Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” được UNESCO trao cho Hà Nội ngày 16.7.1999, tại La Paz, Thủ đô của Bolivia. Vinh dự hơn, Hà Nội là thành phố duy nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đón nhận danh hiệu này.
Sau 2 thập kỷ với nhiều đổi thay, đến nay, Thủ đô Hà Nội đã và đang phấn đấu không ngừng, tiếp tục xây dựng, phát triển để phát huy giá trị của danh hiệu này.
Trao đổi với PV, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Michael Croft cho biết, được vinh danh “Thành phố vì hòa bình” là nhờ vào những đóng góp tích cực của Thủ đô trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, cũng như trong sự nghiệp phát triển, xây dựng thành phố.
Hà Nội được trang hoàng cho sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều. Ảnh Trần Vương.
Những đóng góp ấy phù hợp với những tiêu chí do UNESCO đề ra về bình đẳng trong cộng đồng, xây dựng đô thị, giữ gìn môi trường sống, thúc đẩy phát triển văn hóa giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ.
Đại diện UNESCO cho rằng, 20 năm trước, dân số Hà Nội đã ở mức 2,5 triệu người. Hiện nay, dân số tăng gấp 3 lần với mức tăng trưởng trung bình 200.000 người/năm.
Vì vậy, thành phố đã phải đối mặt với những thách thức của quá trình đô thị hóa như cung cấp dịch vụ xã hội, quản lý chất thải,....
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn đang ưu tiên chất lượng cuộc sống cho người dân và thực hiện các chính sách cụ thể để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đất nước.
Chia sẻ về kết quả ấn tượng nhất mà Hà Nội đã làm được trong 20 năm qua, ông Michael Croft đánh giá: “Tôi cho rằng, kết quả ấn tượng nhất đối với “Thành phố vì hòa bình” là sự thân thiện, hiếu khách của người dân đối với du khách thập phương.
Được đi dạo trên đường phố là một niềm vui, với rất nhiều điểm tham quan hấp dẫn, trải nghiệm nét đẹp văn hóa, nghệ thuật. Điều đó đúng, nhưng điều này phải được đặt trong bối cảnh văn hóa hòa bình sẽ là một điều rất đặc biệt”.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 diễn ra vào đúng dịp kỉ niệm 20 năm Hà Nội nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình".
Đây là cơ hội để Hà Nội quảng bá hình ảnh một Thủ đô yêu chuộng hòa bình, thân thiện, có nền văn hiến lâu đời và nhiều tiềm năng để hợp tác phát triển.
Ông Michael Croft cho rằng, liên quan đến sự kiện này, những người ưa chuộng hòa bình đều rất hài lòng khi hai nước đang tham gia vào một cuộc đối thoại, vượt qua sự khác biệt của họ thông qua đàm phán.
"Chúng ta đều biết rằng Việt Nam có khả năng tổ chức một sự kiện lớn như vậy. Lý do khiến Hà Nội trở thành sự lựa chọn của sự kiện lớn này bởi đất nước Việt Nam đại diện cho hòa bình, thân thiện và an toàn tuyệt đối cho người dân và mọi người đến thăm”, ông Michael Croft nói.
Đại diện UNESCO đánh giá, Hà Nội từ thành phố vì hòa bình hướng đến thủ đô sáng tạo. Bên cạnh bảo tồn nét đẹp văn hóa, thành phố tập trung phát triển kinh tế bền vững.
Chúng tôi tin rằng đây là cách để thành phố duy trì sự tăng trưởng, thu hút nhân tài cho thành phố, cung cấp việc làm cho thanh niên…".