Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết tháng 7/2018 đã có gần 300 ca mắc sởi, riêng trong tuần vừa qua đã có tới 20 trường hợp mắc mới. Đặc biệt, có những trường hợp bị biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
PGS.TS Bùi Vũ Huy – Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, tính từ đầu năm đến nay khoa tiếp nhận 34 ca mắc sởi, hiện vẫn còn 3 ca đang điều trị ở khoa với những biến chứng nặng, chưa thể tiên lượng được điều gì.
Trong đó, đáng lưu ý nhất là trường hợp 2 anh em sinh đôi cùng trứng (11 tháng tuổi, ở Hà Nội) đều mắc sởi với những triệu trứng lâm sàng giống hệt nhau. Hiện cả 2 cháu vẫn bị biến chứng viêm phổi nặng, chưa thể nói trước được điều gì.
Theo đó, hai anh em sinh đôi vào viện cách đây khoảng 1 tuần, với những dấu hiệu điển hình của bệnh sởi, như người phát ban, sốt cao, ho nhiều, có nước mũi… Khai thác bệnh sử thì được biết, cả 2 đều chưa được tiêm phòng vắc xin sởi.
Thời điểm các bác sĩ tiếp nhận, trẻ đã ở trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, rút lõm lồng ngực… qua thăm khám các bác sĩ kết luận, bị viêm phổi nặng trên nền bệnh nhân sởi.
PGS Bùi Vũ Huy trưởng khoa Nhi, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương
Ngay sau đó, các bác sĩ tiến hành hạ sốt, chống co giật, dùng kháng sinh mạnh và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
"Đến nay, dù đã 1 tuần điều trị tích cực, nhưng cả hai bệnh nhi vẫn chưa thuyên giảm, các bác sĩ vẫn đang tiếp tục theo dõi và chưa thể nói trước điều gì", PGS Huy chia sẻ.
Nói về nguyên nhân dẫn đến trẻ bị mắc sởi, gây biến chứng nghiêm trọng, PGS Huy cho rằng, do các bậc phụ huynh chủ quan không tiêm phòng vắc xin cho trẻ theo đúng khuyến cáo của ngành y tế.
Hai anh em sinh đôi mắc sởi biến chứng nặng đang điều trị tại bệnh viện
"Trong 34 trường hợp đến điều trị tại khoa, có 33 trường hợp là trẻ dưới 3 tuổi. Trong đó, 100% trẻ chưa hoặc không được tiêm phòng vắc xin đầy đủ.
Khi hỏi lý do, bố mẹ các bệnh nhi cho biết, vì đến độ tuổi tiêm chủng trẻ ốm nên không tiêm, hoặc có trường hợp quên lịch tiêm, thậm chí có trường hợp kiên quyết không tiêm vì bị biến chứng", PGS Huy chia sẻ.
Theo vị trưởng khoa này, với bệnh sởi biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất đó chính là tiêm phòng vắc xin. Tuy nhiên, việc tiêm phòng vắc xin vẫn có những tai biến nhất định xảy ra, nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chủ yếu là do cơ địa trẻ. Bởi vậy, để phòng căn bệnh này các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm phòng đúng độ tuổi, đủ mũi.
Theo đó, trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vắc xin Sởi –Rubella đầy đủ và đúng lịch.
Ngoài tiêm phòng vắc xin, PGS Huy khuyến cáo, các gia đình nên giữ gìn vệ sinh cho trẻ bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, giữ gìn thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.