Dự án “Thang máy ngắm cảnh, thăm quan di tích Đồn Cao” được Sở KH&ĐT tỉnh Hà Giang cấp chứng nhận đầu tư từ ngày 24/11/2017. Chủ đầu tư là một hộ cá thể sinh sống tại TP Hà Giang.
Siêu thang máy cao 102 tầng, diện tích lòng thang 15m2 được xây dựng gần như chính giữa vách đá Đồn Cao - núi đá nhìn ra chợ trung tâm phố cổ Đồng Văn, liền kề với phố cổ vừa được huyện Đồng Văn phục dựng trong quy hoạch phát triển du lịch.
Siêu thang máy cao 102 tầng án ngữ vách đá dựng đứng của núi Đồn Cao ngay thủ phủ của phố cổ Đồng Văn
Ngoài ra, một tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ, quầy cà phê, lưu niệm… sử dụng khoảng 5.600m2 trên đỉnh Đồn Cao sẽ được xây dựng để phục vụ khách du lịch.
Đỉnh núi có độ cao 1.200 mét này là điểm cao đẹp nhất có thể nhìn ngắm toàn bộ thị trấn Đồng Văn, cánh đồng Làng Nghiến, những đỉnh núi đá nhọn hoắt, ruộng bậc thang trải dài như không có điểm dừng.
Thang máy cao 102 tầng đứng án ngữ vách đá dựng đứng
Điều đặc biệt mà thiên nhiên ưu ái, núi Đồn Cao có vách đá hướng ra chợ phố cổ Đồng Văn gần như phẳng lì, dựng đứng.
Vách đá này khiến du khách liên tưởng tới vách đá dựng đứng ở vực Tu Sản - nơi gắn liền với công trình Panorama 7 tầng cũng án ngữ vị trí đẹp nhất của đỉnh Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc - hàng xóm của Đồng Văn) đang “gây bão” dư luận.
Khi hoàn thiện, “siêu thang máy 102 tầng” được thiết kế đèn điện, hệ thống chiếu sáng lung linh do thang được thiết kế hệ thống kính xuyên suốt; hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ, quầy bar… trên đỉnh núi, dự án này sẽ là dự án hiện đại, sang chảnh nhất tồn tại giữa không gian phố cổ.
Công suất thiết kế đưa đón khách lên/xuống thăm quan đỉnh núi dự kiến 3.500 khách/ngày.
Hiện tại, dự án được thi công, lắp ghép phần khung thang máy. Hệ thống khung thép đang được lắp đặt cao chừng 30m; nhà điều hành công trường; sắt thép, nguyên vật liệu được tập kết ngổn ngang...
Sự xuất hiện của công trình này sẽ phá quy hoạch của phố cổ Đồng Văn
Vị trí xây dựng công trình đối diện với khu nhà đặt trụ sở làm việc của Phòng Kinh tế hạ tầng; Tài nguyên Môi trường; Ban quản lý dự án huyện Đồng Văn; cách trụ sở Huyện ủy - UBND huyện Đồng Văn 120m; liền kề với dãy phố cổ và tuyến đường Phố Cổ; cách nhà cổ Đồng Văn – công trình biểu tượng của thị trấn Đồng Văn khoảng 50m.
Thêm một “Panorama” đứng không đúng chỗ
Trong không gian chung của phố cổ Đồng Văn gồm các công trình kiến trúc cổ được Đồng Văn lưu giữ và đang phục dựng, tái hiện, công trình siêu thang máy 102 tầng nếu hoàn thiện sẽ phá vỡ bức tranh cổ kính mang tính biểu tượng của vùng lõi di sản cao nguyên đá.
Vợ chồng cụ ông 80 tuổi bán bánh cuốn trên phố Cổ Đồng Văn tiếc rẻ: “Bây giờ họ mới làm đến đó mà nhìn đã không ra làm sao. Sau này hoàn thiện, chắc chắn nó sẽ không phù hợp”.
Nếu nói vách đá dựng đứng của vực Tu Sản là điểm nhấn hùng vĩ nhất của sông Nho Quế tại vị trí công trình Panorama án ngữ, thì vách núi Đồi Cao cũng được coi là linh hồn của phố cổ Đồng Văn.
Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Nguyễn Trung Ngọc cho biết, ông từng đề xuất không nên đặt thang máy tại vị trí này, vì nó sẽ che mất mặt tiền của vách đá Đồn Cao. Nếu dự án vẫn thi công tại khu vực này, ít nhất, nên đặt sang phía hông của đỉnh núi, để nó không che chắn mất mặt tiền của vách đá này.
Công trình thang máy lạc lõng
“Vách đá dựng đứng, bằng phẳng như bức tường thành này, ngành văn hóa có kế hoạch sẽ tạc một bức phù điêu, hoặc thiết kế dàn đèn tạo hiệu ứng màu sắc để làm điểm nhấn du lịch. Các địa phương, vùng miền khác không có núi, họ còn phải làm núi nhân tạo để đắp phù điêu” - ông Ngọc cho biết.
Một người dân Hà Giang cũng tiếc nuối: Đồng Văn có bức tường đá tự nhiên đẹp như thế mà không biết sử dụng thì thật đáng tiếc.
Ngày 21/8, UBND huyện Đồng Văn bất ngờ ra quyết định tạm đình chỉ thi công công trình “siêu thang máy 102 tầng” với lý do, công trình chưa hoàn tất hồ sơ, thủ tục, hồ sơ đầu tư dự án theo quy định.
Ngoài ra, công trình cũng nằm trong phạm vi khu vực 2 (vành đai xanh) của bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích; thuộc phạm vi không được xây mới; bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ Đồng Văn, làng văn hóa Quyết Tiến, khu di tích Đồn Cao, hình thành không gian có giá trị văn hóa, lịch sử của cao nguyên đá Đồng Văn trong bản đồ quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu của Hà Giang.