Khoảng 10% thủ khoa vào làm việc
Hà Nội tổ chức tuyên dương 88 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp năm 2018. Đây là năm thứ 16 liên tiếp, TP.Hà Nội tổ chức tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn.
Cùng với việc tuyên dương, Hà Nội “trải thảm đỏ” thu hút thủ khoa xuất sắc về làm việc tại các cơ quan của thành phố đang có nhu cầu tuyển dụng.
Thủ khoa sẽ được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển; được hưởng hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận.
Sau 2 năm công tác kể từ thời điểm có quyết định tuyển dụng, được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, được thành phố hỗ trợ kinh phí.
Bà Chu Hồng Minh - Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hội Sinh viên TP.Hà Nội - thông tin, qua 16 năm tổ chức, Hà Nội đã tuyên dương 1.705 thủ khoa.
Theo báo cáo năm 2017 của Sở Nội vụ Hà Nội, đã có 186 thủ khoa xuất sắc được tuyển dụng về làm việc tại các cơ quan của TP.Hà Nội. Hiện còn 156/186 người hiện đang còn công tác.
Các thủ khoa không còn công tác của các cơ quan thành phố phần lớn là đi du học, học nghiên cứu sinh, chuyển công tác tại các bộ, ban ngành của Trung ương.
Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến ít thủ khoa vào làm việc tại các cơ quan nhà nước là do có rất nhiều người đã được giữ lại trường giảng dạy, thủ khoa khối ngành lực lượng vũ trang đều được giữ lại phục vụ ngành.
Một yếu tố nữa ảnh hưởng tới con số này là do tỉ lệ thủ khoa có chuyên ngành phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan cũng không nhiều, chỉ tiêu tuyển dụng cũng hạn chế.
“Không phải lúc nào nhu cầu trọng dụng nhân tài của Hà Nội và nhu cầu công tác của các bạn cũng gặp nhau ở một điểm” - bà Minh bày tỏ.
“Thảm đỏ” trải nhưng có đi được?
Nói về chính sách tuyển thẳng của TP.Hà Nội, Quỳnh Anh (một trong những thủ khoa xuất sắc ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) cho rằng đây là một chính sách rất hay nhằm thu hút nhân tài, đặc biệt là các học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội được làm việc tại thủ đô, là động lực để mọi người cố gắng học tập, đặc biệt là những bạn thích làm việc là công chức nhà nước.
Tuy vậy, không phải thời điểm nào cũng có các chỉ tiêu các ngành để sinh viên tốt nghiệp có được các công việc phù hợp với ngành nghề đào tạo.
“Có những ngành, lĩnh vực nghề năm nay không có chỉ tiêu nên các sinh viên xuất sắc ra trường thường không chờ đợi được nên lại đi làm việc cho các đơn vị khác phù hợp hơn.
Được biết, năm nay chưa có chỉ tiêu ngành học Sơn mài của mình nên em cũng đang có những dự định công việc khác cho mình” - Quỳnh Anh nói.
Chị Nguyễn Linh - một trong 98 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp năm 2015 bày tỏ: “Thời điểm Hà Nội vinh danh thủ khoa và đề xuất tuyển dụng thì tôi đã được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan khác.
Hầu hết các bạn có thành tích học tập tốt đã được “săn đón” từ trước khi tốt nghiệp nên rất ít bạn “chờ” đợt xét tuyển của TP.Hà Nội”.
Chị Linh cũng thẳng thắn chỉ rõ thủ khoa khi ra trường có 4 hướng để lựa chọn. Hướng thứ nhất được giữ lại trường để làm giảng viên, thứ hai là đi du học ở nước ngoài, thứ ba là làm việc tại các DN, tập đoàn trong nước và nước ngoài và thứ tư là các cơ quan, đơn vị nhà nước.
Với nhiều thủ khoa, tại thời điểm tốt nghiệp, đa phần sẽ chọn những công việc đúng với chuyên ngành được đào tạo, phát huy năng lực của bản thân và con đường phát triển nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, những yếu tố khác như về phúc lợi, lương thưởng, cơ hội học tập và môi trường làm việc... cũng là một trong nhiều yếu tố thu hút các thủ khoa khi lựa chọn nơi làm việc.
“Chính sách đãi ngộ nhân tài mới của Hà Nội rất hấp dẫn, do đó, về lâu về dài, sau một thời gian va vấp từ môi trường bên ngoài và có đủ kinh nghiệm làm việc, chắc hẳn các thủ khoa đều mong muốn được cống hiến tại các cơ quan nhà nước nếu có cơ hội.
Tuy nhiên, trước mắt, sẽ có rất ít thủ khoa lựa chọn con đường này” - Linh bộc bạch.
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT - khẳng định: Đây là một chính sách rất tốt nhằm thu hút các tài năng trẻ phục vụ thủ đô.
Tuy nhiên để thực sự chính sách là cái “cần câu” thu hút được nhân tài thì cũng cần thêm những cơ chế tạo điều kiện làm việc, đặc biệt là mức thu nhập tương xứng để các em có thể cống hiến tài năng, trí tuệ của mình.
Mặt khác, theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, không phải chuyên ngành nào cũng có những vị trí tuyển dụng phù hợp với công việc chuyên môn, chuyên ngành được đào tạo nên có những thủ khoa xuất sắc vẫn phải tìm cho mình các công việc ở các đơn vị khác bên ngoài.