Hà Nội sẽ cử nghệ sĩ, diễn viên xuất sắc đi đào tạo, học kinh nghiệm nước ngoài

Trường Phong |

“Khuyến khích và cử cán bộ có trình độ, nghệ sĩ, diễn viên… xuất sắc đi đào tạo, học tập kinh nghiệm tại các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển; hình thành và phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia chất lượng cao”, văn bản của thành phố nêu.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09 ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố.

Tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng gồm: du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, thiết kế, ẩm thực, phần mềm và trò chơi giải trí. Đồng thời quan tâm phát triển các ngành: quảng cáo, kiến trúc, điện ảnh, truyền hình và phát thanh, xuất bản, thời trang…

Đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội là “thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, có sức cạnh tranh khu vực và thế giới, sánh vai Thủ đô các nước phát triển cao trong khu vực.

Hà Nội phấn đấu doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố. Duy trì phát triển ổn định bền vững một số ngành nghề liên quan đến văn hóa.

Mục tiêu đến năm 2045, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác; là tiền đề để xây dựng Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa và bền vững; trở thành thành phố kết nối toàn cầu, văn hiến, văn minh, hiện đại và sáng tạo, ngang tầm các Thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực. Hình thành một số công trình văn hóa mới mang tính biểu tượng có tầm cỡ khu vực và thế giới. Phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của thành phố.

Thành phố đặt ra nhiều nội dung cần thực hiện, trong đó lưu ý việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực…

“Khuyến khích và cử cán bộ có trình độ, nghệ sĩ, diễn viên … xuất sắc đi đào tạo, học tập kinh nghiệm tại các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển; hình thành và phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia chất lượng cao”, văn bản của thành phố nêu.

Thành phố cũng nêu sẽ tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; thu hút và hỗ trợ đầu tư; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế; triển khai các sáng kiến của Hà Nội đã cam kết với UNESCO khi gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại