Ông Nguyễn Hồng Quân là một nghệ nhân cây cảnh có tiếng ở Thường Tín (Hà Nội). Vài năm gần đây, ông ghi dấu trong làng cây với tác phẩm "Vạn cổ lưu phương".
Hơn 2 năm trước, có một đại gia cử người đến xem cây rồi trao đổi với ông qua điện thoại. Vị đại gia này trả giá 12 tỷ đồng và hứa sẽ chuyển khoản ngay, chuyển cây đi vào ngày hôm sau. Tuy nhiên ông từ chối vì cho rằng nếu anh ta thực sự yêu cây, quý cây thì ít nhất phải đến trực tiếp đến xem chứ không thể thương lượng qua điện thoại như mua một món hàng hoá thông thường.
Sau đó, có nhiều người ngỏ ý trả giá từ 15 đến 20 tỷ đồng nhưng ông cho rằng họ không đủ thành tâm, hoặc là nói qua điện thoại, hoặc là úp mở mặc cả nên ông dần tìm cách thoái thác. Nếu họ gọi điện thì ông cũng không nghe.
Ông Quân cho biết làm được tác phẩm để đời cũng giống như đẻ đứa con tinh thần. Ông không thể chỉ vì tiền mà gả con cho nhà giàu. Với ông, giàu thôi chưa đủ. Người mua cần phải yêu cây, quý cây, biết cách chăm sóc cây. Khi mua về, họ phải đặt cây ở vị trí trang trọng, có nhiều người ngắm nghía, khen ngợi thì ông mới đồng ý.
Trải qua 30 năm làm nghề, ông sở hữu vườn với hàng nghìn cây cảnh. Việc bán các cây nhỏ cho ông thu nhập ổn định nên ông không bị áp lực tiền bạc. Vì thế, ông không đặt nặng chuyện bán tác phẩm mà ông tâm đắc nhất. Ông đặt tên cho cây là "Vạn cổ lưu phương" với mong muốn được lưu danh và sánh vai với những siêu phẩm đã có thương hiệu trong làng cây Việt.
Cây sanh Nam Điền này được mua từ một cụ già 80 tuổi ở Phú Xuyên (Hà Nội). Cụ không biết cây bao nhiêu tuổi nhưng đời ông nội của cụ đã mua cây này vào năm 1893 nhân dịp làm nhà. Ban đầu, cây có hình con chim nhưng sau nhiều năm, cụ không biết cắt tỉa nên đến năm 2011 thì cây có hình mâm xôi.
Trải qua 2 đời chủ, ông Nguyễn Hồng Quân mua được cây vào năm 2015. Lúc đó ông phải đắn đo, suy nghĩ mất một tuần vì thị trường cây cảnh gần như đóng băng, không có giao dịch. Việc bỏ một số tiền lớn không tưởng cho một cây phôi đã làm xôn xao giới cây cảnh. Nhưng bằng con mắt của người đã lăn lộn mấy chục năm trong nghề, ông đã vẽ ra kế hoạch để tạo tác và ông tin rằng 5-6 năm nữa nó sẽ nổi tiếng.
Để mua được cây, không chỉ bỏ số tiền lớn, ông còn có một quan hệ đặc biệt thân tình với chủ cây từ trước. Ngày đưa cây về nhà, ông sung sướng không ngủ được, cả đêm thắp điện ngắm cây. Tuy vậy, ông vẫn chưa dám động vào "cụ cây". Phải vài tháng sau, khi đã nghiên cứu thật kỹ, chọn ngày tinh thần minh mẫn, sức khoẻ tốt ông mới dám bắt tay vào chế tác.
Cây sanh vốn có 5 thân, được các cụ tạo theo thế ngũ phúc. Ông quyết định giữ một số nét đẹp sẵn có và điều chỉnh để nhìn từ xa, cây giống như một cây đa đầu làng thân thuộc.
Ông Vương Xuân Nguyên, chánh văn phòng hội sinh vật cảnh Hà Nội, cho biết "Vạn cổ lưu phương" là tác phẩm tiêu biểu cho dòng cây tân cổ giao duyên, vừa có nét cổ điển, vừa có nét hiện đại. Cây dáng trực và có những cành phóng tạo ra độ mềm dẻo. Cây phô thân từ gốc đến tận ngọn, khoe được các bộ lá tỷ lệ rất hài hòa với thân và các bộ phận khác. Yếu tố cổ nhìn thấy rất rõ đó là sự nu cục cũng như sự chùn rụt của các đầu cành.