Sở GD&ĐT Hà Nội lên tiếng về lý do đề xuất bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10 Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở Hà Nội có gì đáng chú ý?
Học sinh THCS học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Hoàng Hùng |
Giải tỏa tâm lý cho học sinh
Nhắc đến chủ trương bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10 THPT, em Nguyễn Bảo Thanh, lớp 9B, trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội hồ hởi nói: “Chúng em đã thật sự yên tâm cho kỳ thi vào lớp 10 tới đây.
Khi các cơ quan chức năng chưa thông báo thôi thi môn thứ 4, em và các bạn đều lo lắng bởi vừa phải tập trung cho 3 môn chính, và không rõ sẽ thi thêm môn gì để ôn tập. Nếu căng ra để học thêm 6, 7 môn còn lại sẽ rất mệt”.
Cùng chung tâm trạng, em Phạm Nhật Minh, lớp 9C (cùng trường với em Nguyễn Bảo Thanh) nói thêm: “Chúng em khi học các lớp trực tuyến hay trên truyền hình vất vả hơn, tiếp thu bài khó hơn học trên lớp.
Bởi khi học ở các lớp này, học sinh vừa phải ghi chép thật nhanh, vừa tập trung lắng nghe bài giảng vì không có nhiều cơ hội tương tác với các thầy, cô. Nay không phải thi thêm môn thứ 4 nữa, chúng em đã vững tin hơn cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới, sẽ dành nhiều thời gian để ôn tập 3 môn như thông báo”.
Ở góc độ phụ huynh, chị Nguyễn Thị Lệ Hằng (ở quận Hà Đông, TP Hà Nội có con năm nay thi vào lớp 10 THPT) chia sẻ: “Nhiều hôm đi làm về nhìn thấy con cắm mặt vào máy tính, bàn học thấy xót ruột lắm!
Các con vừa phải điều chỉnh phương pháp đào tạo mới, hiệu quả chắc chắn không bằng học tại trường, tại lớp như trước đây, nếu gây áp lực nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của các con. Vì vậy, khi Hà Nội có quyết định bỏ thi môn thứ 4 này, tôi thấy như nhẹ đi cả cục sắt, cục chì trong đầu”.
Dù đã “thở phào nhẹ nhõm” với quyết định thi vào lớp 10 THPT chỉ còn 3 môn, nhưng chị Trần Mai Hương (quận Long Biên, TP Hà Nội, có con đang học lớp 9) chia sẻ: “Hằng ngày thấy các con mệt mỏi, với các lớp học thấy thương lắm. Có lúc thấy con chưa học xong lớp này đã chuẩn bị vào lớp học khác, cứ đôn đáo như vậy suốt mấy tháng qua. Trong hoàn cảnh này, tôi thấy chỉ cần thi 2 môn Toán và Ngữ văn là đủ với các con”.
“Không còn mong chờ gì hơn”
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường THCS-THPT Marie Curie Hà Nội - người đầu tiên lên tiếng đề xuất thôi thi môn thứ 4 vào lớp 10 THPT xúc động: “Không còn mong chờ gì hơn”. Theo thầy Khang, các em học sinh nói chung đang bị thiệt thòi nhiều bởi những tác động của dịch bệnh và các điều chỉnh trong đào tạo.
Đặc biệt, riêng các em khối 9 và 12 là bị ảnh hưởng nhiều nhất, bởi các em phải đối mặt với những cuộc thi quan trọng nhất cuộc đời mình, đó là thi chuyển cấp và kỳ thi THPT quốc gia. Bên cạnh đó, nhiều địa phương trên cả nước không áp dụng môn thi thứ 4 vào lớp 10 THPT, nhất là với tình hình dịch dã diễn biến phức tạp như hiện tại, việc giảm tải là hết sức cần thiết. Bởi lẽ đó, quyết định thôi thi môn thứ 4 của UBND TP Hà Nội rất hợp lòng dân, đem lại luồng sinh khí mới mẻ, tích cực, tươi tắn cho môi trường giáo dục.
Đánh giá những hiệu ứng từ quyết định thôi thi môn thứ 4, GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông mới cho rằng: “Như vừa cởi một nút thắt của những lo lắng, hồi hộp, căng thẳng của các em học sinh, phụ huynh và đội ngũ giáo viên”.
Theo GS Thuyết, với tình hình dịch bệnh hiện nay, môn thi, thậm chí là kỳ thi nào không thật sự quan trọng có thể bỏ. Các nhà quản lý, trong những quyết sách của mình cần đặt người học vào trung tâm, đưa lợi ích người học lên cao nhất trong công tác giáo dục.