Đây là dự án được khởi công từ năm 2006 và được xác định đến cuối năm 2010 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội đã lùi tiến độ đến năm 2015, 2017. Nhưng sau nhiều lần chậm tiến độ thi công, dự án được đẩy lùi đến cuối năm 2021.
Nhiều cây sưa đỏ cổ thụ được di dời khiến nhiều người dân tiếc nuối vì đã gắn bó rất lâu. (Ảnh: Thành Nam)
Được biết, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1,176 tỷ Euro (khoảng 33.000 tỷ đồng, theo tỷ giá năm 2013). Trong đó, vốn vay ODA 899,68 triệu euro (khoảng hơn 25.000 tỷ đồng) từ chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp - AFD, Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Vốn đối ứng trong nước gần 280 triệu euro (khoảng 7.800 tỷ đồng) lấy từ ngân sách thành phố.
Chính vì thế, hàng loạt cây sồi quý cũng như những cây xanh dọc tuyến phố nhiều lần bị di dời và cắt bỏ để phục vụ cho quá trình thi công diễn ra suôn sẻ. Cụ thể, năm 2014, gần 600 cây xanh cổ thụ chủ yếu là xà cừ, lát hoa, chàm… trên đường Nguyễn Trãi đã bị chặt bỏ, di dời để làm đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Tháng 10/2016, hơn 100 cây xà cừ cổ thụ trên tuyến đường Kim Mã cũng đã bị di dời, chặt hạ. Những hàng cây xanh mát ven hồ Thủ Lệ cũng bị cắt bỏ khiến người dân không khỏi tiếc nuối vì mùa hè nhờ có những bóng cây đổ xuống mà con đường cũng dịu đi phần nào.
Những cây cổ thụ dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo đã trở thành một phần không thể thiếu của những người dân tại đây.
Vào tháng 10/2017, 1.289 cây xanh nằm trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) đồng loạt bị chặt hạ, di dời, cắt tỉa gồm: 986 cây xà cừ, 38 cây sấu, 65 cây hoa sữa, 11 cây phượng. Vốn là một con đường nổi tiếng với vẻ đẹp của hàng cây cổ thụ che bóng mát lâu năm mà giờ đây chỉ còn lại con đường nhựa gây nóng bức cho người dân.
Để tiếp tục phục vụ xây dựng đường sắt trên cao và các tuyến metro, mới đây, Hà Nội lại tiếp tục đào chuyển 40 cây xanh trên vỉa hè phố Trần Hưng Đạo. Trong đó, hai cây sưa đỏ được di dời đến công viên Thống Nhất để quản lý, bảo vệ loài cây quý hiếm phục vụ bảo tồn theo đúng quy trình, quy định. Hầu hết, những cây sưa đỏ đều được trồng từ rất lâu năm để làm nên vẻ đẹp cảnh quan đô thị, tạo ra không gian xanh trên nhiều tuyến phố nên các cây này phần lớn đường kính từ 20cm trở lên, tán rộng và cao từ 4m đến 8m, đặc biệt có cây gốc to gần 2 mét.
Chị Nguyễn Thị Việt Hà (25 tuổi, sống tại Bạch Mai, Hà Nội) tiếc nuối chia sẻ: "Từ trước đến này, ngày nào tôi cũng đi làm qua con đường này đặc biệt mùa hè nhờ có những cây cao, to hai bên vỉa hè mà đi làm về vào buổi trưa không còn cảm giác nóng bức từ mặt đường nhựa nữa. Thời gian gần đây, được biết thông tin nhiều cây bị chặt đi để phục vụ cho thi công đường sắt tôi thấy rất tiếc, vừa mất đi vẻ dịu mát vào mùa hè mà cũng làm giảm vẻ đẹp đô thị. Tuy nhiên, để phục vụ cho công trình chung, hiện đại hơn thì mình cần phải hy sinh".
Còn bà Nguyễn Thị Hà (56 tuổi, sống tại phố Trần Hưng Đạo) cho biết: "Chúng tôi đã lớn lên cùng những hàng cây cổ thụ này. Giờ chặt hạ, di dời đi cũng nhiều tiếc nuối. Hôm trước, tuy chúng tôi đã tranh thủ chụp ảnh cùng hàng cây trước khi công tác chặt hạ được bắt đầu. Chủ trương chung thì mình ủng hộ để con cháu được sống hiện đại hơn".
Theo Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, việc chặt hạ và di dời đã được tham vấn các chuyên gia và được các sở ngành liên quan chấp thuận. Hiện nhà ga Cát Linh đã rào chắn xung quanh, các cây được di dời để phục vụ thi công và cố gắng hoàn thiện trong năm nay.