Hà Nội dự chi hơn trăm tỷ phun nước hạ nhiệt đường phố, tuy nhiên những ngày nắng như đổ lửa vừa qua, ở nhiều quận, huyện vẫn chưa triển khai việc phun nước, thậm chí có nơi phải chờ đến tháng 8 mới thực hiện.
Nói về việc TP Hà Nội chấp thuận chi hàng trăm tỷ cho việc phun nước để hạ nhiệt đường phố trong những ngày nắng nóng, anh Nguyễn Đức Long (xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Chủ trương của TP Hà Nội là vậy, nhưng thực tế những ngày qua đã nắng nóng gay gắt lên tới hơn 40 độ C, nhiều thời điểm mặt đường bốc nhiệt lên tới hơn 50 độ C vẫn không thấy cơ quan nào cho phun nước. Người dân chúng tôi chắc chỉ biết chờ trời mưa hạ nhiệt thôi”.
Trao đổi với PV, một cán bộ Phòng TNMT huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho hay: Tuần trước, huyện Hoài Đức đã làm việc với Sở Xây dựng TP Hà Nội. Theo chỉ đạo, bắt đầu từ ngày 1/8, sau khi thực hiện xong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu (theo hướng dẫn của Sở Tài chính, Sở Xây dựng), huyện mới tổ chức thực hiện tưới nước làm mát đường.
Theo vị này, trước đó, từ tháng 1/2020, UBND huyện Hoài Đức đã có báo cáo việc thực hiện Chỉ thị 19 của UBND TP về nâng cao chất lượng không khí trên địa bàn. Liên quan đến công tác đấu thầu, đấu giá cũng như tổ chức nguồn vốn thì mãi đến ngày 15/6 mới có hướng dẫn cụ thể thực hiện việc này.
"Trước đây, hạng mục tưới nước rửa đường được đưa vào công tác đấu thầu. Tuy nhiên, công tác đấu thầu từ năm 2017-2020 chỉ được thực hiện theo chỉ đạo của TP.
Chính vì vậy, việc tưới nước rửa đường hay tưới nước giảm ô nhiễm môi trường đều phải có chỉ đạo chứ không phải huyện tự thực hiện", ông Trường nói.
Về vấn đề kinh phí phục vụ cho công tác này, theo ông, TP Hà Nội không có văn bản nào phê duyệt về bổ sung nguồn vốn cho việc này.
"TP cho tiến hành lấy kinh phí từ nguồn kinh phí phục vụ sự nghiệp môi trường và phải thông qua đấu thầu chứ không phải lấy trực tiếp từ ngân sách", vị cán bộ Phòng TNMT giải thích.
Trước băn khoăn về hiệu quả của việc tưới nước hạ nhiệt đường vào tháng 8 vì thời điểm này đã qua mùa nắng nóng cao điểm, vị này khẳng định "huyện thực hiện theo chỉ đạo của TP Hà Nội và đảm bảo đúng quy định".
Trong khi đó, một lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai (đơn vị ký hợp đồng tưới nước làm mát lòng đường trong thời tiết nắng nóng – PV) cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, công tác phun nước làm mát cho các tuyến đường trên địa bàn quận vẫn chưa được thực hiện vì Sở Xây dựng vẫn đang rà soát lại quy trình, khối lượng cũng như cân đối bố trí kinh phí liên quan. Trước đó, một số quận, huyện cũng đã có kế hoạch trình TP”.
Xe môi trường phun nước trên các tuyến phố của Hà Nội.
Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai, nguồn kinh phí này thì quận phải tự cân đối, tuy nhiên vẫn phải xin chủ trương.
"Hiện giờ, các cơ quan liên quan vẫn đang tiếp tục rà soát tại các quận, huyện.
Cũng chưa rõ cụ thể là thời gian nào mới có thể tiến hành tưới nước làm mát lòng đường. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ cố gắng thực hiện sớm nhất trong khả năng có thể và khi có thông tin cụ thể sẽ thông báo tới báo chí", lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai nói.
Nhiều người dân bày tỏ sự khó hiểu với việc các địa phương rất chậm trễ, tháng 8 mới phun nước hạ nhiệt đường khi thời tiết đã qua giai đoạn nắng nóng gay gắt.
Anh Nguyễn Văn Minh (38 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Theo tôi được biết chủ trương phun nước nhằm làm mát lòng đường trong thời tiết nắng nóng thì đã có. Nhưng chắc nó chỉ đang ở trên “giấy” mà thôi.
Chờ đến tháng 8 mới phun nước làm mát lòng đường thì phun làm gì nữa. Giờ trời nắng như đổ lửa thì các cơ quan chức năng của các quận, huyện đang lên kế hoạch và cho các đơn vị đấu thầu… Rồi chờ cấp trên phê duyệt nữa thì không biết đến khi nào mới thực hiện được”.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc cho phép rửa đường trở thành một nội dung trong công tác duy trì vệ sinh môi trường thường xuyên.
Việc rửa đường không chỉ giảm bụi, giảm ô nhiễm không khí, tăng cường bảo đảm chất lượng vệ sinh môi trường mà còn giúp hạ nhiệt trong những ngày nắng nóng.
UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm về phương án, khối lượng duy trì (thường xuyên và không thường xuyên) phù hợp với thực tế, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí, không chồng lấn với hoạt động của xe quét hút, không tưới nước rửa đường ngày mưa.
Ngoài ra, thực hiện rửa đường không thường xuyên đối với tuyến phố, khu vực tổ chức sự kiện, lễ hội và trong ngày nắng nóng...