Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ dự buổi công bố Quy hoạch nội đô lịch sử sáng 22/3
Sáng 22/3, thành phố Hà Nội đã công bố các đồ án quy hoạch phân khu đô thị trong bốn quận nội đô lịch sử gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Tổng diện tích bốn quận nội đô này là 2.709 ha, với dân số hiện tại gần 900.000 người.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết: Với việc quy hoạch được thông qua, Hà Nội đặt quyết tâm không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô và từ nay đến năm 2030 sẽ giảm 215.000 người xuống còn 672.000 người (dân số hiện tại gần 900.000 người).
“Trong 10 năm tới, Hà Nội sẽ giảm khoảng 215.000 người trong bốn quận nội thành. Kế hoạch này hoàn toàn khả thi và phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, sẽ có 120.000 người thuộc diện giải phóng mặt bằng làm đường, lấn chiếm công trình công cộng được di dời; Giảm cơ học 100.000 người khi di dời các trụ sở bộ ngành. Trong 6 năm qua, dân số quận Hoàn Kiếm cũng tự giảm 20.000 người”, ông Hùng nói.
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, các quận nội thành sẽ phát triển theo hướng hạn chế nhà cao tầng, không tăng dân số.
Theo đó, nhà ở khu phố cổ được phép cao từ 3 - 4 tầng (12-16m); khu vực Hồ Gươm và phụ cận được xây công trình cao không quá 16 m. Khu phố cũ, nhà được phép xây từ 4-6 tầng (16-22m); các khu vực hạn chế phát triển, nhà được xây từ 5-7 tầng (20-25m).
Không gian đô thị ở phố cổ, phố cũ của Hà Nội được xác định chủ yếu là công trình thấp tầng. Công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị.
Khu vực có công trình cao tầng, Thành phố Hà Nội ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung các tiện ích như cây xanh, bãi đỗ xe.
Về quan điểm bảo tồn tại khu vực Hồ Gươm và phụ cận, Hà Nội bảo tồn hình ảnh đặc trưng với không gian mặt nước và cây xanh quanh hồ; bảo tồn, tôn tạo không gian kiến trúc cảnh quan các công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng; bổ sung các công trình phục vụ tiện ích công cộng.
Trong khu vực phố cổ, Hà Nội bảo tồn kiến trúc các tuyến phố hiện có, bảo tồn trục trung tâm thương mại kết hợp nhà ở truyền thống; cải tạo lõi bên trong các ô phố; bảo tồn các công trình công cộng quan trọng, không gian, kiến trúc truyền thống…