Hà Nội: Người đàn ông suýt mất bàn tay vì bị khỉ nuôi tấn công

Diệu Linh |

Tối 6/8, tin từ Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật cứu bàn tay bị tổn thương nặng cho một nam giới bị khỉ nuôi tấn công.

Bệnh nhân là nam (56 tuổi, trú tại Hà Nội), nhập viện chiều 4/8 trong tình trạng vết thương cổ tay phải phức tạp, đứt toàn bộ gân cơ cẳng tay trước, 2 động mạch quay và trụ cấp máu cho bàn tay, hệ thống dây thần kinh chi phối bàn tay. Ngoài ra còn nhiều tổn thương khác trên tay trái và chân.

Bệnh nhân tỉnh táo, ổn định. Bệnh nhân cho biết đã bị khỉ nuôi trong nhà tấn công.

Hà Nội: Người đàn ông suýt mất bàn tay vì bị khỉ nuôi tấn công - Ảnh 1.

Bàn tay đã được cứu sau 7 giờ phẫu thuật. Ảnh: BSCC

Do tổn thương cổ tay rất phức tạp, các bác sĩ đánh giá cần được phẫu thuật kịp thời trong thời gian vàng cấp cứu (6-12 tiếng sau tai nạn) để phục hồi nuôi dưỡng cho bàn tay vì nếu để thiếu máu kéo dài sẽ dẫn đến hoại tử, nguy cơ phải cắt cụt bàn tay.

Bệnh nhân ngay lập tức được đưa lên phòng mổ. Bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng cùng ekip đã làm sạch tổn thương, khéo léo, tỉ mỉ sử dụng kỹ thuật vi phẫu khâu nối lại mạch máu nuôi dưỡng cho bàn tay, khâu nối lại các dây thần kinh dưới kính hiển vi và nối lại hệ thống gân gấp.

Việc xử lý tổn thương đã được làm một cách đầy đủ, đảm bảo phục hồi lại chức năng bàn tay sau này cho bệnh nhân.

Ca phẫu thuật đã kéo dài suốt đêm, đến rạng sáng 5/8 mới hoàn thành. Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, tiên lượng khả năng hồi phục tốt.

Dự kiến, vết thương phần mềm sẽ hồi phục trong khoảng 2 tuần tới. Gân sau nối sẽ tiếp tục được tập phục hồi chức năng trong vòng 3 tháng tới để lấy lại chức năng gấp duỗi bình thường cho bệnh nhân.

Các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn khuyến cáo, khi bị vật nuôi tấn công gây thương tích nặng, nạn nhân cần rửa kỹ vết thương bằng nước sạch và xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn như cồn i-ốt hoặc Povidone, Iodine.

Những trường hợp tổn thương rộng quá nặng, bệnh nhân cần được đưa đến phòng mổ để đánh rửa sạch; hạn chế làm dập vết thương, không nên khâu kín vết thương bẩn ngay từ đầu. Nên khẩn trương đưa bệnh nhân đi cấp cứu, đồng thời tiêm phòng uốn ván, tiêm phòng bệnh dại cho bệnh nhân...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại