7h30 sáng 7/11, tại ngã tư Lê Quang Đạo - Mễ Trì (Nam Từ Liên, Hà Nội) - một phần của đường đua F1, mật độ phương tiện giao thông rất đông đúc từ tất cả các hướng, song do không có hệ thống đèn tín hiệu nên giao thông rất lộn xộn.
Theo một số người dân phản ánh, không chỉ ùn tắc vào hầu hết các khung giờ cao điểm, mà những sự cố, va chạm giao thông thường xuyên diễn ra, khiến giao thông càng thêm khó khăn.
Anh Nguyễn Trọng Tùng, ở Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: "Em thấy giao thông đi lại lộn xộn lắm, bởi vì không xe nào nhường xe nào cho nên xảy ra ùn tắc là chuyện bình thường vào các giờ cao điểm. Tai nạn ở đây xảy ra liên tục, kể cả ngày hay đêm đều có. Nhà em ở ngay trong này mà".
Một số người tham gia giao thông cũng không khỏi ngán ngẩm mỗi khi phải lưu thông qua nút giao này:
"Cũng hơi khó khăn thật. Lần đầu tiên qua đây mà em thấy nó như này là em thấy hơi bế tắc, hơi khó khăn thật".
"Hôm nào tắc nhiều, có lần 10-15 phút, có khi chỉ 5 phút thôi. Nếu không có CSGT thì thường xuyên tắc".
Đường đua F1 đang bỏ hoang, nằm cạnh sân vận động Mỹ Đình. Ảnh: AFP
Theo tìm hiểu của phóng viên VOVGT, dù được xác định là "cú hích" quảng bá điểm đến Việt Nam và thu hút du khách quốc tế, nhưng giải đua xe công thức 1 đã bị hủy bỏ vô thời hạn do COVID-19. Hiện toàn bộ khu vực bên trong đường đua F1 được giao cho Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội quản lý, đang bị bỏ hoang với rào chắn người hâm mộ và những tấm bảng nhựa đang trơ trọi giữa khu đất trống.
Khu vực bên ngoài, gồm hệ thống đường giao thông hai bên đường Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ, phía trước khu vực sân vận động Quốc gia Mỹ Đình hiện do Sở GTVT Hà Nội quản lý, khai thác phục vụ giao thông của khu vực.
Tuy vậy, do mới chỉ khai thác tạm thời, nên ngay cả việc lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu cũng chưa được chú trọng. Nút giao Lê Quang Đạo - Mễ Trì là một ví dụ điển hình, dù mật độ giao thông rất lớn, nhưng do không có hệ thống đèn tín hiệu nên thường xuyên ùn tắc. Thậm chí, thời gian gần đây, khu vực này đã xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng, càng khiến người dân lo ngại về nguy cơ mất an toàn giao thông.
Thượng úy Nguyễn Minh Đức, Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết: "Phương tiện đi lại rất lộn xộn, người thì rẽ, người thì đi thẳng, cắt ngang dọc phương tiện nhau, nên rất khó để lưu thông. Theo tôi đề xuất lắp đèn 4 chiều ở đây cho các phương tiện đi lại theo hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông trong bùng binh này sẽ an toàn và ổn định hơn".
Nút giao Lê Quang Đạo - Mễ Trì. Ảnh: Lao động
Theo Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Trường Đại hoc GTVT, để xảy ra tình trạng như hiện nay trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý và nhà đầu tư tổ chức sự kiện. Bởi lẽ ngay từ bước lập dự án đầu tư đã phải tính toán đến các phương án tổ chức giao thông, khi có sự kiện và không có sự kiện.
Trong các phương án, phải tính toán đến việc đánh giá tác động và đều có thể lường trước được các tình huống xảy ra. Đây là điều kiện cần thiết trong quản lý giao thông khi triển khai các dự án, đặc biệt là trong khu vực đô thị và đây lại là tuyến đường huyết mạch, trục chính của đô thị Hà Nội.
"Để tránh vô tình biến nơi đây thành nơi tụ tập đua xe trái phép, gây TNGT ở khu vực này thì trong những ngày không có sự kiện chúng ta phải đưa khu vực này trở về chế độ tổ chức giao thông thông thường. Bởi dẫu sao đây cũng là tuyến đường giao thông công cộng, chứ không phải là tuyến đường đua đặc thù. Do vậy, dù có dịch COVID-19 hay không thì sẽ phải tính toán đến hai khung thời gian trong dịp sự kiện và khi không có sự kiện, việc tổ chức giao thông sẽ phải thích ứng với hai khung thời gian đó", Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn cho biết.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Quang Toản cũng cho rằng, thành phố cần sớm lên kế hoạch sử dụng tuyến đường này phục vụ cho giao thông thông thường hoặc phục vụ cho việc đua xe: "Nếu bây giờ chúng ta tổ chức tốt được và hạn chế nó trong một khu vực, phục vụ cho những người thích đua xe, thích tốc độ cao một cách có tổ chức, thì vừa thỏa mãn nhu cầu vừa tránh lãng phí, hạn chế bớt những rủi ro đua xe tự phát, thì nó lại có ích cho xã hội".
Ông Nguyễn Quang Toản cho biết thêm, nếu công trình xây dựng dành riêng cho hoạt động đua xe Công thức 1 thì cần được rào chắn khu vực này. Trường hợp công trình được xây dựng theo cách sử dụng cho cả hoạt động giao thông đi lại bình thường thì chỉ tiến hành rào chắn khi tổ chức giải đua xe.
Theo ông Khương Kim Tạo, Nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, TP. Hà Nội nên rà soát lại những quy định của pháp luật liên quan đến cấp phép, đầu tư xây dựng và triển khai thực hiện trong thời gian qua. Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, Thành phố cũng cần có những biện pháp quản lý phù hợp: "Chúng ta phải có những giải pháp để quản lý khu đất đấy và quản lý đường đó để không phải ai thích vào cũng vào được trong trường hợp chưa khai thác.Trong trường hợp được khai thác thì phải khai thác theo quy định của pháp luật. Đường đấy xe nào được chạy và ai được chạy vào đấy. Ngoài yêu cầu phương tiện, người điều khiển phương tiện và phép được hoạt động ở đó".
Do công trình bỏ hoang đã lâu nên trẻ em chui rào vào khu vực trường đua đẻ đá bóng, thể dục thể thao. Ảnh: Đại đoàn kết
Với quỹ đất cho đường đua F1 lên đến 88ha, trong bối cảnh Giải đua bị hoãn vô thời hạn, việc không có kế hoạch sử dụng quỹ đất một cách hợp lý sẽ trở nên rất lãng phí. Đặc biệt, đường đua bên ngoài vốn là trục giao thông chính, nếu không được quản lý, sử dụng hiệu quả, không những gây lãng phí, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, thậm chí bị biến thành nơi tụ tập, đua xe trái phép./.