Như từ cõi chết trở về
Ông Nguyễn Quang Thành (70 tuổi – tỉnh Nam Định) đến đơn vị chăm sóc bệnh mạch vành, BV Tim Hà Nội trong tình trạng suy tim nặng, sau khi làm các chẩn đoán lâm sàng, ông Thành được các bác sĩ (BS) kết luận suy tim cấp, tổn thương mạch vành. Ngay sau đó, bệnh nhân được can thiệp cho kết quả tốt. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã dần hồi phục.
"Vẫn như thường ngày, sáng dậy sau khi ăn sáng tôi ngồi trên xe máy đi chợ mua đồ sinh hoạt cho cả gia đình, gần đến chợ tôi bỗng cảm thấy đầu óc bị choáng váng, thị lực giảm hẳn, nói năng khó, một nửa người bên phải yếu hẳn gần như bị liệt ngã lăn quay bất tỉnh" - ông Thành nhớ lại.
Khai thác bệnh sử được biết, gia đình ông có người mắc bệnh tim mạch trước đó, bản thân ông mắc đái tháo đường type 2 đã nhiều năm, huyết áp lên xuống thất thường. Do chủ quan, nên ông cũng ít đi thăm khám định kỳ tại bệnh viện mà chỉ mua thực phẩm chức năng về uống và tự kiểm soát bệnh bằng thuốc nam.
Trường hợp của ông Thành chính là biến chứng động mạch vành do trước đó mắc đái tháo đường, một phần do chủ quan với sức khỏe, nếu chậm trễ rất dễ tử vong. Giờ đây, nhiều khi nhắc đến động mạch vành, ông vẫn rùng mình và có cảm giác như từ cõi chết trở về.
Bệnh nhân mắc động mạch vành không phải là hiếm, hằng ngày tại Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam, Bệnh viện Tim Hà Nội, các bác sĩ vẫn gặp rất nhiều bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, động mạch vành... Tuy nhiên, hầu hết, các bệnh nhân vào viện khi bệnh đã ở một biến chứng nặng nề, thậm chí khó qua khỏi.
Thực tế không phải lúc nào người bệnh cũng có những dấu hiệu lâm sàng
Động mạch vành - sát thủ thầm lặng giết chết con người lúc nào không biết
Theo thống kê của Tổ chức y tế Thế giới (WHO) hằng năm có 17,5 triệu người tử vong do liên quan đến tim mạch, đặc biệt số người mắc bệnh đang có xu hướng ngày một gia tăng. Chi phí chăm sóc và điều trị lên tới hàng trăm tỉ USD mỗi năm, đây thực sự là một gánh nặng về chất lượng dân số và sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam bệnh tim mạch diễn tiến phức tạp, bệnh động mạch vành là một loại bệnh thường gặp nhất, đây cũng chính là nguyên nhân của hàng nghìn ca tử vong do nhồi máu cơ tim.
PGS, TS Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc BV Tim Hà Nội
Thống kê nhanh nhất cho thấy, cứ 3 người Việt Nam trưởng thành thì có một người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chủ yếu là bệnh mạch vành. Đây cũng là căn bệnh cướp đi hàng trăm tính mạng người mỗi năm, nếu tính cả tai biến mạch máu não vào các bệnh tim mạch khác con số này lên đên 200 nghìn người.
Nhiều người chết vì suy tim, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim. Đây được coi là sát thủ thầm lặng giết chết con người lúc nào không biết.
Mỗi năm bệnh nhân nhập viện do tim mạch nhiều hơn cả ung thư, lao, sốt rét và HIV cộng lại, Viện tim mạch Việt Nam cũng chia sẻ thông tin tỉ lệ tăng huyết áp ở người trẻ đang ngày một gia tăng, chiếm hơn 20% tỉ số ca mắc.
PGS, TS Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc BV Tim Hà Nội chia sẻ: "Theo thống kê của Tổ chức y tế Thế Giới, năm 2012 tại Việt Nam có 520.000 người tử vong, trong đó có 373.600 người tử vong do bệnh không lây nhiễm (chiếm tỉ lệ 73%) trong đó, tử vong do tim mạch chiếm 33%, nghĩa là cứ 3 ngưởi tử vong thì có 1 người tử vong do tim mạch.
Tử vong do tim mạch chủ yếu là do bệnh động mạch vành, tiếp đến là tai biến mạch máu não. Biến chứng tử vong do động mạch vành nói riêng và bệnh tim mạch nói chung là mối quan tâm không chỉ của bệnh nhân mà còn là của cả xã hội".
Yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh động mạch vành
Bệnh động mạch vành thường bắt đầu từ những tổn thương bên trong lớp nội mạc của động mạch vành.
Ban đầu, cholesterol và một số chất khác lắng đọng trên thành động mạch vành tạo nên tình trạng xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa làm mạch máu bị hẹp dần khiến lưu lượng máu đến tim ít đi, gây nên tình trạng đau ngực, khó thở hoặc các triệu chứng khác của bệnh động mạch vành.
Nếu các mảng xơ vữa bị vỡ ra, các tiểu cầu sẽ kết tập lại thành cục máu đông. Cục máu đông này trôi đi và có thể làm tắc nghẽn mạch máu trong tim, dẫn đến cơn đau tim gọi là đau thắt ngực, nặng hơn là nhồi máu cơ tim.
Mảng xơ vữa làm hẹp lòng mạch, nếu vỡ ra sẽ làm xuất hiện cục máu đông – nguyên nhân trực tiếp gây nhồi máu cơ tim.
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây nên bệnh động mạch vành:
+ Tuổi càng cao càng có tăng nguy cơ tổn thương và thu hẹp lòng mạch
+ Nam giới thường có tỉ lệ mắc động mạch vành cao hơn nữ, nguy cơ của phụ nữ gia tăng sau khi mãn kinh.
+ Người thân mắc bệnh tim ở tuổi càng trẻ thì bản thân càng có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành. Nguy cơ càng cao khi cha, anh em trai được chẩn đoán bệnh tim trước 55 tuổi hoặc mẹ, chị em gái được chẩn đoán trước 65 tuổi.
+ Người bị các bệnh mạn tính như: cao huyết áp, tiểu đường, cholesterol cao, bức xạ trị liệu ung thư… thường dễ bị xơ vữa động mạch dẫn đến bệnh động mạch vành.
+ Một số yếu tố gia tăng nguy cơ là: hút thuốc lá, ít vận động, béo phì, căng thẳng kéo dài… làm tăng khả năng mắc bệnh động mạch vành lên nhiều lần.
Các biến chứng có thể gặp phải khi mắc động mạch vành
Bệnh mạch vành có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng:
+ Đau thắt ngực: Động mạch vành thu hẹp làm cho tim không nhận đủ máu, đặc biệt là trong hoạt động thể chất. Điều này có thể gây ra đau ngực (đau thắt ngực) hoặc khó thở.
+ Đau tim: Nếu các mảng xơ vữa bong ra, tạo cục máu đông làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch tim, có thể kích hoạt một cơn đau tim. Việc thiếu lưu lượng máu tới tim có thể làm hoại tử cơ tim. Mức độ tổn thương phụ thuộc một phần vào thời gian tiến hành điều trị.
+ Suy tim: Nếu lưu lượng máu giảm làm một số khu vực của tim bị thiếu ôxy và chất dinh dưỡng mãn tính hoặc nếu tim đã bị tổn thương bởi cơn đau tim thì tim có thể trở nên quá yếu để bơm đủ máu đáp ứng nhu cầu cơ thể. Tình trạng này được gọi là suy tim.
+ Nhịp tim bất thường (loạn nhịp): Thiếu máu cung cấp cho tim hoặc tổn thương mô tim có thể ảnh hưởng tới xung điện tim, gây nhịp tim bất thường.
Nhiều người đến bệnh viện khi đã gần tử vong mới biết mắc động mạch vành
Chuyên gia khuyến cáo ngăn ngừa mắc bệnh
"Để tránh mắc bệnh, chúng ta phải kiểm soát yếu tố nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, ví dụ như thay đổi thói quen không lành mạnh, tránh tình trạng lười vận động thể lực, hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia, ăn mặn, ăn nhiều các chất mỡ, thực phẩm có hàm lượng Cholesterol cao như mỡ động vật, không nên thức đêm nhiều.
Đây là các chế độ sinh hoạt hoàn toàn có thể điều chỉnh được. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ mà chúng ta phải điều trị như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, đây là các bệnh mà con người có thể kiểm soát được" - PGS, TS Nguyễn Quang Tuấn cho hay.
Bệnh động mạch vành có triệu chứng, dấu hiệu và biến chứng thay đổi trên từng cá thể. Với nhiều người bệnh hoàn toàn không có dấu hiệu bất thường gì, nếu có thì đau thắt ngực với nhiều mức độ khác nhau.
Tuy nhiên, khi đau thắt ngực kèm chứng khó thở nhanh ngưng nó có thể là biểu hiện của nhồi máu cơ tim, một số người không có biểu hiện gì, trong y văn hay gọi đó là thiếu máu cơ tim thể im lặng.
Mặc dù lượng máu đến nuôi cơ tim thiếu do mạch vành hẹp nhưng người bệnh không hề cảm thấy đau ngực. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khi động mạch vành hẹp đến 50% đường kính mà vẫn không hề có biểu hiện đau ngực, thì mức độ hẹp của nó chưa làm giảm đi lượng máu.
Thiếu máu cơ tim thể im lặng thường gặp ở người mắc bệnh đái tháo đường, tổn thương thần kinh của bệnh làm họ mất đi cảm giác nhạy cảm với cơn đau.
Thực tế cho thấy, khi bệnh nhân có các triệu chứng thường bệnh đã rất muộn, hiện nay khoa học đã phát hiện ra một thể đó là thể động mạch vành không triệu chứng, nghĩa là bệnh diễn biến thầm lặng, không biểu hiện ra ngoài, làm cho người bệnh chủ quan, không đi khám, không điều trị, khi xảy ra biến chứng bệnh đã gần tử vong hoặc tử vong.
Nhiều người khỏe mạnh, nhiều năm không khám bệnh, đột nhiên tử vong, dân gian ta vẫn hay nói là phải gió hoặc cảm mạn, tuy nhiên 90% những ca đó tử vong do động mạch vành. Có tới 1/3 bệnh nhân khi phát hiện động mạch vành mới đi khám, khi đó biến chứng xảy ra thì đã quá muộn.