Cả trẻ em và người lớn quay cuồng vì SXH
Chỉ trong vòng 1 tuần qua số lượng bệnh nhân mắc SXH ở Hà Nội tăng nhanh kỷ lục với 2.300 trường hợp đưa tổng số bệnh nhân mắc SXH tại địa phương này lên tới gần 9.000 trường hợp với 4 người tử vong.
BV Thanh Nhàn – nơi tiếp nhận rất đông các bệnh nhân ở hai điểm nóng SXH đó là quận Hoàng Mai và quận Hai Bà Trưng mỗi ngày có đến 300 bệnh nhân đến khám mỗi ngày vì SXH. Hiện BV cũng đang điều trị nội trú cho khoảng 500 bệnh nhân mắc SXH.
Do số lượng bệnh nhân nhập viện quá đông, các khoa, phòng của BV đã phải tập trung mọi nguồn lực cũng như kê thêm số giường bệnh, dành riêng một khu khám và điều trị để thu dung bệnh nhân SXH.
Bệnh nhân điều trị SXH tại BV Thanh Nhàn.
Rất nhiều học sinh, sinh viên đến khám SXH tại Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai.
Tại khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, TS.BS Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 bệnh nhân đến khám vì SXH. Riêng trong ngày cuối tuần vừa qua lên đến 200 người (29/7), chủ yếu là học sinh sinh viên, người lao động và cả bà bầu.
Cá biệt có những gia đình cả hai vợ chồng, ông bà đều mắc SXH. Do quá đông bệnh nhân SXH, các bác sĩ đã tư vấn rất cặn kẽ cho những trường hợp nhẹ theo dõi và điều trị tại nhà, đồng thời hẹn lịch tái khám.
Không chỉ ở người lớn, tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai, ThS.BS Nguyễn Thành Nam - Phụ trách Khoa Nhi cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 50 bệnh nhi đến khám vì SXH, và có từ 2-5 trẻ phải nhập viện điều trị vì căn bệnh này. Ngày hôm qua 3/8, khoa Nhi tiếp nhận một trẻ 13 tuổi tràn dịch màng phổi vì SXH.
Tương tự, tại Khoa Nội Nhi tổng hợp, BV E Trung ương, TS.BS Lương Thị Thu Hiền – Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp cho biết, cao điểm có những ngày 6 bệnh nhi mắc SXH trong đêm. Hiện tại khoa Nhi có 18/42 bệnh nhi đang điều trị SXH.
Trong đó, có một bệnh nhân nhi (7 tuổi, ở Đồng Xa, Cầu Giấy, Hà Nội) mắc SXH nặng có biểu hiện sốc kèm theo tiểu cầu và bạch cầu đều giảm thấp, huyết áp dao động. Các bác sĩ phải điều trị tích cực, chống sốc cho bệnh nhi.
Tuy nhiên, khi bệnh nhi qua cơn nguy kịch thì xuất hiện thoát huyết tương gây ra tràn dịch màng bụng và đa màng. Các bác sĩ ở khoa Nhi căng mình ra túc trực bên bệnh nhi theo dõi sát sao 24/24h, áp dụng các biện pháp chống sốc đặc biệt. Đến ngày thứ 8, bệnh nhi mới có dấu hiệu phục hồi, ăn, ngủ được và cắt sốt, tràn dịch màng bụng giảm, các chỉ số sinh hóa dần về bình thường.
Bác sĩ khám cho trẻ tại Khoa Nội Nhi tổng hợp, BV E Trung ương.
Tự điều trị khiến bệnh nặng thêm
Theo các bác sĩ, một sai lầm hay gặp ở bệnh nhân SXH là nhiều người tự ý điều trị, chỉ đến khi người mệt li bì mới vào viện thì bệnh đã trở nặng.
Trường hợp bệnh nhân Tạ Quang B (Hoàng Mai, Hà Nội) đang điều trị tại BV Thanh Nhàn là một ví dụ điển hình. Các bác sĩ cho biết, anh B. tự uống kháng sinh và hạ sốt tại nhà và đã phải nhập viện cấp cứu với biểu hiện hiện xuất huyết chân răng, men gan cao bất thường, tiểu cầu giảm…
TS.BS Đỗ Duy Cường cho biết, thời gian qua, các bác sĩ đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân SXH nhập viện trong tình trạng nặng, có những ca bệnh trong tình trạng suy thận và tổn thương gan do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ những sai lầm trong điều trị căn bệnh này như: Tự ý sử dụng thuốc hạ sốt và hạ sốt dồn dập; Hạ sốt bằng aspirin và ibuprofen gây tình trạng chảy máu trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng; Truyền dịch tại nhà có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp; Dùng kháng sinh trị SXH…
Theo ThS.BS Nguyễn Trung Cấp - BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, việc tự ý truyền dịch rất nguy hiểm, bệnh nhân chỉ truyền dịch khi có chỉ định của bác sĩ và phải đến cơ sở y tế tiến hành truyền.
“Sau giai đoạn thoát dịch ở bệnh nhân SXH là giai đoạn tái hấp thu trở lại nên việc truyền dịch cần đảm bảo đúng liều lượng và hết sức thận trọng, nếu không dễ dẫn đến biến chứng suy tim, phù phổi cấp...”.
Rất đông bệnh nhân đến khám tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương sáng 4/8.
Ở trẻ nhỏ, theo các bác sĩ Nhi, BV Bạch Mai, có một số trường hợp do cha mẹ quá lo lắng đã hạ sốt dồn dập cho trẻ bằng paracetamol, rồi lại tiếp tục hạ sốt bằng inbuprofen khiến trẻ phải nhập viện cấp cứu. Lại có những trường hợp cha mẹ quá chủ quan để con sốt đến 3-4 ngày mới cho đi khám thì bệnh SXH đã vào giai đoạn nặng, bệnh nhân giảm tiểu cầu, chảy máu mũi và chảy máu chân răng…
Theo TS. Lương Thị Thu Hiền, bệnh SXH sẽ nguy hiểm trên cơ địa là trẻ em do hệ miễn dịch kém. Vì vậy các bậc phụ huynh phải theo dõi sát sao con em mình khi có dấu hiệu tăng nhiệt độ cơ thể để nhận biết đúng bệnh và điều trị kịp thời. Khi trẻ mắc SXH nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong.
Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ mỗi người dân cần thực hiện những hành động đơn giản nhưng rất thiết thực và quan trọng để phòng chống bệnh SXH, cụ thể như sau:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá ...
3. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
4. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
5. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.