Bà Sayan Kaya hôm 11-3 thông qua mạng xã hội Twitter khẳng định bà đến được TP Rotterdam nhưng không thể tiến vào lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại đó. Bà giải thích rằng mình bị chặn tại khu vực cách lãnh sự quán 30 mét.
Cảnh sát sau đó đã tạm giữ bà Sayan Kaya và trục xuất nữ bộ trưởng này sang Đức
Bà Fatma Betul Sayan Kaya. Ảnh: Gulf Times
Cùng ngày, hàng trăm người biểu tình trước lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở TP Rotterdam, yêu cầu được nhìn thấy bà Sayan Kaya. Cảnh sát Hà Lan dựng hàng rào kim loại và ngăn cản đám đông tiến gần lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ. Đoàn người biểu tình ngày càng đông đúc với sự tham gia của những người ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ đến từ Đức.
Cảnh sát Hà Lan sáng sớm ngày 12-3 sử dụng chó, vòi rồng và dùi cui giải tán đám đông khi cuộc biểu tình trở nên bạo lực. Đoàn người biểu tình dùng đá và chai tấn công cảnh sát.
Đám đông biểu tình trước lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở TP Rotterdam, yêu cầu nhìn thấy bà Sayan Kaya. Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
Đáp lại, Reuters hôm 12-3 trích dẫn các nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho hay nước này đã cho phong tỏa đại sứ quán và lãnh sự quán Hà Lan vào một ngày trước đó.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng có hành động tương tự đối với nhà riêng của đại sứ, đại biện lâm thời và tổng lãnh sự Hà Lan.
Căng thẳng giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang sau khi máy bay chở Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu không được hạ cánh xuống TP Rotterdam vì lý do an ninh hôm 11-3. Ông Cavusoglu dự định đến đây để vận động người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ việc thay đổi hiến pháp nhằm trao nhiều quyền hành hơn cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Sau vụ việc, Tổng thống Erdogan hôm 11-3 mô tả người Hà Lan là “những kẻ phát xít và tàn dư của Đức Quốc xã”.
Cảnh sát Hà Lan ngăn chặn người biểu tình tiến gần lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở TP Rotterdam. Ảnh: Reuters