Hà Nội thay đổi thế nào sau 4 lần giãn cách xã hội?

Duy Phạm |

Sau 4 đợt giãn cách xã hội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, từ 6h ngày 21/9, thành phố bỏ nguyên tắc phân vùng chống dịch đồng thời người dân di chuyển trên địa bàn thành phố không cần giấy đi đường...

Hà Nội thay đổi thế nào sau 4 lần giãn cách xã hội? - Ảnh 1.

Từ giãn cách toàn thành phố đến bỏ phân vùng: 6h sáng 24/7, UBND TP Hà Nội quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố để phòng chống dịch COVID-19. Hà Nội bước vào những ngày đầu giãn cách, phố phường, đường xã vắng vẻ, ít người đi lại, các khu công cộng, nơi tụ tập đều được giăng dây phong tỏa.

Hà Nội thay đổi thế nào sau 4 lần giãn cách xã hội? - Ảnh 2.

Từ ngày 1/8, tại nhiều khu vực bắt đầu thiết lập "vùng xanh" - vùng an toàn không có dịch tại các ngõ xóm, khu dân cư do tổ tự quản an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại đầu ngõ xóm, thôn trực tiếp giám sát, quản lý theo mô hình “3 lớp”, “4 tại chỗ”.

Hà Nội thay đổi thế nào sau 4 lần giãn cách xã hội? - Ảnh 3.

Sau 3 tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 Thủ tướng Chính Phủ, từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9, thành phố thực hiện phân theo 3 vùng. Theo đó vùng 1 là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện gồm: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai; một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện gồm: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào, ở vùng đó” để khoanh vùng, xử lý, dập dịch triệt để tại khu vực “vùng đỏ” và “vùng cam".

Hà Nội thay đổi thế nào sau 4 lần giãn cách xã hội? - Ảnh 4.

Để phòng, chống dịch COVID-19, Sở Xây dựng đã phối hợp với các địa phương hoàn thành việc lắp đặt chốt cứng tại 30 điểm cầu trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những ngày cuối đợt giãn cách thứ 3 nhằm hạn chế đi lại giữa hai vùng "xanh, đỏ" phòng dịch COVID-19 trong đợt giãn cách thứ tư.

Hà Nội thay đổi thế nào sau 4 lần giãn cách xã hội? - Ảnh 5.

Tuy nhiên nhiều người dân lại tìm cách vượt rào, đi lại giữa "vùng xanh" và "vùng đỏ" để trao đổi mua bán thực phẩm, hàng hóa bất chấp quy định phòng chống dịch.

Hà Nội thay đổi thế nào sau 4 lần giãn cách xã hội? - Ảnh 6.

Từ 12 giờ ngày 16/9, với các địa bàn quận, huyện tại Hà Nội chưa ghi nhận ca nhiễm cộng đồng (từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9 của Chủ tịch UBND thành phố, hiệu lực từ 6/9), được phép hoạt động trở lại: cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập. Cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, có 19 quận, huyện không ghi nhận ca mắc COVID-19 ở cộng đồng, gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hoà, Tây Hồ.

Hà Nội thay đổi thế nào sau 4 lần giãn cách xã hội? - Ảnh 7.

Chiều 20/9, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thành phố bỏ nguyên tắc phân vùng chống dịch từ ngày 6h ngày 21/9. Hà Nội sẽ có các biện pháp nới lỏng một số hoạt động, trên cơ sở ưu tiên hàng đầu vẫn phải đảm bảo an toàn cho sức khoẻ nhân dân, giữ an toàn cho Thủ đô vì dịch bệnh tại một số địa phương trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp.

Hà Nội thay đổi thế nào sau 4 lần giãn cách xã hội? - Ảnh 8.

Bốn lần điều chỉnh đến bỏ quy định giấy đi đường: Ngày 27/7, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã giao thành phố thống nhất mẫu giấy tờ, quy trình kiểm soát việc di chuyển của lực lượng công vụ, y tế, công nhân, lao động hiện đang sinh sống tại các khu vực ven thành phố, rút ngắn thời gian khai báo để di chuyển vào thành phố làm việc.

Hà Nội thay đổi thế nào sau 4 lần giãn cách xã hội? - Ảnh 9.

Ngày 9/8, Hà Nội tiếp tục siết chặt việc kiểm soát người ra đường. Ngoài giấy đi đường và giấy tờ tùy thân, người dân phải có thêm giấy phân công nhiệm vụ, lịch, ca trực của đơn vị. Nhiều chốt kiểm soát tại nội đô trở nên ùn ứ các phương tiện dừng chờ kiểm tra. Tuy nhiên đến ngày 10/8, Hà Nội lại ra văn bản điều chỉnh tránh gây phức tạp trong công việc kiểm tra giấy tờ đi đường của người dân.

Hà Nội thay đổi thế nào sau 4 lần giãn cách xã hội? - Ảnh 10.

Trong thời gian giãn cách xã hội, tại điểm chốt kiểm soát kiểm tra lý do ra đường xuất hiện nhiều "quái xế" tăng ga bỏ chạy, quay đầu khi gặp lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe.

Hà Nội thay đổi thế nào sau 4 lần giãn cách xã hội? - Ảnh 11.

Chiều 3/9, Hà Nội bắt đầu cấp giấy đi đường mới có nhận diện QR Code. Công an Hà Nội cho biết, có 6 nhóm đối tượng dự kiến được cấp giấy đi đường. Tùy theo phân nhóm, thẩm quyền cấp giấy đi đường thuộc công an thành phố; công an phường, xã, thị trấn. Ngày 5/9, Công an Hà Nội ra văn bản hướng dẫn, phân cấp cụ thể về thẩm quyền cấp giấy đi đường, điều chỉnh lại so với dự kiến ban đầu. Trong đó, nhóm các cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nhà nước… thẩm quyền cấp giấy đi đường được điều chỉnh như cũ, do Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp. Tối 5/9, Hà Nội ra thông báo trong 2 ngày 6 và 7/9, các lực lượng chức năng chưa xử phạt nếu người đi đường không có giấy đi đường theo quy định mới. Tới chiều tối 7/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, xem xét hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một. Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.

Hà Nội thay đổi thế nào sau 4 lần giãn cách xã hội? - Ảnh 12.

Để kiểm soát việc ra vào "vùng đỏ", lực lượng chức năng đã thiết lập rào chắn tại các đường dẫn lên cầu Chương Dương, nối trung tâm quận Hoàn Kiếm và quận Long Biên tại hai lối đi chính trên đường Trần Nhật Duật để giám sát việc sử dụng giấy đi đường, xử lý nghiêm trường hợp ra đường không có lý do, vi phạm giãn cách xã hội. Tuy nhiên, để né tránh, rất nhiều phương tiện chọn cách đi ngược chiều đường xuống theo hướng từ bên quận Long Biên về quận Hoàn Kiếm để tránh bị lực lượng chức năng kiểm soát.

Hà Nội thay đổi thế nào sau 4 lần giãn cách xã hội? - Ảnh 13.

Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, kể từ sau 6h sáng 21/9, thành phố sẽ không áp dụng phân vùng và không áp dụng cấp giấy đi đường cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn thành phố. Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát di biến động của người dân.

Hà Nội thay đổi thế nào sau 4 lần giãn cách xã hội? - Ảnh 14.

Đồng thời sẽ tiếp tục duy trì 22 chốt cửa ngõ thành phố, 33 chốt ở các đường ngang lối mở, đảm bảo kiểm soát được người, phương tiện ra vào Thủ đô, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào thành phố.

Hà Nội thay đổi thế nào sau 4 lần giãn cách xã hội? - Ảnh 15.

Chủ động, an toàn với COVID-19: Chiều 20/9, trao đổi tại hội nghị thông tin báo chí về công tác phòng chống COVID-19, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, sau ngày 21/9, việc nới lỏng một số hoạt động vẫn phải đảm bảo công tác phòng chống dịch, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, đời sống người dân. “Với dịch bệnh, Hà Nội xác định không thể nói trước được điều gì, vì thành phố vẫn còn nguy cơ. Hiện thành phố vẫn còn F0 ngoài cộng đồng, do xét nghiệm 2 - 3 ngày/lần phát hiện ra. Chúng ta phải chung sống một cách chủ động, an toàn với COVID-19”, ông Phong nói.

Hà Nội thay đổi thế nào sau 4 lần giãn cách xã hội? - Ảnh 16.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, nguy cơ với Hà Nội phải đặt chung trong bối cảnh với các địa phương khác, nguồn bệnh lây từ bên ngoài vào vẫn rất cao. Chỉ thị mới do UBND thành phố ban hành sẽ cho 2 tuần tiếp theo, nhưng căn cứ vào thực tiễn thành phố có thể sẽ điều chỉnh linh hoạt. “Một nguy cơ mà chúng tôi đánh giá sẽ rất khó khăn là tinh thần, tư tưởng chủ quan của người dân, như lò xo bị nén suốt mấy tháng nay, khi mở ra rất dễ quá đà trong khi nguy cơ vẫn rất cao. Kết quả chống dịch có bền vững hay không phụ thuộc vào ý thức chấp hành của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn”, ông Phong nói.

Hà Nội thay đổi thế nào sau 4 lần giãn cách xã hội? - Ảnh 17.

Theo đó, hiện Hà Nội đã tiêm được 94,2% mũi 1 với người trên 18 tuổi, nhưng trạng thái thành phố vẫn chưa thể về “bình thường mới”, vì mũi 2 mới đạt tỷ lệ 12%. Trong khi Bộ Y tế quy định, muốn trở về “bình thường mới”, phải trên 70% mũi 1 và trên 20% mũi 2. Ông Phong cho biết, trên cơ sở lượng vắc xin phân bổ của Bộ Y tế, thành phố phấn đấu tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người dân thành phố theo kế hoạch. "Phấn đấu phủ mũi 2 cho toàn dân vào nửa đầu tháng 11. Trên cơ sở đó tính toán cho các cháu quay trở lại học tập", ông Phong nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại