Theo bản tin mới nhất từ Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, vào hồi 7 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,6 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 100km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/giờ), giật cấp 12.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, ngày 18/7, khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 13-14. Biển động dữ dội.
Trên đất liền, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11; khu vực các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình có gió giật cấp 8. Vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 3-5 m. Vùng biển vịnh Bắc Bộ có sóng tăng dần, cao 2-4 m.
Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Thái Bình sóng biển cao 2-3 m. Ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng có nước dâng do bão từ 0,3-0,5 m.
Nguy cơ ngập úng ở khu vực trũng thấp tại khu vực ven biển, cửa sông, sạt lở bờ biển do tác động kết hợp của triều cường, sóng lớn và nước dâng do bão vào chiều 18/7.
Vị trí và đường đi của bão số 1.
Riêng khu vực Hà Nội, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 1 (bão Talim) nên trời nhiều mây, có mưa to đến rất to và có thể kèm theo gió mạnh cấp 4, giật cấp 5.
Từ đêm nay đến sáng sớm mai, Hà Nội có mưa to đến rất to. Gió tây bắc đến bắc cấp 3-4, giật cấp 5.
Do có mưa nên tình trạng nắng nóng sẽ chấm dứt, nền nhiệt hôm nay giảm 5-7 độ so với hôm qua với mức cao nhất chỉ dao động khoảng 29-31 độ; nhiệt độ thấp nhất đêm nay khoảng 24-26 độ.
Trước diễn biến của mưa bão, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã ban hành công điện về việc tập trung ứng phó.
Trong công điện, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình thời tiết, thiên tai mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất trên các phương tiện thông tin đại chúng.
"Chuẩn bị tổ chức lực lượng kiểm soát, phân luồng, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các điểm đen thường xuyên ngập úng trong khu vực dân cư. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn", công điện nhấn mạnh.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành rà soát các phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai, sự cố, và tìm kiếm cứu nạn đảm bảo theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng triển khai khi có tình huống xảy ra.
Các đơn vị tăng cường kiểm tra các trọng điểm xung yếu về đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi, công trình tiêu thoát nước, công trình xuống cấp, công trình đang thi công trên địa bàn; chủ động ứng phó kịp thời với mọi diễn biến của thiên tai, sự cố; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị, khu công nghiệp.
Đặc biệt, các đơn vị, địa phương phải đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân ở những khu vực có khả năng ngập úng, có nguy cơ sạt lở, hư hại, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố giao Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sẵn sàng phương án tiêu thoát nước đô thị, thường xuyên ứng trực khơi thông hệ thống sông, mương tiêu, các hố ga, đảm bảo thoát nước nhanh khu vực nội thành. Các công ty Thuỷ lợi chủ động phương án vận hành linh hoạt hệ thống công trình thủy lợi để tiêu nước, đặc biệt là các khu vực sản xuất nông nghiệp, các khu vực trũng thấp.
Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội chuẩn bị lực lượng ứng trực, kịp thời giải tỏa cây đổ khi có mưa to, gió lớn.