân của UÇPMB, là những người gốc Albania, gồm cả các thanh thiếu niên sống ở 3 cộng đồng dân tộc gần đó và gia nhập thành phần quân đội Albania.
Điều thú vị: chỉ huy đội 8B của Mỹ nói tiếng Nga rất giỏi, vì từng tốt nghiệp Viện Ngoại ngữ quân sự Lầu Năm góc - Defense Language Institute, chuyên đào tạo những phiên dịch viên quân sự trong trường hợp nổ ra chiến tranh với các kẻ thù.
Ông Jakonia viết rằng, đặc nhiệm Nga và Mỹ là "những kẻ thích cá cược", nhưng họ rất quý nhau. Ngoài ra, trong các cuộc nói chuyện mọi người phát hiện ra rằng họ có cùng những vấn đề liên quan tới cuộc sống và công việc.
Một lần, những người Mỹ tới phòng tắm kiểu Nga và định thử xem ai người chịu được nhiệt độ cao nhất. Sau khi tắm hơi xong, các lính đặc nhiệm đã uống nhiều rượu và nói chuyện phiếm về chiến tranh nguyên tử.
Lính dù Nga ở Kosovo, Nam Tư năm 1999.
Ông Jakonia hồi tưởng lại rằng, các lính đặc nhiệm 8B cho rằng Liên Xô không thể tấn công Mỹ bằng vũ khí nguyên tử, rằng "đó là điều không nghiêm túc", khi đó một lính dù Nga thừa nhận rằng "anh ta tin vào một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu của Mỹ".
"Quy mô của sự cảm thông mà chúng tôi thiết lập được với những người Nga là không tưởng, chúng tôi lúc nào cũng trao đổi với nhau các câu chuyện một cách rất thẳng thắn", hạ sĩ Mỹ nhấn mạnh trong cuốn hồi ký của mình.
Vô tình hay không, nhưng vài ngày sau lần đi tắm hơi, một binh lính Nga bị xạ thủ Albania bắn hạ. Những lính dù và "mũ nồi xanh" đã quyết định tổ chức đội tuần tra biên giới chung và thực hiện các cuộc tuần tra những tuyến đường huyện lị.
"Những người Nga đã tìm thấy một thanh niên Albania 25 tuổi với một đống đạn dược và áp giải về trại đóng quân. Trong vòng một giờ, họ đã biết được vị trí chính xác của trại lính UÇPMB với khoảng gần 80 người. Khí thế trong tôi hừng hực khi chỉ huy nói rằng đã đến lúc hành động", ông Jakonia viết.
Trong cuộc nói chuyện giữa các sĩ quan Nga và Mỹ đã quyết định "xử lý" trại phiến quân. Một đội chung đã vượt rừng bạch dương và có mặt ngay trước cánh cổng với dòng chữ "STOP.UÇPM".
Một lính gác đeo súng AK-47, khi nhìn thấy các lính đặc nhiệm của hai cường quốc hạt nhân đi chung với nhau, đã phát hoảng tới mức không thể mở báo động. Các lính dù Nga đã bàn giao tên lính canh cho "Mũ nồi xanh" và nói rằng "từ giờ chỉ có họ xông vào trong".
Còn các lính đặc nhiệm Mỹ chiếm những vị trí trong rừng để đề phòng trường hợp các phiến quân Albania cố gắng thoát thân.
Ngay sau đó, nhiều tiếng thét bằng tiếng Albania và âm thanh của cuộc độ súng khốc liệt vang lên.
"Toàn bộ cơ thể tôi căng lên, và tôi nghiến răng mạnh tới mức hàm gần rơi ra… Nỗ sợ hãi bị bắn chiếm lấy tôi. Nhưng ngay lập tức sau đó là sự thù hận, khi tôi nhớ đến cậu lính Nga bị bắn chết", tác giả cuốn "One Green Beret" đã mô tả trạng thái của mình như thế.
Mark Jakonia là người điều khiển súng phóng lựu tự động Mk 19 lắp đặt trên xe thiết giáp. Khi ông nhìn thấy những người Albania bỏ chạy với những khẩu súng tiêu liên trong tay thì bắn đuổi theo bằng một loạt đạn 40mm từ súng phóng lựu liên thanh.
Khoảng gần 1 phút sau thì chỉ huy ra lệnh ngừng bắn. "Khu rừng trước mặt tôi đầy khói, và các cành cây vẫn tiếp tục rơi lả tả", hạ sĩ nhớ lại.
Khi quan sát hệ quả của loạt lựu đạn do mình bắn ra, Jakonia đã lo lắng rằng có thể giết chết các lính dù, nhưng những người Nga thừa nhận rằng loạt lựu đạn này là sự trợ giúp rất lớn để họ tiêu diệt sạch đập tan phiến quân.
Khi áp giải các tù binh người Albania, họ đã nhìn những người Mỹ với sự trách móc, sau đó Jakonia bất ngờ thấy có lỗi với họ. Đó là trận chiến thực sự đầu tiên diễn ra chóng vánh của hạ sĩ đặc nhiệm Mỹ.
Lính bắn tỉa Mỹ. Ảnh minh họa.
Vẫn còn một góc nhìn khác
Cựu lính đặc nhiệm – xạ thủ Mỹ Jack Murphy, tác giả của cuốn sách về các cuộc chiến tranh hiện đại "Những nguyên tắc của Murphy", lại nhìn chiến dịch này với con mắt hoàn toàn khác.
Ông ta, khi đánh giá cuộc tấn công của các lính dù Nga nhằm vào trại phiến quân UÇPMB, kêu gọi người Mỹ không nên anh hùng hoá các lính đặc nhiệm Nga.
"Họ đã bắt những người nổi dậy Albania, những người may mắn còn sống trong 'trận nồi da nấu thịt', còn trại của UCPMB đã bị xoá sổ vĩnh viễn", Jack Murphy viết và viện dẫn lời của hạ sĩ Jakonia rằng, các binh lính Nga bắn súng rất tốt, quan tâm tới vũ khí và quân trang của mình, luôn luôn trong trạng thái thể lực tuyệt vời và rất có kỷ luật.
Nhưng điều quan trọng, những người lính Nga có linh cảm tốt, rất hữu ích trong chiến đấu.
Tuy nhiên, Murphy gọi các lính dù của Nga là những chiến sĩ tốt nhưng với "tinh thần kém", không xứng đáng nhận được sự tôn trọng của "Mũ nồi xanh", trong đó có cả chỉ huy của đội 8B, và thậm chí còn tận dụng sức mạnh vũ khí của Mỹ nhằm mục đích trả thù riêng.