Theo ghi nhận của phóng viên ANTĐ, tại các bệnh viện thuộc thành phố Hà Nội, đặc biệt là 5 bệnh viện được thành phố phân công tiếp nhận ca bệnh nhiễm nCoV, thời điểm này công tác chuẩn bị cũng như triển khai phòng, chống dịch được thực hiện rất chặt chẽ…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý kiểm tra công tác chống dịch Corona tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa
Khâu sàng lọc, phân loại người bệnh đóng vai trò quyết định
Bệnh viện Đa khoa Đống Đa là bệnh viện tuyến đầu của Hà Nội về các bệnh truyền nhiễm. Trước diễn biến của dịch bệnh do nCoV, dưới sự chỉ đạo sát sao của thành phố, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã ban hành hành Kế hoạch số 33/KH-BV ngày 22-1-2020 về việc đáp ứng, thu dung và điều trị người bệnh nhiễm nCoV, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.
TS.BS. Lê Hưng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, từ khi dịch bùng phát ở Trung Quốc và lan rộng đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân nghi nhiễm. Dù qua xét nghiệm chưa phát hiện ca bệnh dương tính, song với trách nhiệm của cơ sở tuyến đầu thành phố về bệnh truyền nhiễm, bệnh viện đã chủ động xây dựng các phương án triển khai theo các cấp độ dịch bệnh, đồng thời thành lập đơn vị điều trị nCoV, tổ chức tập huấn về phòng chống bệnh nCoV cho 100% cán bộ nhân viên.
TS.BS. Phạm Bá Hiền - Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV của Bệnh viện Đa khoa Đống Đa chia sẻ thêm, lãnh đạo bệnh viện đã quán triệt đến toàn thể nhân viên y tế không được chủ quan nhưng cũng không nên bi quan trước dịch bệnh nCoV. Đặc biệt, bệnh viện hết sức chú trọng đến công tác kiểm soát nhiễm khuẩn đảm bảo phòng lây nhiễm chéo, xây dựng chế độ phụ cấp phù hợp cho các bộ phận trực tiếp tham gia chống dịch.
Bệnh viện Thanh Nhàn cũng là 1 trong 5 bệnh viện của ngành y tế Thủ đô được phân công tiếp nhận các bệnh nhân nghi nhiễm, nhiễm bệnh do nCoV.
Tại đây, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nCoV, đơn vị điều trị nCoV riêng biệt đã được thành lập. BS.CKII Lại Thanh Hà - Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, gần đây bệnh viện tiếp nhận khoảng hơn 100 bệnh nhân đến khám bệnh vì các biểu hiện sốt, ho… trong đó khoảng 15% bệnh nhân được chỉ định nhập viện.
Tuy nhiên chưa có bệnh nhân nào có biểu hiện hay nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona. Bác sĩ Hà cho biết thêm, theo quy trình sàng lọc bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm nCoV mà bệnh viện đã xây dựng, tất cả những trường hợp vào khám mà có triệu chứng nghi ngờ bị viêm hô hấp cấp do virus Corona sẽ được phân luồng, đưa vào phòng cách ly
Khoa Nội Tổng hợp của bệnh viện đã chuẩn bị 5 giường cách ly, đang triển khai thêm giường cách ly hoàn toàn khỏi khu điều trị nội trú. Khi chẩn đoán xác định, nếu dương tính với nCoV, bệnh nhân sẽ chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh cũng đã bố trí khu khám và sàng lọc bệnh nhân Corona riêng, tách biệt tại phòng khám nhiệt đới. Trước những diễn biến hết sức phức tạp do virus Corona, ngày 6-2, bệnh viện này đã tổ chức buổi tập huấn: “Chẩn đoán, điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn do viêm phổi cấp do nCoV” do BS.CKII. Nguyễn Quốc Tiến - Phó Giám đốc bệnh viện chủ trì. Bác sĩ Tiến nhấn mạnh, công tác phòng chống dịch bệnh nCoV cần được ưu tiên hàng đầu trong thời điểm này.
Các nhân viên y tế cần có thái độ bình tĩnh, là cầu nối thông tin liên lạc một cách chính xác, hiệu quả đối với người bệnh, người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Quan trọng nhất là phải phân luồng, khám phát hiện và cách ly người bệnh nghi ngờ mắc bệnh một cách triệt để.
Khu cách ly đặc biệt được thiết lập tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa
Sẵn sàng lập bệnh viện dã chiến nếu dịch bùng phát
Ngoài các bệnh viện của thành phố, những bệnh viện tuyến Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội cũng đã sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cao nhất trong mọi tình huống của dịch bệnh, kể cả khi dịch bùng phát trong cộng đồng với quy mô lớn.
TS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện này có khả năng điều trị 1.000 người, trong đó 600 người giám sát, 400 ca điều trị và khoảng 50 giường điều trị tích cực, đồng thời sẵn sàng cho bệnh viện dã chiến khi cần huy động. Hiện bệnh viện huy động tất cả cán bộ y tế tham gia công tác chống dịch nCoV, trong đó có 60 cán bộ trực tiếp chăm sóc, điều trị người dương tính và theo dõi giám sát người nghi ngờ, ngoài ra còn thành lập 2 đội cấp cứu cơ động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới.
Tương tự, Bệnh viện Phổi Trung ương - đơn vị đầu ngành về bệnh phổi - đóng trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội) cũng đã triển khai mọi mặt để ứng phó với dịch bệnh nCoV. Phòng khám sàng lọc và buồng bệnh cách ly của bệnh viện cũng được thiết lập với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết. Công tác phân loại được phân công hướng dẫn, giao việc chi tiết.
Hay tại Bệnh viện Nhi Trung ương, phương án về trang thiết bị, cơ số thuốc phù hợp với từng tình huống dịch bệnh nCoV cũng đã được chuẩn bị chi tiết, cụ thể. Lãnh đạo bệnh viện quán triệt các khoa, phòng liên quan phải tuân thủ tuyệt đối việc phân luồng, cách ly và điều trị, trong đó đặc biệt là chống lây nhiễm chéo, để hạn chế thấp nhất lây lan dịch bệnh.
TS Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, trong thời gian tới có thể sẽ có 2 tình huống tiếp theo với bệnh dịch này trên địa bàn Thủ đô. Đó là tình huống tiếp tục xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào thành phố, tình huống còn lại là khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Ông Hiền nhấn mạnh, ngay cả khi bệnh dịch nCoV trên địa bàn Hà Nội ở cấp độ 4 - lan rộng trong cộng đồng với 1.000 người bị lây nhiễm (cấp độ cao nhất theo kế hoạch phòng, chống dịch nCoV của Hà Nội) - thành phố cũng đã sẵn sàng kế hoạch sẽ tổ chức bệnh viện truyền nhiễm dã chiến để cách ly người về từ vùng có dịch.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin thêm, ngành y tế đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị liên quan lên phương án bố trí bệnh viện dã chiến khi dịch bệnh lan rộng. Dự kiến, bệnh viện dã chiến quy mô 600 giường, huy động 400 y bác sĩ tham gia. Hiện Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chuẩn bị 2 khu vực tiếp nhận người Việt Nam ở các quốc gia có dịch trở về, kê được gần 1.000 giường, đảm bảo các vật dụng cần thiết.
Khu cách ly bệnh nhân nghi nhiễm Corona tại Bệnh viện Thanh Nhàn
Chúng ta vào cuộc quyết liệt và đang đi đúng hướng
"Các chuyên gia y tế trên thế giới cho rằng, hiện chưa thể nhận định khi nào dịch nCoV ở Việt Nam sẽ chạm đỉnh. Dù vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá rất cao công tác đáp ứng, phòng chống dịch bệnh của Việt Nam hiện nay. Và với việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với kinh nghiệm chống dịch SASR trước đây, chúng ta hoàn toàn có thể khống chế sớm được dịch bệnh nCoV trong thời gian tới. "Việt Nam đã đưa ra các kịch bản ứng phó và đang triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát tình hình dịch bệnh ở mức cao nhất. Chúng ta phải cố gắng hành động quyết liệt hơn để hy vọng rằng, Việt Nam sẽ không ghi nhận các ca mắc mới… Việt Nam đã vào cuộc quyết liệt và đang đi đúng hướng. Chính vì vậy, người dân cần bình tĩnh, phải bình tĩnh thì mới chiến thắng được dịch bệnh".
GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế