Hà Nội sẽ cấm cửa những xe khách đi "xuyên tâm"

Hà Khê |

Đó là chia sẻ của lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội về việc Sở này đang phối hợp với các cơ quan liên quan để giảm tải cho đường vành đai 3, buộc xe khách không được đi xuyên tâm.

Xe khách liên tỉnh hết cửa đón trả khách ở đường Phạm Hùng?

Vừa qua, Sở GTVT Hà Nội thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các Sở GTVT phía Bắc, miền Trung về việc điều chỉnh hành trình chạy xe của một số tuyến từ các tỉnh phía Nam Hà Nội đi phía Bắc qua địa bàn thành phố Hà Nội.

Trước đó, ngày 31/3, Bộ GTVT đã có văn bản số 2968 gửi Sở GTVT Hà Nội về việc điều chỉnh hành trình chạy xe của một số tuyến nói trên.

Trong văn bản này, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT Hà Nội xây dựng phương án chi tiết, có ý kiến thống nhất của Công an TP Hà Nội, cơ quan liên quan; báo cáo UBND thành phố có ý kiến rồi trình Bộ GTVT xem xét điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh.

Đồng thời, yêu cầu Sở GTVT Hà Nội phối hợp với các sở GTVT liên quan lập danh sách danh mục tuyến vận tải thuộc diện đề xuất điều chỉnh hành trình hoạt động qua địa bàn Hà Nội.

Trên cơ sở đó, Bộ sẽ xem xét và quy hoạch chi tiết theo đúng tiêu chí của Quyết định 2288/QĐ - GTVT.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, cơ quan chức năng sẽ phân luồng cho những xe khách đi qua Hà Nội lên các tỉnh phía Bắc như Lào Cai,, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc..


Nếu Hà Nội quyết liệt thực hiện việc điều chuyển, phân luồng theo đúng quy định thì sẽ hạn chế tình trạng như thế này. (ảnh: Người lao động)

Nếu Hà Nội quyết liệt thực hiện việc điều chuyển, phân luồng theo đúng quy định thì sẽ hạn chế tình trạng như thế này. (ảnh: Người lao động)

"Những xe này sẽ không được phép đi qua đường vành đai 3 nữa mà phải đi qua cầu Đông Trù", ông Linh khẳng định.

Mục đích của việc này sẽ nhằm giảm tải cho đường vành đai 3. Ông Linh cũng cho rằng, những xe này cố tình đi xuyên tâm qua đường Phạm Hùng để đón trả khác dọc đường, gây ra tình trạng mất trật tự, ùn tắc giao thông.

Tại cuộc họp này, lãnh đạo của các Sở GTVT liên quan đều nhất trí cao với phương án điều chuyển xe xuyên tâm ra khỏi đường vành đai 3.

Sau cuộc họp này, Sở GTVT Hà Nội sẽ tổng hợp ý kiến, gửi báo cáo lên Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội.

"Khi nào Bộ đồng ý với phương án điều chuyển mà cuộc họp thông qua thì chúng tôi sẽ triển khai", ông Linh nói.

Theo nhiều chuyên gia về lĩnh vực này, động thái này của ngành giao thông một lần nữa cho thấy quyết tâm trong việc giải tòa ùn tắc giao thông nội đô, xóa bỏ nạn bến cóc, xe dù và tình trạng đón trả khách đang rất bất cập ở đường vành đai 3.

Bởi thực tế, nhiều doanh nghiệp không xin được lốt ở Mỹ Đình đã dùng cách xin ở Hà Nam, Nam Định... rồi chạy xuyên qua bến Mỹ Đình để lên các tỉnh phía Bắc. Điều này khiến tuyến đường Phạm Hùng, vành đai 3 thêm ùn ứ, mất trật tự.

Xa hơn nữa, các chuyên gia cho rằng, đây là một bước đi quan trọng trong việc thiết lập trật tự an toàn giao thông ở Hà Nội, thực hiện việc phân luồng tuyến, hướng tuyến theo đúng các quyết định của Bộ GTVT trong thời gian qua.

Để lâu... "hóa bùn"

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Cục trưởng Cục Đường bộ, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, vấn đề trật tự an toàn giao thông nội đô liên quan đến xe khách vốn bức xúc từ nhiều năm nay.

Chính vì thế, Bộ GTVT, Cục Đường bộ (nay là Tổng cục Đường bộ), UBND thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội... cũng đã có nhiều quyết định, văn bản để giải quyết tình trạng này.

Ông Thanh dẫn chứng, trong văn bản kiến nghị gửi UBND TP Hà Nội mới đây, Đại tá Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an thành phố cho rằng, sắp xếp luồng tuyến xe khách liên tỉnh trên địa bàn TP hiện nay còn một số bất cập, chưa hợp lý.

Xe khách lập bến dù, bến cóc, chạy sai tuyến, vòng vo dừng đỗ đón trả khách, đặc biệt là tại khu vực bến xe Mỹ Đình, đường vành đai 3 trên cao, đường Phạm Hùng. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự, mất an toàn giao thông trên địa bàn.

Trước những bất cập trên, Công an TP Hà Nội đã kiến nghị UBND TP Hà Nội cần sớm điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đang chạy sai hướng tuyến về đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Theo quy hoạch, xe đi các tuyến theo QL1, QL1B sẽ vào bến xe Gia Lâm.

Xe đi các tuyến đường HCM, QL6 sẽ vào bến xe Yên Nghĩa.

Xe đi tuyến QL32, cầu Thăng Long sẽ vào bến Mỹ Đình.

Các tuyến phía Nam đi theo hướng QL1, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi vào bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát.


Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam trao đổi với PV.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam trao đổi với PV.

Đối với các bến Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên giữ ổn định tần suất phương tiện hoạt động đến năm 2020.

Quyết định 2288/QĐ - GTVT là cần thiết và phù hợp, tuy nhiên việc giữ nguyên tần suất của các bến Mỹ Đình, Lương Yên, Giáp Bát lại hơi cứng nhắc. Tại sao không điều chuyển cho phù hợp với thực tế?

Do vậy, Công an TP Hà Nội vừa đề nghị UBND TP nghiên cứu tổ chức, sắp xếp hợp lý, khoa học luồng tuyến vận tải theo quy hoạch đã được Bộ GTVT và UBND Thành phố phê duyệt.

Từ đó hạn chế các phương tiện chạy xuyên tâm vào khu vực trung tâm nhằm giảm thiểu tình trạng ùn, tắc và tai nạn. Ngoài ra cần sắp xếp điều chuyển một số tuyến từ bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Lương Yên về các bến xe còn mặt bằng để khai thác theo đúng hướng tuyến.

Thực tiễn bức xúc, các kiến nghị đề xuất thậm chí là quyết định về việc giải quyết tình trạng này đã có từ lâu, nhưng vì sao cho đến nay vẫn chưa thực hiện nghiêm túc? Có lẽ đã đến lúc quy trách nhiệm cá nhân xem đang "ùn tắc" ở điểm nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại