Bỏ qua khía cạnh tiêu cực, câu nói trên hoàn toàn chính xác trong cuộc sống thường ngày ở bất kỳ nơi nào trên trái đất.
1. Với bất kỳ ai đã và đang tham gia giao thông, khẩu hiệu "Nhanh 1 giây, chậm cả đời" chắc chắn quen thuộc chẳng kém, nếu không muốn nói là còn vang lên trong đầu nhiều hơn "Hà Nội không vội được đâu". Xưa hơn nữa, có một bài thơ mang hàm ý cảnh báo về tật hấp tấp mà có lẽ tất cả những người thuộc thế hệ cũ đều thuộc làu làu:
"Đi đâu mà vội mà vàng
Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây
Thủng thẳng như chúng anh đây
Chẳng đá nào vấp, chẳng dây nào quàng
Đi đâu mà vội mà vàng
Ngã năm bảy cái, lại càng thêm lâu".
Đúng như người Lào quan niệm: "Muốn nhanh thì phải từ từ", sự vội vàng chỉ càng làm tốn thời gian, công sức và nhiều khi là cả tiền bạc. Bài học mới nhất về tác hại khôn lường của việc liều lĩnh đốt cháy giai đoạn, đấy là câu chuyện liên quan đến hãng điện tử Samsung.
Vì muốn nhanh chóng vượt mặt Apple, Samsung đã cố sức tăng tốc quy trình ra mắt chiếc điện thoại Note 7. Hậu quả là chỉ 2 tuần sau khi ra mắt, sản phẩm "bom tấn" của Samsung đã phát nổ theo đúng nghĩa đen và lập tức bị thu hồi.
Theo các nhà phân tích, việc dừng bán và khai tử Note 7 khiến cho Samsung thiệt hại 17 tỷ USD, tương đương với 19 triệu chiếc điện thoại mà hãng này dự kiến sẽ bán được. Ngoài ra, Samsung còn phải đối diện nhiều hệ lụy phát sinh khác như bị khách hàng kiện tụng, giá cổ phiếu lao dốc và nguy hiểm nhất là bị các đối thủ thừa cơ bứt lên.
2. Nhìn lại lịch sử giao tranh không ngừng nghỉ của loài người, càng thấm thía nỗi đau do thói vội vàng để lại.
Mùa đông năm 218 trước Công nguyên, quân Carthage của danh tướng Hannibal lâm vào thế phải đối đầu với một đạo quân La Mã đông đảo gấp bội do 2 chấp chính quan chỉ huy trong trận đánh lịch sử trên con sông đóng băng Trebia.
May mắn cho bên Carthage, vị lãnh đạo điềm tĩnh và khôn ngoan hơn của La Mã là Aemilianus không thể xung trận vì đang phải dưỡng thương. Chấp chính quan còn lại là Longus có tính cách nóng nảy, hấp tấp. Nắm được tình hình, Hannibal tiến hành khiêu chiến từ sáng sớm. Longus, không một giây suy nghĩ, xua quân ra nghênh chiến.
Sau quãng thời gian dài bằng một trận bóng đá có thêm hiệp phụ và loạt luân lưu, quân đội của Hannibal bắt đầu chiếm lợi thế khi quân lính dưới quyền Longus kiệt sức vì… đói. Giới sử gia cho rằng, giá như được Longus cho ăn sáng đầy đủ rồi mới xách gươm, quân La Mã đã không thua thê thảm với 2/3 số lượng binh sĩ tử trận.
Người La Mã đã thất bại ê chề ở "Trận chiến trên sông Trebia" dù chính họ là chủ nhân của một triết lý vẫn tồn tại vững vàng cho đến tận ngày nay: "Thành Rome không thể xây trong 1 ngày". Thế mới hiểu, có những cạm bẫy ghê sợ mà chúng ta nhìn thấy rất rõ nhưng không hiểu vì sao lại cứ đâm đầu vào, hết lần này đến lần khác.
3. Sau khi Sir Alex Ferguson gác kiếm từ quan, Man United đã rất nhanh chóng tìm thấy "Người được chọn". Chỉ có điều, sau đúng 1 năm với quá ít sự tin tưởng và hỗ trợ, David Moyes đã bị tống ra đường. Chưa tròn 1 tháng sau án tử của Moyes, Louis van Gaal đặt chân tới Old Trafford và ở đó được 2 năm lẻ 4 ngày.
Giờ là Jose Mourinho. "Người đặc biệt" mới nắm Man United được 5 tháng rưỡi, nhưng tin hay không thì tùy, có một CĐV của đội bóng giàu truyền thống bậc nhất nước Anh đã dọa… giết chó nếu Mourinho không bị sa thải.
Mà không phải đợi đến sau khi Man United có trận đấu bạc nhược như "thiếu ăn" trên sân Fenerbahce mới đây, làn sóng phản đối Mourinho đã dâng cao từ giữa tháng 9, thời điểm chiến lược gia người Bồ Đào Nha mới trải qua trận đánh thứ 6 (không kể Community Shield) với đoàn quân đỏ.
Người Manchester, tất nhiên không tính những cư dân mặc áo xanh, vẫn chưa học được sự kiên nhẫn với thất bại. Họ đã quá quen với những chiến thắng liên tiếp của kỷ nguyên Ferguson mà quên mất rằng, trong vài năm đầu tiên tại "Nhà hát của những giấc mơ", Sir Alex đã vài lần suýt bị sa thải vì thành tích tệ hại.
Man "đỏ" đang bị đòi hỏi phải chín ép, bởi thế nên Mourinho và hai đời HLV tiền nhiệm của ông không thể hành động một cách "tà tà như phà sang sông". Tất cả đều phải cuống quýt tăng ga, lách trái, lạng phải, thậm chí phi cả lên vỉa hè miễn sao thoát được đèn đỏ.
Mọi chiến thuật, chiến lược và nhân sự đều bị phá đi một cách "quá nhanh, quá nguy hiểm". Mùa 2013/14, Man United dựa vào Wayne Rooney trong vai trò cầu thủ lĩnh xướng hàng công. Mùa 2014/15 là canh bạc mang tên Radamel Falcao.
Mùa 2015/16, Anthony Martial là tiền đạo được thi đấu nhiều nhất. Mùa này, tới lượt Zlatan Ibrahimovic được gửi gắm không chỉ vị trí trung phong cắm mà còn giành cả chiếc áo số 9 của Martial.
Sau mấy trận đầu tiên tỏa sáng, Ibrahimovic tịt ngòi liên tiếp trong những tuần lễ vừa qua và không ngạc nhiên khi điệp khúc "xoay tua" lại vang vọng trên các khán đài Old Trafford.
Trộm nghĩ, nếu không thể nhẫn nại với cuộc cải tổ chắc chắn sẽ còn kéo dài tại Man United, các CĐV thiếu trung thành của CLB này có thể chuyển sang cổ vũ Man City, Chelsea hay Arsenal.
Hoặc sang thăm Hà Nội, nơi vừa khánh thành một tuyến phố đi bộ dành cho những người không muốn vội vã đánh mất cuộc đời.