Đại diện Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết đơn vị đang phối hợp với các bên liên quan làm các thủ tục để trả lại tiền cọc cho ông Nguyễn Thanh Tùng (trú tại xã Tiến Thịnh , huyện Mê Linh).
Trước đó, tại phiên đấu giá đất cuối cùng của năm 2023 ở huyện Mê Linh, ông Nguyễn Thanh Tùng đã trả 4,28 tỷ đồng/m2, cao hơn 142 lần giá khởi điểm cho thửa đất 102m2 tại xã Tiến Thịnh.
Ông Tùng cho biết đây là lần đầu đi đấu giá quyền sử dụng đất nên "tâm lý hơi căng thẳng và cuống nên ghi nhầm". Ông này đã làm đơn đề nghị UBND huyện xem xét trả cọc thửa đất do nhầm lẫn khi trả giá. "Tôi tính hơn 4,28 tỷ đồng cho cả thửa đất chứ không nghĩ quy định cuộc đấu giá là tính trên m2 nên thành ra nhầm lẫn", ông Tùng nói.
Ngay sau đó, theo chỉ đạo của UBND huyện, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Mê Linh đã làm việc với người trúng đấu giá đất để xác minh nội dung trong đơn, qua đó thấy người này có nhân thân tốt, là lao động tự do, không phải đi đầu cơ đất mà đấu giá thửa đất trên để ở. Số tiền đặt cọc quá lớn (612 triệu đồng) nên ông Tùng không thể có hành vi cố ý để mất nó. Ở đây không có dấu hiệu cố tình trả giá cao rồi bỏ cọc nhằm nâng giá đất nền khu vực để trục lợi.
Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh nhận định, đã có sai sót trên phiếu trả giá. Ông Đỉnh nói sai sót này rất căn bản, không đáng có khiến cho người tham gia đấu giá bị nhầm lẫn.
Qua nghiên cứu hồ sơ mời tham gia đấu giá được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử huyện Mê Linh, ông Đỉnh phân tích lý do dẫn đến sự nhầm lẫn của người tham gia đấu giá là mẫu phiếu trả giá ghi: "Tôi xin trả giá cho thửa đất có ký hiệu… đã đăng ký đấu giá là: Số tiền: … (bằng số) đồng/m2; Bằng chữ: … đồng", ông Đỉnh dẫn chứng.
Như vậy, theo ông Đỉnh, ở đây đã có sai sót trên phiếu trả giá, có sự không thống nhất về đơn vị: Số tiền bằng số là đồng/m2; bằng chữ là đồng (lẽ ra số tiền bằng chữ cũng phải là đồng/m2).