"Oằn mình" gánh tiền điện giá cao
Tại khu nhà trọ cao 9 tầng, với 40 phòng, ở xóm Lẻ, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, mỗi căn phòng trọ rộng chừng 20m2, có từ 2-3 người. Người ở trọ đa phần là người lao động và sinh viên. Mỗi phòng được trang bị khá tiện nghi, như điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, bếp điện.
Anh Vũ Văn Dũng, người thuê trọ trong khu nhà này, cho biết: "Tôi đi làm ngay quận Thanh Xuân, nên thuê nhà ở đây cho tiện đi lại. Phòng trọ với giá 3 triệu đồng/tháng như thế này cũng khá hợp lý và đầy đủ tiện nghi. Chỉ riêng giá điện là điều chúng tôi sợ hãi nhất. Đặc biệt là vào những ngày nóng bức, hễ đi làm hay ra ngoài thì không sao, nhưng về tới nhà là phải bật điều hòa mới chịu nổi. Bởi không gian chật chội, lại đông người, nên càng oi bức và ngột ngạt. Nên cứ đến mùa nóng là tiền điện có khi tốn gần bằng tiền trọ".
Bảng kê tại 1 khu trọ
Chị Nguyễn Thị Thảo chia sẻ: "Tôi thuê trọ ở đây 3 năm rồi, cảnh đi thuê đã khổ sở vì chật hẹp oi bức, nhưng còn cái khổ hơn nữa là gánh tiền điện. Chủ nhà tính tiền điện 4 nghìn đồng/số. Vào mùa nóng này, tháng nào cũng hết cả mấy trăm số điện. Bởi trẻ nhỏ nghỉ học thì dùng điều hòa 24/24 luôn, nên tốn kém nhất vẫn là tiền điện, nhà tôi tháng nào cũng tốn hơn triệu đồng tiền điện".
Anh Vương Quốc Linh, ở Lĩnh Nam, Q.Hoàng Mai, cho biết: "Dân kinh doanh nhà trọ ở Hà Nội hầu như tính giá điện cho người thuê nhà là 4 nghìn đồng/số. Trừ khi thuê được căn nhà riêng thì mới được tính giá điện sinh hoạt. Còn lại đã đi thuê phòng trọ là phải chịu giá cao hết. Nhà anh bạn cùng công ty tôi có con nhỏ, tháng vừa rồi hết hơn 3 triệu đồng tiền điện, coi như mất 1/3 tiền lương tháng rồi ".
Chị Nguyễn Thu Hằng, ở Q.Long Biên, Hà Nội, người vừa thoát khỏi cảnh thuê nhà trọ, chia sẻ: "Tháng 5 vừa rồi, nhà tôi sử dụng 346 số điện, số tiền thanh toán hết 838 nghìn đồng. Nếu còn ở trọ như năm ngoái, với 346 số điện tính giá 4 nghìn đồng/số của chủ nhà trọ thì tổng tiền tôi phải trả là 1.384.000 đồng. Tức là mức chênh lên tới 546.000 đồng, tương đương 65% so với giá của Công ty điện lực.
Phải "chịu trận" vì không có lựa chọn
Số lượng người lao động và sinh viên thuê trọ ở các khu vực như quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm… khá đông.
Chị Đinh Thùy Linh, người mới thoát cảnh sống ở nhà thuê, ở quận Cầu Giấy, cho hay: Những gia đình có đất rộng cũng tận dụng xây dựng các khu nhà trọ khá quy mô và họ tự đưa ra những quy định đối với khách thuê nhà. Trong đó có giá điện, luôn ở mức 4 nghìn đồng/số. Mặc dù theo quy định của ngành điện lực có yêu cầu các chủ nhà trọ không được tính giá cao nhưng để kiểm soát việc này cũng không hề đơn giản. Bởi việc này thường được thỏa thuận giữa chủ nhà và người thuê nhà. Mà đã đi thuê nhà thì ở đâu giá điện cũng vậy, nên những người thuê nhà thường phải chịu trận thôi.
Phóng viên đã liên hệ với một chủ nhà trọ để tìm hiểu làm rõ hơn việc thu tiền điện giá cao hơn so với quy định. Tuy nhiên, vị này từ chối trao đổi.
Anh Vũ Văn Dũng còn cho biết thêm: "Đối với những người đi thuê trọ như chúng tôi, chẳng những phải chịu giá tiền điện cao, mà ngay cả tiền nước cũng rất cao. Một khối nước của chúng tôi được nhà chủ tính với giá 20 nghìn đồng, tức là cao gần gấp đôi so với giá nhà dân".
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện nhiều người làm mô hình kinh doanh nhà trọ. Tức là họ thuê nguyên cả căn nhà lớn, rồi cho thuê lại theo từng phòng.
Với mô hình kinh doanh này, cùng với những mức giá theo quy định của giới cho thuê nhà, thì ngoài việc hưởng lợi nhuận trên tiền cho thuê phòng, họ còn được ăn chênh từ tiền điện, tiền nước, bởi mức giá cao hơn quy định của các đơn vị cung cấp.
Với Biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc mới nhất áp dụng từ ngày 4/5/2023, mức giá ở bậc 3 là 2.074 đồng/kWh. So với mức giá chủ nhà trọ là 4.000 đồng/kWh, thì mức chênh là 1.924 đồng/kWh, mức chênh ở bậc 6 là 985 đồng/kWh.
Những người phải thuê nhà trọ đa phần là sinh viên và người lao động, những người lao động ở các tỉnh khác về Hà Nội định cư mà chưa đủ điều kiện kinh tế để mua nhà riêng. Việc lựa chọn thuê nhà trợ vẫn là giải pháp duy nhất. Các khoản chi phí hàng tháng khá tốn kém đối với họ, nay vào mùa nóng lại phải gánh thêm khoản tiền điện giá cao nữa, khiến mức chi phí càng bị phát sinh thêm, đã khó nay lại càng thêm khó.
Song, người thuê nhà hầu như phải chấp nhận, không còn cách nào khác, trừ khi họ đủ điều kiện và cơ hội mua được nhà riêng, thoát khỏi cảnh sống thuê trọ như hiện tại.
Cần chấn chỉnh giới kinh doanh nhà trọ
Theo điểm c, khoản 4 Điều 10, Thông tư số 16/2014/TT-BCT, của Bộ Tài chính về việc bán lẻ giá điện sinh hoạt. Quy định trường hợp không thể kê khai được số người ở thuê thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.
Như vậy, dù ở mức nào thì người thuê nhà càng dùng nhiều điện, giới kinh doanh nhà trọ càng thu được nhiều tiền chênh.
Bảng giá điện mới nhất, theo đó mức thu cao nhất là bậc 6, có giá 3.015 đồng/kWh, chênh 985 đồng so với giá chủ nhà trọ thu 4.000 đồng. Người ở trọ càng dùng nhiều điện thì chủ nhà trọ càng hưởng lợi từ giá chênh lệch.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, ban ngành hữu quan, cùng với ngành Điện lực cần rà soát các khu nhà trọ trên địa bàn mình quản lý, từ đó có những chỉ đạo, xử lý các loại hình giá cao như điện và nước. Từ đó giúp tháo gỡ bớt gánh nặng cho những người dân đang phải sống cảnh thuê nhà trọ như trên.