Thời gian qua, tại một số huyện ngoại thành của Hà Nội, xuất hiện tình trạng các cá nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ tự mua gom đất vườn, đất trồng cây lâu năm rồi phân lô, bán nền. Giới đầu cơ tham gia thị trường này khá tấp nập. Điển hình như tại Đông Anh, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Thạch Thất, Quốc Oai… tình trạng mua gom các loại đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm thậm chí cả đất rừng sản xuất xuất hiện nhiều lên trong thời gian gần đây.
Tình trạng phân lô bán nền tràn lan đã tạo ra những cơn sốt điên cuồng đất vùng ven Hà Nội trong 2 năm qua, khiến thị trường nhiễu loạn. Các môi giới gợi ý người mua có thể mua cả thửa đất to với số lượng lên đến 2.000 - 3.000 m2, bao gồm đất ở xen kẹt với đất vườn, đất nông nghiệp. Sau đó, các môi giới sẽ đứng ra lo liệu chuyển mục đích sử dụng thành đất ở. Người mua có thể chia đất thành các lô nhỏ để bán.
Thậm chí, xuất hiện những khu phân lô diện tích lớn với những cái tên được đặt không khác gì tên các dự án được quy hoạch như: Khu dân cư Khoang Mái, Khu dân cư sinh thái Hòa Lạc, Hòa Lạc Louis, Diamond Riverside...được đầu tư quảng cáo rầm rộ bởi những đơn vị như Công ty Cổ phần Bất động sản Green Land, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Địa ốc Hưng Vượng Holdings (Hưng Vượng Holding), Công ty cổ phần Vakaland...
Trước thực trạng này, các chuyên gia bất động sản liên tục kiến nghị cần sớm thúc đẩy điều chỉnh Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở cho phù hợp với thực tiễn. Siết chặt cơ chế, tăng cường chế tài nhằm ngăn chặn tình trạng “tùy tiện” phân lô, tách thửa, chống nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia mới đây Sở TN&MT Hà Nội đã có văn bản đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất. Theo đó, công văn nêu rõ được phản ánh của một số địa phương, người dân, doanh nghiệp, phương tiện thông tin đại chúng về việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng đường giao thông, vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn một số quận, huyện, thị xã.
Trước những thông tin nêu trên, Sở TN&MT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/01/2022 đối với các thửa đất có diện tích lớn hơn 500 m2 (gồm: thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất), đã được UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Ngay sau khi văn bản này ban hành, nhiều môi giới BĐS tại vùng ven Hà Nội cho rằng quy định này sẽ khiến thị trường vùng ven "khựng lại", các giao dịch cũng sẽ trầm lắng hơn khi đất không được phân lô sẽ buộc nhà đầu tư phải đổ khoản tiền lớn để sở hữu. Thị trường ít có sự tham gia của giới đầu tư, đầu cơ sẽ giảm tình trạng sốt ảo giá.
Còn theo các chuyên gia, việc tạm dừng phân lô tách thửa trước mắt có thể giúp giảm cơn sốt ngắn hạn trên thị trường. Về lâu dài cần được luật hóa, đưa vào trong Luật để triển khai đồng bộ, không chỉ ở Hà Nội hay một vài tỉnh mà cần có cái nhìn chung cho toàn thị trường bởi hiện nay sốt đất nông nghiệp đã lan đến những tỉnh vùng sâu vùng xa.
Đánh giá về tác động của việc phân lô bán nền, GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng "sốt đất" xảy ra một phần là do tác động của Luật Đất đai 2013 khi mở rộng quy định về phân lô bán nền. Các quốc gia trên thế giới họ dùng hình thức phân lô bán nền chỉ để giải quyết nhà ở ở đô thị, không đưa vào thương mại. Đưa đất nền vào thương mại là điều rất tối kỵ. Về nguyên tắc, thị trường bất động sản phải khai thác giá trị đầu tư trên đất chứ không phải chờ tăng giá đất để gặt hái lợi nhuận. Đầu tư bỏ tiền vào bất động sản để tăng giá bán đi là một hành động làm hại nền kinh tế.
Chính vì vậy, theo ông Võ, việc cấm phân lô bán nền sẽ là một trong những biện pháp giảm cơn sốt đất hiện nay. Tuy nhiên, ông Võ cũng khẳng định, chúng ta cần sửa từ chính Luật đất đai: "Luật còn rất nhiều bất cập lớn, cản trở phát triển kinh tế. Cơ hội phát triển của Việt Nam khá lớn nhưng đất đai cứ bị ách tắc với những quy định cũ. Đặc biệt, đất nông nghiệp, hiện nay vẫn chưa thực hiện tích tụ, tập trung đất đai có hiệu quả. Đây là câu chuyện phức tạp và cần có thay đổi. Hiện nay, chuyển nhượng đất đai tại nông thôn gần như không làm thủ tục mà giấy tay là chính".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện nay pháp luật chưa có chế tài đủ mạnh để điều chỉnh vấn đề này. Việc tách thửa, phân lô ở 1 số địa phương góp phần tạo ra những cơn sốt đất, tạo sóng dẫn tới phức tạp cho thị trường bất động sản, khó quản lý.
Hiện tượng tách thửa, phân lô đã bộc lộ nhiều bất cập, hệ lụy cần thiết phải có sự điều chỉnh mạnh mẽ bởi hệ thống pháp luật mà tới đây, khi sửa Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở cũng cần phải có những điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ như, việc tách thửa mà lại có sự tham gia của giới đầu cơ sẽ đẩy giá thị trường lên cao bất thường, khó kiểm soát, gây nhiễu loạn thị trường.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, Luật Đất đai 2003 và 2013 đều không quy định về tách thửa đất nông nghiệp hoặc tách thửa các loại đất khác không phải là đất ở. Luật Đất đai 2013 chỉ quy định tách thửa đất ở tại nông thôn và tách thửa đất ở tại đô thị. Nhưng, tại Nghị định 43 lại quy định UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Quy định này đã cho phép tách thửa đối với từng loại đất, có thể hiểu là cho phép tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất phi nông nghiệp… từ đó có thể dẫn đến tình trạng các đầu nậu, doanh nghiệp "bất lương" lợi dụng tách thửa tràn lan và biến tướng thành đất ở, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị.
Chính vì vậy HoREA đề nghị Chính phủ xem xét, bãi bỏ quy định này vì không phù hợp với pháp luật đất đai và có thể dẫn đến hệ quả làm gia tăng tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan, khó kiểm soát.