Nhà ở phố cũ không cao quá 22 mét
Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, phân khu đô thị Hoàn Kiếm, gồm khu phố cổ, Hồ Gươm và phụ cận, khu phố cũ, diện tích quy hoạch 347,45 ha, dân số dự kiến (2030 - 2050) khoảng 100.000 người; hiện trạng đang có 91.219 người.
Định hướng của quy hoạch phân khu này là bảo tồn, tôn tạo, bổ sung hạ tầng xã hội.
Phân khu đô thị Ba Đình, diện tích quy hoạch 703,93 ha, dân số dự kiến 160.000 người; hiện trạng 199.586 người. Định hướng cải tạo, tái thiết, bổ sung hạ tầng xã hội, hạn chế phát triển nhà ở cao tầng mới.
Phân khu đô thị Đống Đa, diện tích quy hoạch 994 ha, dân số dự kiến 255.000 người; hiện trạng 371.000 người. Định hướng cải tạo, tái thiết, bổ sung hạ tầng xã hội, hạn chế phát triển nhà ở cao tầng mới.
Phân khu đô thị Hai Bà Trưng, diện tích quy hoạch 664,37 ha, dân số dự kiến 157.000 người; hiện trạng 255.000 người. Định hướng của khân phu này là cải tạo, tái thiết, bổ sung hạ tầng xã hội, hạn chế phát triển nhà ở cao tầng mới.
Theo ông Hùng, định hướng của quy hoạch là kiểm soát dân số; bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế; di dời các cơ sở công nghiệp, kho tàng, trường đại học, trụ sở các bộ, ngành; cải tạo các không gian hiện có, tái thiết các khu chung cư cũ; phát triển giao thông công cộng, đường sắt đô thị; bảo tồn di tích, di sản, hình thành hành lang xanh, không gian công cộng; phát triển các trục chính đô thị; cải tạo không gian kiến trúc…
Cụ thể hơn, ông Hùng nêu, Quy hoạch hướng tới việc phát triển hệ thống đường giao thông, đường sắt đô thị đồng bộ, đầy đủ. Phát triển đường sắt đô thị, xung quanh có hệ thống khoảng 89 bãi đỗ xe, trong đó 38 bãi xe cao tầng, 51 bãi xe ngầm.
Việc di dời các trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô sẽ tạo ra quỹ đất khá lớn, ưu tiên giải quyết các vấn đề như xây dựng trường học, nhà trẻ, công viên cây xanh, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo đồ án, không gian nội đô lịch sử được xác định chủ yếu là công trình thấp tầng.
Công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị. Tại khu vực xây dựng công trình cao tầng, thành phố sẽ ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung các tiện ích như cây xanh, bãi đỗ xe...
Với một số khu vực đặc thù, đồ án quy định kiến trúc cảnh quan, thiết kế riêng, trong đó có khu vực phố cổ, Hồ Gươm và vùng phụ cận. Với khu phố cũ, nhà được phép xây từ 4 đến 6 tầng (16- 22 m). Các khu vực hạn chế phát triển còn lại được xây nhà cao từ 5 đến 7 tầng (20- 25 m).
Giảm dân thế nào?
Nói về các giải pháp giảm dân số, ông Nguyễn Đức Hùng cho biết, qua tính toán, việc giảm hơn 200.000 người dân khỏi khu vực nội đô lịch sử là khả thi. Thứ nhất, việc di chuyển các cơ sở ra khỏi nội đô lịch sử sẽ giảm khoảng 120.000 người.
Cùng với đó là việc giải phóng mặt bằng để mở đường, giải phóng dân cư các khu lấn chiếm, các khu di tích lịch sử, các khu lấn chiếm đất công… “Khoảng 100.000 dân còn lại sẽ giảm cơ học, mang tính tự nhiên, bởi sự di dời các bộ, ngành khỏi nội đô sẽ kéo theo một bộ phận lớn người dân đi theo.
Cùng với đó, khi hình thành các khu đô thị mới bên ngoài, cũng kéo người dân theo ra ngoài. Ví dụ ở quận Hoàn Kiếm, trong 6 năm trở lại đây, dân số đã giảm 20.000 người”, ông Hùng nói.
Người dân xem bản đồ quy hoạch khu vực 4 quận nội đô Hà Nội Ảnh: PV
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, các quy hoạch nội đô lịch sử vừa được phê duyệt cũng gắn với đề án giãn dân mà quận triển khai trong nhiều năm qua.
“Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị, quận cũng dành nguồn lực rất lớn cho giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân sống trong di tích, trường học, công sở.
Vì vậy, như báo cáo cho thấy, số lượng dân cư trên địa bàn quận đã giảm so với trước đây”, ông Long nói.
Theo ông Long, nhu cầu của người dân hiện nay cao hơn so với trước, nhiều người mong muốn có diện tích nhà ở lớn hơn, tiện nghi hơn, nhà ở trong phố cổ không đáp ứng được, vì thế họ chọn việc di chuyển ra ngoài. Các diện tích ở phố cổ nhường lại cho việc phát huy giá trị di sản, phục vụ du lịch, thương mại…
Làm rõ hơn vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, tổng thể khu vực nội đô lịch sử bao gồm bốn quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) và phần cơ bản quận Tây Hồ, trong khu vực từ Vành đai 2 đến hữu ngạn sông Hồng có 1,2 triệu dân, đến năm 2030 sẽ giảm còn 800.000 người; trong đó sáu đồ án phân khu nội đô lịch sử dân số trên 880.000, đến 2030 sẽ giảm về 670.000 người.
Ông Tuấn cũng cho biết, các đồ án quy hoạch đã được triển khai tuân thủ chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, đã lấy ý kiến của các tổ chức nhân dân, chính quyền các cấp, đã báo cáo nội dung cơ bản của đồ án với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Xây dựng, Bộ VHTT&DL.
Với việc công bố 6 quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, Hà Nội đã hoàn thành 36/38 quy hoạch phân khu theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Hiện còn hai quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống, thành phố đang tập trung hoàn chỉnh, dự kiến tháng 6/2021 sẽ phê duyệt.