Hà Nội: “Sốc” vì giá gửi xe tăng 300%

Đinh Thịnh |

Mức phí cao nhất với 1 ôtô dưới 9 chỗ gửi qua đêm tới 4 triệu đồng/tháng/xe...

Từ ngày 1/1/2018, Hà Nội đã tăng phí sử dụng lòng đường, hè phố lên mức cao nhất 300% tại nhiều quận nội thành. Điều này kéo theo giá vé gửi xe máy, ôtô cũng tăng gấp nhiều lần khiến người dân bàng hoàng.

Theo UBND thành phố Hà Nội, từ 1/1/2018, phí sử dụng lòng đường hè phố sẽ tăng khoảng 300% trên 12 tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm.

Ngoài ra, các khu vực tính từ trung tâm đến vành đai 3 cũng sẽ được điều chỉnh tăng 200% với các tuyến phố từ vành đai 1 đến đô thị lõi. Từ vành đai 2 đến vành đai 1 và từ vành đai 3 đến vành đai 2 tăng 130%. Giữ nguyên mức phí từ ngoài vành đai 3 đến khu vực ngoại thành.

Riêng đối với các điểm ứng dụng công nghệ trông giữ xe thông minh (iPaking), được đề xuất thu phí theo tỷ lệ 30% doanh thu.

Giá trông ôtô dưới 9 chỗ tại 12 tuyến phố trung tâm quận Hoàn Kiếm như Lý Thái Tổ, Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt... là 60.000 đồng/lượt 2 giờ (trước đây là 30.000 đồng một lượt 2 giờ); 3 triệu đồng/tháng vào ban ngày; 4 triệu đồng/tháng gửi cả ngày và đêm. Các tuyến phố còn lại của quận Hoàn Kiếm có giá 50.000 đồng/lượt 2 giờ; 2 triệu đồng/tháng ban ngày; 3 triệu đồng/tháng ban đêm.

Với các tuyến phố nằm trong vành đai 3 có giá 30.000 - 40.000 đồng/lượt 2 giờ; từ 1,5 triệu -1,8 triệu đồng/tháng.

Riêng khu vực ngoài vành đai 3 chưa tăng giá. "Như vậy, với phương án tăng phí cao nhất gấp 3 lần và thu theo hình thức m2, Sở Giao thông Vận tải dự tính thu cho năm 2018 là 113,4 tỷ đồng", đại diện Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết.

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hiện thành phố đang rất thiếu điểm trông giữ xe, vì vậy, tăng giá trông giữ xe được coi là một giải pháp để giảm phương tiện cá nhân vào trung tâm thành phố, góp phần giảm ùn tắc.

Ông Tuấn cũng khẳng định, việc tăng phí gửi xe cao gấp 3 lần so với trước có thể gặp một số phản ứng nhưng mức giá đã được thành phố quyết định nên không thể điều chỉnh.

Hiện tổng số điểm trông giữ xe dưới lòng đường, vỉa hè được Sở Giao thông Vận tải và các quận cấp phép là 653 điểm; số diện tích sử dụng là 124.900m2. Trong đó, có 403 điểm trông xe có thu phí và 250 điểm không thu phí. Số điểm Sở Giao thông Vận tải cấp là 237 điểm (chủ yếu lòng đường), các quận cấp 416 điểm (chủ yếu vỉa hè).

Hiện tại, mức thu phí của các điểm trông giữ xe đang được tính theo 2 hình thức: theo doanh thu (cao nhất là 6% doanh thu/tháng) và theo m2 (cao nhất là 80.000 đồng/m2/tháng). Tuy nhiên, bên cạnh các bãi xe được cấp chính thức cũng có không ít bãi xe tự phát, ngoài luồng cũng vô tư tăng giá.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, việc Hà Nội đồng ý phương án tăng phí sử dụng lòng đường, vỉa hè tăng lên gấp 3 lần, sau đó tiếp tục áp phí giao thông gấp 3 lần là quá cao và bất hợp lý. Điều này cũng là gánh nặng chi phí cho người sử dụng xe ôtô.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, việc tăng giá dịch vụ trông giữ xe là đúng nhưng phải có lộ trình và mức tăng sao cho phù hợp, tránh tăng phí kiểu gây sốc. Bên cạnh đó, cần có biện pháp quản lý minh bạch, rõ ràng, tránh cá nhân lợi dụng kiếm lời, thất thoát ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.

Theo một khảo sát, một số khu vực tại các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm (nằm ngoài khu vực đường vành đai 3), nhiều bãi xe trở nên đắt khách vì lượng xe từ trong vành đai 3 đổ xô về ký gửi qua đêm. Một số bãi xe tự phát bắt đầu nở rộ, tăng giá thu phí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại