Thu 300 tỷ đồng/năm từ dữ liệu dân cư
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội ngày 2/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ cho Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư các ngành ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác.
Theo ông Chung, nếu được đồng ý, trước mắt mỗi năm thành phố Hà Nội dự kiến thu được trên 300 tỷ đồng từ việc chia sẻ dữ liệu này.
Để thực hiện thu giá dịch vụ, Chủ tịch Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ban, ngành tháo gỡ các thủ tục, quy trình về thuê các dịch vụ công nghệ thông tin (đường truyền, phần mềm dịch vụ công trực tuyến…).
Ngay sau đề xuất của lãnh đạo Hà Nội, dư luận đặt ra câu hỏi: Khi chia sẻ dữ liệu, có rủi ro nào dẫn đến việc người dân bị lộ thông tin cho các tổ chức, cá nhân bên ngoài hay không?
Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nêu quan điểm: Ý tưởng mang về nguồn thu cho ngân sách của thành phố Hà Nội là rất đáng trân trọng, tuy nhiên, cơ sở dữ liệu dân cư (CSDLDC) là dữ liệu chỉ để phục vụ hoạt động công ích, mang tính chất nhà nước nên việc chia sẻ là không phù hợp.
Ngay cả việc thu thập CSDLDC trước đây cũng đã có nhiều ý kiến phản đối bởi thu thập những thông tin quá chi tiết như cả nhóm máu, độ tuổi, giới tính…
“Quyền bí mật đời tư đã được Hiến pháp và Bộ luật Dân sự bảo vệ”, luật sư Tú khẳng định.
Ðỡ gây phiền hà cho dân?
Trao đổi với báo chí về đề xuất trên, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng: “Việc chia sẻ CSDLDC có lợi cho người dân, doanh nghiệp và ngành kinh tế, giảm được chi phí cho người dân… Thông tin cá nhân không bao giờ lộ lọt và hoàn toàn có thể kiểm soát được”.
Ông Chung cho biết, theo Luật Căn cước công dân hiện hành, việc xây dựng dữ liệu dân cư được giao cho Bộ Công an.
Còn theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì việc tổ chức quản lý dân cư được giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.
Bộ Công an đang xây dựng CSDLDC, cơ sở dữ liệu này là việc cập nhật thông tin chứng minh thư của người dân vào trong hệ thống.
Từ trước đến nay việc này được quản lý rời rạc, nhưng bây giờ được đưa vào hệ thống quản lý. Đưa vào hệ thống thì cơ sở dữ liệu được liên thông, chia sẻ.
Như khi đi làm đăng ký ô tô, hay đi mua sim điện thoại… chỉ cần mở dữ liệu ra là biết thông tin, đỡ phiền hà cho người dân.
Theo ông Chung, dư luận đang bình luận sai về “thông tin cá nhân”, thực tế đây chỉ là chia sẻ 7 thông tin có trong chứng minh thư.
Từ trước đến nay, thông tin chứng minh thư chỉ lưu trong phòng quản lý hành chính, nhưng tới đây sẽ lưu trữ thông tin vào trong một hệ thống.
Thông tin này không chỉ dùng trong ngành công an mà chia sẻ cho các ngành như ngân hàng, đơn vị hành chính, đơn vị công chứng…
Trước những lo ngại về người dân sẽ bị lộ thông tin cá nhân, vi phạm quyền riêng tư, ông Nguyễn Ðức Chung khẳng định sẽ không bao giờ lộ lọt và hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Ví dụ như cấp cho một đơn vị làm công chứng thì chỉ có đơn vị đó mở được. Việc chia sẻ như vậy có phần mềm kiểm soát lưu hết ngày giờ truy cập, truy cập ở đâu và ai mở.