Điều này đồng nghĩa với việc 10% các hộ dân ở Thủ đô tiếp tay cho "giặc muỗi" sốt xuất huyết.
10% hộ dân không hợp tác
Phát biểu tại buổi họp giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức vào chiều 5/9, ông Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh của các cấp ngành, sự chủ động phòng ngừa trong nhân dân.
Điều này khiến tình hình dịch bệnh trong tuần qua có chiều hướng chững lại tuy nhiên, ông Phong cho rằng dịch vẫn có những diễn biến phức tạp, bởi theo báo cáo của Sở Y tế thì thời điểm này vẫn chưa là đỉnh dịch, trong khi đó diễn biến thời tiết còn hết sức phức tạp cộng với việc Thủ đô có tới 1,8 triệu học sinh các cấp với hơn 1 triệu học sinh cao đẳng, ĐH chính thức bước vào năm học từ ngày hôm nay.
Theo ông Phong, chỉ 10- 15% sinh viên được ở ký túc xá, còn lại đi ở trọ do điều kiện khó khăn nên ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, nguy cơ dịch bệnh cao.
“Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho biết, còn 10% hộ gia đình đóng cửa không hợp tác với việc phun thuốc muỗi. Đến nay chưa có địa bàn nào phun phủ 100%; chỉ 35% số hộ đồng ý phun ở tầng 1 chứ không cho phun ở tầng trên.
Yếu tố nhận thức cộng với thời tiết sẽ có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Vấn đề là cần phủ 100% phun hoá chất, cần chiến đấu với dịch SXH, những nơi không cho phun hoặc phun không triệt để, kiểm tra bọ gậy không triệt để là nơi trú ngụ của “giặc muỗi” – ông Phong nhấn mạnh.
Vì thế, trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy mong muốn các cơ quan báo chí của Hà Nội cũng như Trung ương tập trung tuyên truyền thực trạng này, tạo nên dư luận xã hội phê phán, làm thay đổi nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa nhận thức rõ, chưa thấy ý thức của mình.
“Dịch không chừa một ai, thế nhưng có nhà có bệnh nhân mắc rồi vẫn không đồng ý cho phun hết các phòng”- ông Phong chia sẻ.
Xuất hiện cán bộ dịch tễ “rởm” đến phun muỗi thu tiền
Cũng tại buổi họp giao ban một loạt vấn đề khác được báo giới đề cập đến đó là chất lượng thuốc, xuất hiện cán bộ dịch tễ “rởm”…
Theo đó, ở một số nơi hiện nay xuất hiện một số đối tượng giả danh cán bộ dịch tễ và nhân viên y tế đến từng nhà gạ phun thuốc diệt mỗi thu tiền.
Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản gửi đến UBND xã, phường phải thường xuyên tuyên truyền tới người dân, nếu có những trường hợp như vậy thì phải hỏi rất kĩ để kịp thời xử lý.
Giải thích vấn đề này, ông Hạnh cho biết, hiện nay đã có thông tin phản ánh hoặc gõ trên google có rất nhiều địa chỉ phun hoá chất diệt muỗi. Những khu có dịch, theo chỉ định và do y tế phối hợp với xã, phường để phun hoá chất và hoàn toàn miễn phí, không hề có thu tiền.
Bên cạnh đó, một số nơi không phải chỉ định của y tế nhưng người dân có nhu cầu phun thuốc diệt muỗi và những công ty có đủ tư cách pháp nhân đủ điều kiện vẫn được phép phun thuốc diệt muỗi.
“Tuy nhiên ở một số nơi xuất hiện những đối tượng giả danh cán bộ dịch tễ, giả danh cán bộ y tế đến từng nhà gạ người dân phun thuốc diệt muỗi thu tiền.
Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản gửi đến UBND xã, phường phải thường xuyên tuyên truyền tới người dân nếu có những trường hợp như vậy thì phải hỏi rất kĩ và để chúng tôi kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm”, ông Hạnh nhấn mạnh.
Cùng đó trước thông tin xuất hiện thuốc phun diệt muỗi giả, ông Hạnh khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi phun hoá chất.
Nếu tự mua thì mua ở nơi có địa chỉ, tem nhãn rõ ràng, đảm bảo chất lượng, không mua trôi nổi trên thị trường. Ngành Y tế cũng đề nghị quản lý thị trường, công an vào cuộc phát hiện nơi bán thuốc giả.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần toàn Thành phố ghi nhận 2.605 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), giảm 307 trường hợp so với tuần từ ngày 21/8 đến 27/8, giảm 973 trường hợp so với tuần cao điểm từ ngày 6/8 đến 13/8.
Một số đơn vị có số mắc cao trong tuần là Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Hai Bà Trưng…
Luỹ tích từ ngày 1/1 đến nay toàn TP ghi nhận 24.264 trường hợp, 7 tử vong, trong tuần không ghi nhận trường hợp tử vong do SXH. Số bệnh nhân đã khỏi chiếm 91%; số ổ dịch đã được khống chế qua 14 ngày không xuất hiện thêm bệnh nhân mới…
Dự báo cho thấy, mặc dù số ca mắc trong tuần đã có xu hướng giảm nhưng trước diễn biến thời tiết như hiện nay và thời gian tới sinh viên các trường nhập học thì nguy cơ dịch sốt xuất huyết vẫn có thể diễn biến phức tạp với số mắc gia tăng.