Hà Nội sẽ xây dựng thành phố thông minh bằng chính nguồn lực từ các doanh nghiệp thủ đô

Tùng Linh |

Để xây dựng thành phố thông minh, các chuyên gia đều cho rằng cần có sự kết hợp của nền tảng công nghệ, con người và nguồn lực tài chính.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực và thế giới. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2017, Việt Nam có 813 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,5%.

Thủ đô Hà Nội hiện được coi là một siêu đô thị về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến nhiều vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường...

Nhu cầu xây dựng một Thành phố thông minh đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân đang ngày một trở nên cấp thiết. Những ứng dụng công nghệ mới, chủ chốt của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu giúp đáp ứng nhu cầu này.

Theo Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung: “Hà Nội đã ban hành Kế hoạch với mục tiêu xây dựng Thành phố thông minh, triển khai các thành phần cơ bản được ưu tiên xây dựng là Trung tâm điều hành thông minh”.

Tuy nhiên để xây dựng thành phố thông minh cần nhiều yếu tố, trong đó có nền tảng công nghệ, con người và cả kinh phí.

Tại sự kiện Hội nghị thượng đỉnh về thành phố thông minh Asocio 2018, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức, đại diện Google cho biết, một số nền tảng để triển khai thành phố thông minh tại Hà Nội đã được triển khai từ nhiều năm trước.

Năm 2010, hàng triệu cảm biển để thu thập thông tin tình trạng giao thông Hà Nội đã được triển khai. Những cảm biến này chính là những người dùng dịch vụ Google Maps. Dịch vụ này thu thập thông tin di chuyển của mọi người dùng một cách ẩn danh, sau đó tổng hợp lại và hình thành dịch vụ thông báo tình trạng giao thông.

Đây là một trong những dịch vụ cần thiết của thành phố thông minh hay đại diện của FPT cũng cho biết đã bước đầu triển khai các dịch vụ hành chính điện tử cho các địa phương. Dịch vụ công điện tử chính là một bước quan trọng của thành phố thông minh, giúp những người dân và doanh nghiệp ở thành phố đó có thể giải quyết các thủ tục nhanh hơn.

Tuy nhiên tất cả các giải pháp cho thành phố thông minh đều phải xuất phát từ chính nhu cầu của người dân.

Ông Richard Ker, trưởng nhóm Đổi mới sáng tạo và Thương mại hoá Cyberiaya (bang Selangor, Malaysia) chia sẻ kinh nghiệm của Malaysia: “Cần xây dựng một cộng đồng thông minh, điều này rất quan trọng.

Phải tư duy như một doanh nghiệp khởi nghiệp, không ai muốn tạo một sản phẩm không ai muốn mua. Chính quyền cần hỏi người dân xem họ gặp vấn đề gì trong cuộc sống.

Chúng ta cần có những kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên suy cho cùng luôn chỉ có 10-15% kế hoạch mang tính khả thi.

Trong 10 năm đầu, Malaysia bơm rất nhiều tiền vào xây dựng hạ tầng, nhưng người dân lại chẳng bao giờ dùng đến chúng. Do vậy với kinh nghiệm của tôi, cần phải lấy ý kiến người dân khi xây dựng một thành phố thông minh”.

Một vấn đề quan trọng khác trong xây dựng thành phố thông minh là nguồn kinh phí.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: “Bên cạnh ngân sách thành phố, Hà Nội sẽ huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, sẽ định hình và phân loại trên tinh thần tư nhân hoá các dịch vụ công, lúc này chính người dân sẽ tạo ra nguồn lực để phát triển”.

Người đứng đầu Hà Nội khẳng định sẽ thuê phần mềm và hạ tầng của doanh nghiệp, từ data center, dịch vụ bảo mật, đường truyền cho đến việc viết phần mềm. Mục tiêu là huy động mọi nguồn lực, bao gồm cả tài chính và chất xám để xây dựng Hà Nội thành thành phố thông minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại