Trước sự tăng “nóng” của giá vàng , mới đây, tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng , Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Minh Khái đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay việc thanh tra đối với thị trường vàng, khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng thời gian qua và diễn biến thị trường trong nước, quốc tế để theo thẩm quyền xem xét thực hiện hiệu quả hơn các giải pháp, công cụ điều hành để ổn định, bình ổn ngay thị trường vàng theo mục tiêu đề ra.
“Khắc phục ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia”, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Theo đó, sau chỉ đạo đã nêu, giá vàng trong phiên giao dịch những ngày sau đó được cho đã “hạ nhiệt”, tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn khoảng cách lớn khi chỉ trong ngày 10/5, giá vàng liên tục đạt đỉnh 90, 91 và 92 triệu đồng/lượng. Chốt phiên giao dịch ngày 10/5, giá vàng leo lên ngưỡng 92,4 triệu đồng/lượng. Đây là ngưỡng giá đắt nhất lịch sử đến thời điểm này.
Lý giải cho thực tế “tăng nóng” của thị trường vàng những ngày vừa qua, chuyên gia vàng - Trần Duy Phương cho rằng, giá vàng miếng SJC tăng liên tiếp những phiên gần đây là do vấn đề nguồn cung và tâm lý.
Theo vị chuyên gia này, nguồn cung vàng đang được Ngân hàng Nhà nước tăng cường thông qua các phiên đấu thầu, tuy nhiên, sau khi các doanh nghiệp trúng thầu, cần khoảng thời gian nhất định thì vàng mới đến được tay doanh nghiệp và khi đó thị trường mới được bổ sung nguồn cung. Trong khi đó, tâm lý người dân hiện nay là lãi suất tiết kiệm thấp, họ sẽ rút tiền ra mua vàng. Hơn nữa, họ nhận định vàng thế giới sẽ tăng nên vàng trong nước có thể tăng lên 90, thậm chí 100 triệu đồng/lượng.
“Vấn đề tâm lý này có thể thấy rõ nhất trong thời gian gần đây, khi càng đấu thầu vàng, giá càng tăng nên người dân vẫn mua vàng vào vì nghĩ giá khó giảm”, vị chuyên gia này nhìn nhận.
Và để giải quyết thực trạng đã nêu, theo các chuyên gia, cần thiết phải giải quyết được vấn đề nguồn cung và tâm lý đầu cơ của người dân.
Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để tăng nguồn cung, đấu thầu vàng không phải là biện pháp. Ngân hàng Nhà nước tổ chức 5 phiên đấu thầu thì 3/5 phiên bị huỷ, chỉ 2/5 phiên thành công và cũng chỉ có 6.800 lượng vàng được đưa ra thị trường.
Để tăng cung, theo vị chuyên gia này, cần cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vàng được nhập khẩu và xuất khẩu vàng, Nhà nước kiểm soát bằng thuế. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, lập tức trong một tuần tuần giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông. Việt Nam cũng dễ dàng nhập khẩu vàng từ Singpore, Thái Lan.
Còn theo ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400 - 500 lượng vàng, thay vì 1.400 lượng như hiện nay, như vậy sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn. Ngoài ra, giá cọc cũng cần thay đổi, bởi hiện tại, các doanh nghiệp đều cho rằng giá còn cao.
Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, cần sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng. Sửa Nghị định, nguồn cung vàng sẽ tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng, ngược lại, nếu không tăng nguồn cung, giá vàng SJC có thể tiếp tục lập kỷ lục mới.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần phải sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý vàng miếng càng nhanh càng tốt. Ngân hàng Nhà nước nên coi vàng là một hàng hóa thông thường, mọi người đều có thể sử dụng và quản lý bằng thuế thay vì độc quyền. Việc xóa bỏ độc quyền sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng, người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, sẽ không còn tình trạng khan hiếm nữa.