Hà Nội: Cố vượt qua lối đi tự mở, nam thanh niên bị tàu hỏa tông dẫn đến nguy kịch

Minh Ngọc |

Trong lúc tàu hỏa đang đi qua, nam thanh niên cố tình vượt dẫn đến vụ tai nạn giao thông.

Tối 24/5, người dân tham gia giao thông trên đường Lê Duẩn (gần ngã tư Đại Cồ Việt) gặp vụ tai nạn đường sắt, giao thông bị gián đoạn do nhiều người đứng lại chứng kiến.

Theo các nhân chứng, vào thời điểm tàu đang đến gần, nhiều người đứng lại chờ tàu đi qua nhưng một nam thanh niên vẫn cố tình vượt qua, mọi người hô hào nhắc nhở nhưng người này vẫn phớt lờ.

Tại hiện trường, chiếc xe máy mang BKS tỉnh Ninh Bình bị hư hỏng, biến dạng văng ra rất xa. Nạn nhân cũng bị thương rất nặng cách đầu tàu khoảng vài mét.

Hà Nội: Cố vượt qua lối đi tự mở, nam thanh niên bị tàu hỏa tông dẫn đến nguy kịch- Ảnh 1.

Vụ tai nạn tàu hỏa khiến nam thanh niên nguy kịch (Ảnh: MXH)

Liên quan đến vụ tai nạn trên, thông tin từ đại diện Đường sắt Việt Nam cho biết, vào lúc 19h23 phút, ngày 24/5, tàu SSE3 đi đến Km 1+550 (đây là lối đi tự mở) khu gian Hà Nội - Giáp Bát va phải một nam thanh niên khoảng 30 tuổi, đi xe máy BKS: 35N1-513.42 vượt qua đường sắt.

Hậu quả, nạn nhân bị thương nặng, xe máy bị hỏng, ngay sau đó tổ tàu đã cử nhân viên ở lại đưa nạn nhân đi cấp cứu và giải quyết tiếp. Tàu SSE3 chạy lại lúc 19h47 phút cùng ngày.

Hà Nội: Cố vượt qua lối đi tự mở, nam thanh niên bị tàu hỏa tông dẫn đến nguy kịch- Ảnh 2.

Khu vực xảy ra vụ tai nạn là đường tự mở

Người dân chủ quan với đường tự mở

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, hiện trên địa bàn Thủ đô có 6 tuyến đường sắt đi qua, với chiều dài 162km, đi qua 18 quận/huyện, với 460 điểm giao cắt, trong đó có 183 đường ngang hợp pháp và còn 277 lối đi tự mở.

Năm 2023, xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt khiến 13 người tử vong, tuy giảm nhẹ về số vụ nhưng lại tăng về số vụ tai nạn nghiêm trọng so với năm trước đó.

Trong 3 tháng năm 2024 trên địa bàn xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 2 người.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội cho hay, bên cạnh sự chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác của người dân thì nguyên nhân chính là các lối đi tự mở chưa được xóa bỏ, tiến độ làm đường gom, hàng rào chưa được chính quyền địa phương quan tâm thực hiện.

Theo ông Tuấn, để xóa bỏ được hết lối đi tự mở này Hà Nội phải hoàn thành được đường gom, muốn làm đường gom và mở các đường ngang hợp pháp thì Hà Nội phải dành quỹ đất và bố trí kinh phí để triển khai rào đóng. Tại một số lối đi tự mở có mật độ giao thông cao, đi vào các khu dân cư, đề nghị Hà Nội tổ chức bố trí các lối đi tự mở này thành các lối đi hợp pháp, cử người cảnh giới, đóng chắn.

Ngoài ra cần tăng cường tuyên truyền, xây dựng lộ trình khẩn trương làm đường gom mới xóa được lối đi tự mở; phải giải quyết hết các vi phạm xây dựng nhà và lấn chiếm đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt, bảo vệ công trình đường sắt. Đồng thời trước khi giao đất cho dân, địa phương phải bố trí được lối đi để đảm bảo người dân đi qua mà không phải giao cắt với đường sắt để đảm bảo an toàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại