Cứ mỗi độ mùa mưa về, Hà Nội - trái tim của dải đất hình chữ S lại ngập. Chỉ cần mưa lớn vài tiếng không dứt, khắp các đường phố Hà Nội ngập nước, ách tắc giao thông và hư hỏng nhiều phương tiện ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.
Mưa cả ngày thì sẽ là nỗi kinh hoàng của người dân. Còn với những người dân sống trên độ cao 1.500m so với mực nước biển ở làng Mawsynram thì sao khi nơi đây mưa nhiều quanh năm?
Mawsynram - Ngôi làng "yêu" mưa nhiều hơn nắng
Không ngoa khi nơi đây được xác nhận kỷ lục Guinness là “nơi ẩm ướt nhất thế giới”. Mọi thứ đều có lý do.
Ngôi làng trên đồi Khasi cách Shillong - thủ phủ của bang Meghalaya được biết đến là nơi mưa nhiều nhất thế giới. Bởi lượng mưa trung bình năm lên tới 11.872mm.
Người dân ở đây “tương tác” với nước mưa và ẩm ướt nhiều hơn tần suất nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Họ có thể chạm vào những đám mây là chuyện bình thường, thậm chí còn có thể ngửi và nếm mùi hơi nước trong mây. Tọa lạc trên độ cao như vậy, làng Mawsynram tựa như khung cảnh cổ tích khi mây bay vào nhà thường xuyên, các ngôi nhà thấp thoáng ẩn hiện trong bóng mây liên tục.
Nhưng cuộc sống của người dân thì không cổ tích như vậy. Mặc dù việc mưa triền miên qua ngày tháng khiến cho cây cối nơi đây luôn xanh tốt, um tùm.
Mỗi đợt gió mùa về làng, Mawsynram như chìm trong tiếng mưa rơi. Người dân phải lót cỏ trên mái nhà để giảm bớt tiếng ồn. Tiếng mưa rơi ồn đến mức nói chuyện với nhau cũng khó, học sinh lên lớp còn chẳng nghe được tiếng giảng bài của giáo viên. Bởi vậy, đối với trẻ em nơi đây, khi gió mùa về chính là lúc chúng được “nghỉ lễ”.
Khó khăn là vậy nhưng đối với du khách ghé thăm ngôi làng, họ tỏ ra thích thú với những điều đặc biệt nơi đây. Họ có thể vui vẻ, thỏa thích chụp ảnh những chú ếch phình miệng nằm dưới những tán dương xỉ khổng lồ.
Knups - “Đặc sản văn hóa” của người Mawsynram
Hễ có mưa lớn tràn về, dai dẳng, triền miên như vậy, dân làng Mawsynram đã sáng chế ra một vật dụng đi mưa độc lạ. Vật dụng này sau trở thành đặc trưng của người dân Ấn Độ nơi đây. Đó chính là Knups.
Knups đan bằng nan tre được tạo hình giống mai rùa. Khi rời nhà, người dân sẽ đội Knups lên đầu để tránh mưa. Nơi đây, sẽ hiếm khi bắt gặp người dân dùng áo mưa, bởi thứ chủ yếu du khách nhìn thấy người dân dùng là Knups hoặc ô.
Quá trình tạo nên một chiếc Knups mất rất nhiều công sức và thời gian. Những người phụ nữ nơi đây có thể bận rộn suốt mùa mưa để đan Knups. Tre và cỏ chổi được dùng để làm chổi. Nhiều người dành toàn bộ thời gian của mình trong lúc gió mùa về và cả mùa đông để làm những chiếc giỏ tre, chổi và dạy trẻ để bán khắp bang.
“Sống đâu âu đó”
Tưởng chừng người dân nơi đây sẽ cảm thấy “bất mãn” khi phải chịu đựng kiểu thời tiết như vậy. Họ tìm cách để thích ứng với khí hậu nơi đây. Ngôi làng Mawsynram và người dân bình thản đón nhận những cơn mưa như trút nhiều ngày.
Mawsynram không mưa cả năm, những tháng gió mùa qua đi, thời gian còn lại họ lại phải đối mặt với tình trạng khô cằn thiếu nước, đặc biệt là mùa đông.
Khi hỏi cảm nhận của người dân về cuộc sống ở nơi mưa nhiều như Mawsynram, họ có vẻ chẳng mấy bận tâm tới việc mưa nhiều hay mưa ít. Bởi dù sao cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn, giống như chàng trai Winchester Lyngkhoi nói rằng: “Chúng tôi không nghĩ về điều đó khi phải làm việc”.
Người dân phải dành hàng tháng trời để chuẩn bị cho mùa mưa, đặc biệt là khi gió mùa tràn về. Việc dữ trữ lương thực tựa như một nghi thức đặc biệt của người làng Mawsynram. Bởi việc ra khỏi nhà đi mua thực phẩm trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 thực sự là một cực hình.
Cảnh đẹp khó quên ở Mawsynram
Ngôi làng Mawsynram là giấc mơ của những người yêu thiên nhiên và ưa khám phá. Khi mưa tràn về, gió mùa tới, những thác nước vùng đất này tạo nên cảnh đẹp tuyệt sắc.
“Maw” trong tiếng Khasi có nghĩa là “đá”. Bởi vậy, ngôi làng này không chỉ là nơi có lượng mưa lớn nhất thế giới, mà nơi đây còn nổi tiếng với những hang động sa thạch chứa thạch nhũ lung linh, tiêu biểu là Krem Puri.
Nếu là người đam mê động vật hoang dã, du khách có thể đến Phlangwanbroi và đi sâu vào rừng rậm để tận mắt chứng kiến quần thể vượn Hoolock.
Nằm ở độ cao gần 1.500m, những thác nước đẹp như tranh vẽ hòa quyện vào cảnh quan xanh tốt nơi đây tạo nên một thiên nhiên hùng vĩ.
Đã đến với Mawsynram, du khách không thể không trải nghiệm jingkieng deingjris - những cây cầu sống được làm từ rễ cây cao su. Từ khi xuất hiện và phát triển qua hai thập kỷ, người dân địa phương nơi đây biết bện jingkieng deingjris để vượt qua những dòng chảy tạo từ nước mưa trong lúc gió mùa về.
Thời gian tốt nhất để đến thăm Mawsynram là giữa tháng 9 và tháng 11. Nhiều thông tin cho rằng lượng mưa trong hai tháng này ít nhất và thời tiết cũng dễ chịu nhất. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tận hưởng những cơn mưa như trút và chứng kiến chúng càn quét làng Mawsynram thế nào, thì hãy đến đây vào mùa mưa.