Hà Nội: Cả nhà nhiễm vi khuẩn gây bệnh dạ dày, chuyên gia lưu ý 2 sai lầm nguy hiểm

Tiểu Nhã |

Vi khuẩn HP – được coi là một trong những yếu tố gây ung thư dạ dày, viêm loét dạ dày và điều đặc biệt ở Việt Nam có tới 70% người bị mắc vi khuẩn này.

Cả nhà nhiễm vi khuẩn HP

Anh Vũ Văn Thanh – Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội tâm sự, vừa nghỉ hè anh đưa hai đứa con đi test vi khuẩn HP tại một bệnh viện trên đường Thuỵ Khuê, Hà Nội và kết quả cả hai cháu đều dương tính với vi khuẩn này.

Anh Thanh cho biết, vợ chồng anh đều bị đau dạ dày do vi khuẩn HP. Cách đây vài tháng, anh Thanh chán ăn, mệt mỏi, đau thượng vị đi kiểm tra sức khoẻ bác sĩ chẩn đoán viêm loét dạ dày, vi khuẩn HP hoạt động mạnh. Anh Thanh cũng làm sinh thiết nhưng chưa có tế bào lạ.

Vợ anh thì bị viêm dạ dày từ chục năm nay và cũng dương tính với vi khuẩn HP. Lúc đầu nghe vi khuẩn này có thể gây ung thư dạ dày cả nhà anh đều hoang mang nhưng khi tìm hiểu, được bác sĩ tư vấn anh đỡ lo lắng phần nào.

Hai bé nhà anh Thanh được đưa vào Bệnh viện Nhi trung ương, bác sĩ điều trị cho uống kháng sinh để tiêu diệt HP. Còn nhỏ đã mang vi khuẩn gây viêm loét dạ dày nên cả hai bé đều gày, lười ăn và hay đau bụng vùng quanh rốn.

GS - TS Đào Văn Long – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Nguyên trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Tổ chức Y tế thế giới WHO thống kê có tới 50% người dân thế giới mang bệnh viêm dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori, gọi tắt là HP gây ra. Tại Việt Nam khoảng 70 %, riêng Hà Nội tỷ lệ rất cao.

Theo GS Long, vi khuẩn HP sống trong dạ dày của người tiết nhiều enzim và nội độc tố làm cho bề mặt niêm mạc dạ dày (lớp nhày loãng ra) giảm khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày. Chất gây viêm của nội độc tố dễ làm cho niêm mạc dạ dày viêm gây viêm cấp và mãn ở dạ dày, gây viêm loét dạ dày tá tràng và gây ung thư biểu mô tuyến dạ dày.

Hà Nội: Cả nhà nhiễm vi khuẩn gây bệnh dạ dày, chuyên gia lưu ý 2 sai lầm nguy hiểm - Ảnh 1.

GS Đào Văn Long

Dấu hiệu nhận biết có vi khuẩn này không đặc hiệu, người ta cho HP là vi khuẩn cộng sinh với cơ thể con người, 1 số ng có dấu hiệu đầy hơi, ợ hơi, ợ chua, đau vùng thượng vị. Khi đó người bệnh thường nghĩ đến đau dạ dày, tá tràng và điều họ nghĩ là đau dạ dày. Tuy nhiên, đây cũng là triệu chứng của vi khuẩn HP.

Biểu hiện của nhiễm vi khuẩn HP nặng hơn với cơn đau từ âm ỉ đến mạnh, một số gây cơn đau cấp tính thậm chí gây thủng dạ dày, gây xuất huyết, gây triệu chứng hẹp môn vị hoặc biến chứng nặng hơn là ung thư.

Ngoài ra, HP còn gây nhiều căn bệnh khác, nó còn là yếu tố thuận lợi gây nên hen, có vai trò với ung thư phổi, xuất huyết giảm tiểu cầu.

Để phát hiện vi khuẩn HP người bệnh có thể kiểm tra sức khoẻ tại các cơ sở y tế. GS Long cho biết, hiện nay công cụ phát hiện vi khuẩn HP là xét nghiệm trong máu có kháng thể HP.

Với kết quả này, có hai trường hợp người đó từng nhiễm HP hoặc đang nhiễm HP, khi đó người ta sẽ nội soi dạ dày, sinh thiết lấy mẫu bệnh phẩm cho kết quả tương đối tốt để phát hiện HP.

Để chắc chắn hơn có thể nhuộm màu đọc dưới kính hiển vi. Còn trường hợp đơn giản có thể biết HP không thì có thể test khí thở. Ngoài ra, còn các test tìm kháng nguyên trong phân.

Trẻ có nguy cơ nhiễm HP rất cao

Điều trị HP không đúng cách có thể khiến bệnh nặng hơn. GS Long khuyến cáo những sai lầm trong điều trị HP đó là người bệnh tự mua thuốc về điều trị và có điều trị nhưng không tuân thủ chỉ định của thầy thuốc sử dụng thuốc chất lượng không được tốt, không chú ý nguồn lây lan. Điều này khiến tỷ lệ nhiễm HP của người Việt rất cao.

Theo nghiên cứu khảo sát của GS Long, trong gia đình ở Việt Nam nếu bố mẹ nhiễm HP thì các cháu bé cũng nhiễm HP. Với trẻ em dưới 10 tuổi dễ nhiễm HP, đặc biệt khi trẻ đã bị nhiễm rồi thì có thể nói trẻ sẽ chịu di chứng nhiễm suốt đời.

Không chỉ thế, người bệnh tự điều trị HP gây kháng thuốc, liệu trình điều trị gồm kháng sinh và thuốc bài tiết axit uống khoảng 10 ngày nhưng nhiều người uống được 4 – 5 ngày thấy đỡ bỏ không uống nữa. Nhưng thực tế, vi khuẩn HP chưa bị tiêu diệt, nó nhờn kháng sinh và lần sau sử dụng kháng sinh diệt trừ nó không còn tác dụng nữa.

Với những cháu bé dưới 10 tuổi dễ bị nhiễm do trong gia đình, đi nhà trẻ ăn uống tại trường khó kiểm soát được vấn đề này.

Trẻ nhỏ chỉ định điều trị HP không phải cứ nhiễm là phải điều trị ngay. Nếu nhiễm HP việc diệt trừ có lợi cho sức khoẻ nhưng thời điểm tiệt trừ lại dao động vào tuổi 30 – 40 tuổi, tuy nhiên, độ tuổi nào cần điều trị còn tuỳ từng quốc gia nghiên cứu với người không có triệu chứng.

"Với cháu bé không có triệu chứng không cần điều trị. Với cháu bé đau dai dẳng, kém ăn, buồn nôn, thiếu máu bắt buộc phải điều trị" - GS Long nhấn mạnh

GS khuyến cáo, cách phòng vi khuẩn HP tốt nhất là vệ sinh, phòng dịch nơi sinh sống: vệ sinh nguồn nước, thực phẩm, nơi ở, rửa tay sạch sẽ khi ăn uống.

Kiểm tra vi khuẩn HP khi có các dấu hiệu bệnh dạ dày và có chỉ định của bác sỹ để tiệt trừ kịp thời, tránh lây nhiễm ra các thành viên trong gia đình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại