"Bệnh tật cứ đến, tôi sẽ chiến đấu"
Chị Đặng Kim Oanh (58 tuổi, Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) một vận động viên khuyết tật không may mắc phải căn bệnh đa u tủy xương (ung thư máu ác tính) có hoàn cảnh vô cùng éo le.
Căn bệnh u tủy khiến cho chị chỉ nằm liệt một chỗ, khó khăn đủ đường nhưng chị vẫn kiên cường chiến đấu với bệnh tật.
Hoàn cảnh khó khăn nên chị Oanh thường ăn cơm từ thiện, nếu không có cơm từ thiện thì chị được người trong phòng thương cho cơm và thức ăn, có khi chị thì nhờ người nhà bệnh nhân mua giúp.
Khi tôi đến cũng đúng vào giờ cơm trưa, chị không thể ngồi dậy chỉ nằm nghiêng xúc từng thìa cơm đưa vào miệng. Chị cười quay sang nói chuyện với tôi: "Cơm từ thiện đấy em ạ, hơi ít đồ nhưng vẫn ăn được, không ăn được cũng phải cố gắng ăn để lấy sức truyền hóa chất".
Chị Oanh chia sẻ, gia đình chị có 5 chị em (chị là cả), còn lại là 4 em trai, một cậu em mới mất vào mùng 5 Tết vừa rồi, các em bận công việc, mẹ già yếu nên chị đi viện chỉ một thân một mình.
Chị Oanh đang ăn bữa trưa đầy khó khăn khi không có người giúp trên giường.
"Tôi phải học các tự chăm sóc mình, học cách ăn cơm trên giường sao cho không bị vãi, học cách uống nước sao cho không bị sặc, học cách đi vệ sinh một mình… Lúc đầu, khó nhưng dần dần cũng thành thuần thục", chị Oanh nói.
Dù bị bệnh khá nặng nhưng chị Oanh vẫn luôn lạc quan, tin rằng mình có thể chiến đấu với bệnh tật.
"Với ý chí của một người vận động viên không cho phép tôi được bỏ cuộc. Bệnh tật cứ đến tôi sẽ kiên cường chiến đấu tới giây phút cuối cùng. Điều làm cho tôi day dứt nhất đến lúc cuối đời rồi vẫn còn làm khổ người mẹ già hơn 80 tuổi", chị Oanh chia sẻ.
Chị Oanh luôn lạc quan chiến đấu bệnh tật.
Người mẹ già khóc hết nước mắt vì các con lần lượt bệnh tật tìm đến
Chia tay tay chị Oanh, tôi lần theo địa chỉ chị cho, tìm tới ngôi nhà chị đang sống. Nơi chị Oanh và mẹ đang sống nằm sâu trong con nhỏ chỉ một người đi vừa trên phố 494 Bạch Mai. Căn nhà ở trên tầng 2, rộng chỉ khoảng 15m2 trong nhà không có một đồ vật gì có giá trị.
Nơi ở của hai mẹ con chị Oanh.
Bà Bùi Kim Hải (82 tuổi, Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội ), mẹ ruột chị Oanh thắp nén hương lên bài thờ của cậu con trai thứ 4 (mới mất, chưa được 49 ngày), hai mắt ngấn lệ chia sẻ: "Thằng em con Oanh mới mất, hôm nay là tròn một tháng vì căn bệnh ung thư thực quản, giờ lại tới lượt con bé mắc bệnh ung thư.
Sao ông trời lại ác với con bé tới vậy đã lấy đi một bên chân của nó, giờ lại muốn lấy mạng nó".
Theo bà Hải năm chị 22 tuổi, chị Oanh là công nhân nhà máy bông và không may gặp tai nạn lao động một bên chân và tổn thường cánh tay nghiêm trọng. 19 năm sau ngày tai nạn chị không hề bước chân ra ngoài vì mặc cảm.
Năm 2002, chị Oanh được nhóm bạn giới thiệu tham dự Câu lạc bộ Khúc Hạo, nay là Trung tâm thể dục thể thao Hà Nội. Chị Oanh làm quen với môn bóng bàn. ASEAN Para Games năm 2003, lần đầu tiên tham gia chị đã giành được huy chương bạc.
Bà Hải cho biết thêm: "Hoàn cảnh gia đình tôi chẳng giống ai, đông con nhưng đứa con thứ hai, sau khi đi bộ đội năm 1982 trở về ít giao tiếp với mọi người. Đứa thứ 3, do nhà chật nên gia đình nó đã thuê chỗ khác, thi thoảng có chạy qua giúp đỡ mẹ và chị. Còn đứa con út sống một mình nuôi hai đứa con nhỏ cũng khó khăn.
Giờ con Oanh đổ bệnh may mà nó còn một khoản ít ỏi dự trữ lúc khỏe, khi hết khoản đó tôi cũng chẳng biết lấy đây ra tiền giúp con".
Chị Oanh luôn giữ tấm huy chường Para Games để làm động lực cho mình.
Ths. Bùi Thị Hồng, Tổ Công tác xã hội, Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, đây là một trong những trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Suốt thời gian nằm viện chỉ có một mình, thỉnh thoảng mới thấy có em trai vào thăm.
BS. Bùi Thị Phương Thu, Khoa ung Bướu, bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh nhân Oanh vào viện điều trị đã được 2 tháng, trong tình trạng chảy máu mũi, miệng nhiều, bệnh nhân bị thiếu máu nặng.
Kết quả xét nghiệm bệnh nhân được chẩn đoán đa u tủy xương (bệnh ung thư máu ác tính). Ngoài tình trạng bệnh lý ung thư, bệnh nhân còn bị xơ gan, suy thận, thoái hóa xương, bệnh nhân đau nhiều và thể trạng yếu do thiếu máu nhiều.
Theo bác sĩ Thu, trường hợp của bệnh nhân Oanh sẽ được chỉ định điều trị hóa chất để điều trị ung thư. Tuy nhiên, do bệnh nhân chảy máu nhiều, huyết áp tăng nên chưa thể chỉ định truyền hóa chất.
Hiện tại đang điều trị viêm tai giữa và sắp tới sẽ được xét điều trị hóa chất. Quá trình điều trị sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thể trạng của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân sức khỏe tốt, đáp ứng thuốc thì sẽ còn có cơ hội sống.
"Bệnh đa u tủy xương sẽ khiến cho bệnh nhân cực kỳ đau đớn, tuy nhiên bệnh nhân Oanh lại chống chịu cơn đau rất giỏi. Từ khi vào viện bệnh nhân rất lạc quan, tích cực phối hợp cùng bác sĩ điều trị", bác sĩ Thu nói.
Từ trường hợp của bệnh nhân Oanh mắc ung thư nhưng đến viện ở giai đoạn quá muộn bác sĩ khuyến cáo, khi bị đau xương, thiếu máu, hay bị hoa mắt cần phải đi khám luôn.
Tấm lòng hảo tâm có thể ủng hộ chị Oanh qua tài khoản; Chủ tài khoản, Đặng Kim Oanh; Số tài khoản: 020074803386, Ngân hàng Sacombank, phòng giao dịch Nam Đông - Chi nhánh Hàng Bài, Hà Nội Hoặc Tổ Công tác xã hội & Khoa Ung Bướu Bệnh viện Thanh Nhàn - số 42 Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội - ĐT 091.2525.363 (Ths. Bùi Thị Hồng).